Trong phần trước, chúng ta đã biết được khái quát về Attack On Titan cũng như cách gây dựng lên một thế giới giả tưởng cho bộ anime này – điều kiện quan trọng nhất quyết định nên sự thành công cho mỗi thể loại kỳ ảo.
Và hôm nay, cùng mình tiếp tục khai thác thêm những lý do giúp cho bộ anime/manga này được thành công và nhận về sự yêu thích từ rất nhiều người nhé!
Cách tạo dựng tư tưởng
Xuyên suốt Attack On Titan, sự chết chóc xuất hiện nhiều tới mức trở thành điều hiển nhiên. Với hệ thống nhân vật đồ sộ, thay vì tập trung làm nổi bật từng cá tính, anime đã hướng tới việc tạo ra một hệ thống tư tưởng, bao trùm lên tất cả các nhân vật khi họ đều có chung một khát khao và hướng tới tự do, giải phóng cho con người ra khỏi những bức tường cao chót vót kia. Tinh thần này được gửi gắm vào đội trinh sát – những chiến binh cảm tử được coi là tương lai của loài người.
Đội trinh sát là một sư đoàn được lập ra với mục đích chiến đấu chống lại người khổng lồ. Trong hành trình đó, họ không chỉ phải chống lại những sinh vật dị biệt xâm lăng, mà còn bị cuốn vào những cuộc đấu tranh giữa người với người. Trong Attack On Titan, các nhân vật đều được xây dựng có cả mặt thiện và ác tồn tại song song, và người quyết định cho họ thuộc về phe nào chính là khán giả. Dù ở phe nào, hay có tính cách ra sao thì các nhân vật đều biến những nỗi đau và sự tàn khốc thành quyết tâm để hướng tới ước mơ xa hơn chính là giải phóng toàn nhân loại.
Đội trinh sát là nơi tập hợp của những người khao khát về một thế giới rộng lớn ở bên kia bức tường, là những con người đã phải chịu qua thương đau để có thể sẵn sàng bỏ lại mọi thứ sau lưng mà cầm kiếm lên chiến đấu. Việc tạo ra một hệ tư tưởng bao trùm như vậy đã giúp cho Attack On Titan có được một sự nhất quán, đồng thời tạo ra một thông điệp đấu tranh cho khát vọng tự do mà seri này muốn truyền tải được nhấn mạnh, trở nên nổi bật và rực cháy quyết tâm.
Không chỉ vậy, tư tưởng này còn liên tục được nâng cấp theo tiến trình cốt truyện. Các nhân vật từ việc cầm kiếm để đấu tranh vì nỗi đau và khát vọng tự do cá nhân đã được nâng lên thành chiến đấu vì đồng đội và tổ quốc, cuối cùng trở thành mong muốn mang lại hoà bình cho toàn nhân loại. Tinh thần ấy được truyền từ những người đã mất sang những kẻ còn sống, từ lứa trinh sát trước cho đến những lứa sau, cứ thế tiếp tục kéo dài và trở thành mạch chính của cả bộ anime. Việc nâng cấp tư tưởng giúp Attack On Titan trở thành một câu chuyện với nhiều tầng ý nghĩa.
Cách thiết lập những trận chiến
Đặc sản của thể loại kỳ ảo là những trận chiến. Nếu như nét vẽ có phần khác lạ và kì dị trong manga Attack On Titan là một rào cản ngăn bạn tới với tác phẩm thì mình nghĩ bản anime sẽ là một lựa chọn không tồi, vì nó gần như khắc phục được những điểm yếu này, đặc biệt là các cảnh chiến đấu được đầu tư khá sinh động và bắt mắt.
Isayama Hajime đã thể hiện tham vọng biến Attack On Titan thành một tác phẩm mang tầm vóc sử thi, khi xuyên suốt anime là những cảnh chiến đấu được đầu tư về cả hình thức lẫn cách thức, nó được trải dài khắp các vùng đất và địa hình như trên thảo nguyên rộng mênh mông, trong thành phố, trong một hang động cứng như kim cương hay là cố thủ trong một tòa tháp hoang. Sự đa dạng trong việc thiết lập trận đấu đã giúp cho khán giả không bị nhàm chán khi liên tục phải theo dõi những trận chiến nối tiếp nhau của Attack On Titan.
Có một điểm khá đặc biệt trong các trận chiến của Attack On Titan, đó là mặc dù con người phải chiến đấu với một chủng loại vượt trội hơn rất nhiều, nhưng tác giả lại không trang bị cho họ những vũ khí với công nghệ tối tân, mà thay vào đó là để họ xoay sở bằng sự khéo léo, sức bền, kỹ năng và chiến thuật. Điều này không chỉ làm rõ sự chênh lệch giữa con người và lũ khổng lồ, mà còn là một cách để tác giả ngầm ca ngợi loài người khi ông lựa chọn khắc hoạ họ bằng sự gan dạ và trí thông minh dưới một hình hài cơ bản và đơn sơ nhất.
Tính thống nhất trong không khí phim
Bên cạnh những yêu điểm nổi bật trên, Attack On Titan lại có điểm yếu về tính thống nhất của không khí phim. Đối với việc xây dựng nên một thế giới rộng lớn không có điểm dừng trong anime/manga, tác giả sẽ rất dễ bị sa đà vào việc tạo ra quá nhiều thứ hoặc là bí ý tưởng, dẫn tới việc thế giới trong bộ anime/manga đó dễ bị lệch đi về không khí phim so với những ý tưởng ban đầu, vô tình tạo ra sự không nhất quán trong anime/manga.
Có thể bạn muốn xem thêm: Vì sao Attack On Titan rất được yêu thích đến như vậy?
Khoảng hai mùa đầu, Attack On Titan tạo cho người xem một cảm giác của không khí anime với bối cảnh cuối thời phục hưng của Châu Âu, được thể hiện qua việc bộ máy đứng đầu đất nước là quý tộc, chia rõ ràng các lãnh địa với các lãnh chúa cai trị thông qua sự phân chia lãnh thổ ở trong từng tầng bức tường. Kiến trúc của các toà nhà, hình ảnh các quán rượu, nhà thổ, những chiến binh hay cách họ chiến đấu trên lưng ngựa trong hai mùa đầu đậm chất cổ điển của Châu Âu.
Tới những mùa sau, khi thế giới được mở rộng với những vùng đất mới lạ thì máy bay và phi cơ bắt đầu được xuất hiện. Điều đó đã khiến cho người xem gặp một chút bỡ ngỡ vì họ cảm giác như đã bước vào một bộ anime/manga hoàn toàn khác. Sự thay đổi đột ngột này đã khiến cho không khí của bộ phim bị xáo trộn và không nhất quán khi mới phần trước các nhân vật còn đánh nhau bằng ngựa và kiếm theo kiểu cổ điển thì phần sau đã được chuyển qua bằng các vũ khí công nghệ tiên tiến. Những chi tiết chiến đấu bằng vũ khí hiện đại được thêm vào khiến khán giả hơi khựng lại một chút, nhưng tình tiết của Attack On Titan đã cuốn người xem vào nó mà quên mất đi sự thay đổi khác biệt rất lớn này.
Tính không thống nhất này đa phần thuộc về sự sáng tạo của khán giả nên chúng ta thay vì phán xét thì hãy thử cảm nhận nó. Sẽ có người cho rằng điều đó rất sáng tạo, hợp thời và chấp nhận được, nhưng cũng có nhiều người lại cảm thấy bỡ ngỡ và khó chịu đối với sự thay đổi đột ngột đó. Còn các bạn thì thấy sao? Hãy comment cho mình biết nhé!