Dịch viêm phổi do virus corona 2019-nCov tại Vũ Hán gây ra đang khiến dư luận thế giới hết sức hoang mang. Ở thời điểm hiện tại, hơn 2700 người tại Trung Quốc được xác định đã nhiễm virus, với 80 trường hợp tử vong.
Sự xuất hiện của dịch bệnh cùng họ với virus gây dịch SARS từng giết chết 800 người vào năm 2002 diễn ra vào thời điểm hết sức tồi tệ: Tết âm lịch - khi hàng trăm triệu người Trung Hoa bắt đầu di chuyển về quê. Chính phủ vì thế đã phải ra lệnh phong tỏa Vũ Hán - nơi khởi phát dịch bệnh - cùng 12 thành phố lân cận.
Ảnh minh họa
Có thể nói dịch bệnh khiến cho rất nhiều người cảm thấy bất ngờ, nhưng Eric Toner - nhà khoa học từ Trung tâm y tế ĐH Johns Hopkins (Hoa Kỳ) thì không nghĩ vậy. Ông không shock một chút nào vì chỉ chưa đầy 3 tháng trước, Toner đã lập ra một kịch bản mô phỏng về một dịch bệnh toàn cầu, có liên quan đến một loại coronavirus.
"Rất lâu rồi, tôi đã nghĩ rằng nếu có một dịch bệnh mới xảy ra, đó hẳn phải là từ một loại virus corona," - Toner chia sẻ.
Dịch bệnh tại Vũ Hán hiện chưa được xem là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, nhưng hiện tại đã có 41 người nhiễm bệnh ở phạm vi ngoài biên giới Đại Lục - bao gồm Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore, Arab Saudi, Mỹ, Úc, Pháp...
"Chúng ta hiện chưa biết khả năng lây lan của virus lần này là như thế nào. Những gì xác định được là nó lây từ người sang người, nhưng mức độ đến đâu thì chưa rõ." - Toner chia sẻ với Business Insider vào ngày 24/1. "Ấn tượng ban đầu là có vẻ nó nhẹ hơn SARS nên có thể tạm yên tâm. Tuy nhiên, nó có thể dễ lan truyền hơn SARS."
Nhận định của Toner cũng hoàn toàn có cơ sở, khi mới đây các chuyên gia xác định rằng virus nCov mới có thể lây lan ngay khi người bệnh chưa bộc lộ triệu chứng - điều không xảy ra với SARS.
Virus corona Vũ Hán
Kịch bản: virus giết chết 65 triệu người trong 18 tháng
Kịch bản của Toner mô phỏng về một loại virus có tên viết tắt là CAPS. Đây là một dự án của Diễn đàn kinh tế thế giới và Quỹ Bill and Melinda Gates Foundataion, xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu dịch bệnh bắt nguồn từ một trang trại nuôi lợn tại Brazil.
Virus CAPS trong mô hình của Toners sẽ có khả năng kháng lại tất cả vaccine hiện đại. Nó mạnh hơn SARS, và dễ lây lan giống virus cúm. Dịch bệnh khởi nguồn từ quy mô nhỏ: nông dân tại Brazil bắt đầu xuất hiện triệu chứng giống cúm hoặc viêm phổi. Từ đây, virus lan ra cộng đồng, sang các nơi lân cận với Nam Mỹ.
Các chuyến bay bị hủy hàng loạt, du lịch giảm 45%. Mọi người bắt đầu hoang mang vì những tin đồn không xác thực từ mạng xã hội. Sau 6 tháng, virus lan ra quy mô toàn cầu, và chỉ sau 18 tháng, 65 triệu người sẽ tử vong vì nó. So sánh dịch bệnh với dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918, khi ấy 50 triệu người đã thiệt mạng.
Dịch bệnh sẽ ngay lập tức gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu: thị trường chứng khoán giảm 20% - 40%, GDP giảm 11%. Ngay bản thân virus tại Vũ Hán cũng sẽ gây hiệu ứng tương tự về tài chính, khi số các ca nhiễm bệnh chạm ngưỡng 1000 (giờ là 2700). Như vào ngày 21/1, thị trường chứng khoán tại Hong Kong (Trung Quốc) đã giảm 2,8% do giao thông, du lịch và các ngành nghề liên quan giảm hoạt động.
Trong kịch bản, các nhà khoa học không thể kịp thời sản xuất vaccine ngăn chặn dịch bệnh. Giả thuyết này dựa trên thực tế với các dịch SARS và MERS - cả hai đều không có vaccine ở thời điểm bùng phát.
Nhưng tất nhiên, điều này không có nghĩa virus Vũ Hán cũng như vậy. Ở thời điểm hiện tại, các chuyên gia đang gấp rút sản xuất, chế tạo vaccine để kìm hãm dịch, và đang dần cho kết quả tốt.
"Nếu chúng ta có thể tạo ra vaccine mới trong vòng vài tháng thay vì hàng năm, câu chuyện sẽ trở nên khác hẳn," - Toner chia sẻ. "Dẫu vậy, chúng ta phải nghĩ cả cách sản xuất ở quy mô toàn cầu, cũng như làm cách nào để phân phối hiệu quả cho tất cả mọi người."
Tham khảo: Business Insider, The Guardian