"Toàn bộ Mặt Trời, bao gồm tất cả các lớp bên trong của nó, đều phát sáng. 'Màu sắc của Mặt trời' là phổ màu sắc có trong ánh sáng Mặt trời, vốn phát sinh từ sự tác động lẫn nhau đầy phức tạp từ tất cả các thành phần của Mặt trời", Christopher Baird, phó giáo sư vật lý tại Đại học West Texas A&M ở Canyon, Texas cho biết.
Điều này có nghĩa, nếu muốn tìm hiểu Mặt Trời có màu gì, chúng ta cần phân tích các tia sáng của ngôi sao này và định lượng chúng ngay trên Trái Đất.
Đài quan sát Solar Dynamics Observatory của NASA đã ghi được hình ảnh Mặt Trời tỏa sáng ở mức độ trung bình vào ngày 1/10/2015.
Về cơ bản, có nhiều cách khác nhau để làm điều này. Tuy nhiên, hầu hết các cách này đều không cần tới các thiết bị công nghệ cao. Trên thực tế, trẻ em cũng có thể thực hiện một số thí nghiệm phân tích tia sáng của Mặt Trời.
"Các màu bên trong chùm ánh sáng có thể dễ dàng được xác định bằng cách cho chùm tia qua một chiếc lăng kính. Công cụ cầm tay rẻ tiền này phát tán chùm ánh sáng thành các màu đơn thuần khác nhau. Mỗi màu đơn thuần lại có một tần số sóng riêng biệt", phó giáo sư Baird nói với Live Science.
Đây cũng là lý do tại sao các nhà khoa học có xu hướng sử dụng các từ "màu sắc" và "tần số" thay thế cho nhau, bởi mỗi màu sắc bên trong ánh sáng Mặt Trời được xác định bởi tần số của nó. Đối với ánh sáng mà mắt người nhìn thấy được, màu đỏ có tần số thấp nhất và màu tím có tần số cao nhất. Dải màu, hoặc tần số trong chùm ánh sáng được gọi là quang phổ.
Khi hướng các tia sáng của Mặt Trời qua một lăng kính, chúng ta thấy tất cả các màu của cầu vồng đi ra từ đầu kia. Điều đó có nghĩa là chúng ta nhìn thấy tất cả các màu mà mắt người có thể nhìn thấy được.
"Do đó Mặt Trời có màu trắng," bởi vì màu trắng được tạo thành từ tất cả các màu, phó giáo sư Baird cho biết.
Lăng kính phát tán chùm ánh sáng thành các màu đơn thuần khác nhau.
Ngoài phương pháp nói trên, còn một phương pháp khác có thể sử dụng để tìm ra màu của Mặt Trời. Theo đó, chúng ta có thể dùng một chiếc máy ảnh đo lượng sáng chạm vào các điểm ảnh khác nhau, từ đó xác định các tần số khác nhau của phổ Mặt Trời.
Trong trường hợp một tần số cụ thể luôn luôn sáng hơn bất cứ tần số nào khác, chúng ta có thể kết luận Mặt Trời có màu đó. Tuy nhiên, mọi thứ lại không diễn ra theo tình huống nói trên.
Khi làm thí nghiệm này, chúng ta phát hiện tất cả các màu con người có thể nhìn thấy được đều có trong ánh sáng Mặt Trời, với một định lượng xấp xỉ bằng nhau. Trong khi đó, tần số của các màu lại không có chung một định lượng bằng nhau. Mặc dù vậy, sự khác biệt về mặt định lượng giữa các tần số vẫn chưa đủ lớn để kết luận màu nào đang ‘thắng thế’.
"Các thành phần màu sắc của ánh sáng Mặt Trời có lượng gần bằng nhau đến nỗi chúng ta có thể nói rằng Mặt Trời có màu trắng, thay vì cho rằng nó có màu vàng, màu da cam hay bất kỳ một màu đơn thuần nào khác", phó giáo sư Baird kết luận.
Như vậy có thể nói Mặt Trời có màu trắng, bởi vì màu trắng được tạo thành từ tất cả các màu.
Tham khảo Live Science