Ngủ trên TikTok để giúp người xem dễ chìm vào giấc ngủ
Vào lúc 21h mỗi tối, Eliza Diaz, 24 tuổi lên giường và bắt đầu buổi phát trực tiếp ngủ trên TikTok. Khoảng 15 phút sau Diaz chìm vào giấc ngủ và có khoảng 1.000 - 10.000 người ở lại xem cô ngủ.
Nhiều người cho rằng đây là điều lạ lùng nhưng Diaz cho biết cô ghi lại các buổi phát trực tiếp về giấc ngủ như vậy để giúp những người đang phải vật lộn với chứng mất ngủ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. Giống như việc sử dụng thủ thuật nhìn người khác làm để giúp bạn hoàn thành nhiệm vụ tương tự. Những người xem Diaz cho biết việc nhìn người khác ngủ cũng giúp họ dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.
Diaz, tiktoker đang có 450.000 người theo dõi lần đầu nảy ra ý tưởng này khi cô tình cờ xem được một buổi phát trực tiếp về giấc ngủ trên TikTok hơn một năm trước. Mặc dù cũng phải vật lộn với chứng mất ngủ, nhưng khi Diaz xem những video như vậy cô nhanh chóng chìm vào giấc ngủ một cách dễ dàng. Kể từ đó, cô bắt đầu phát những video trực tiếp đi ngủ mỗi đêm.
Tiến sĩ David Spiegal, Phó Chủ tịch khoa Tâm thần học tại Trung tâm Y tế Đại Học Stanford, chuyên gia về giấc ngủ và thôi miên đã nói với Insider rằng con người là những sinh vật xã hội và dễ dàng đồng cảm. Nói cách khác, khi nhìn thấy Diaz buồn ngủ, cũng có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ. Điều này giống như nhìn người khác ngáp và theo phản xạ bạn cũng ngáp theo. Tiến sĩ nói: "Đối với tôi xem những video livestream này có ý nghĩa rằng việc nhìn người khác ngủ có thể khiến bạn dễ dàng có được trạng thái tương tự".
Vị tiến sĩ cũng mô tả chứng mất ngủ là phản ứng bên trong của một người đối với môi trường của họ và cách họ quản lý môi trường đó. Để đi vào giấc ngủ, bạn cần giữ cho môi trường xung quanh không có tiếng ồn quá lớn, ánh sáng chói hay tất cả những thứ có thể đánh thức bạn như sử dụng rượu bia hay tập thể dục ngay trước giờ đi ngủ.
Thay vào đó, để có thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ, bạn nên tắm nước ấm, xem một bộ phim chậm hoặc ngắm một người khác đang ngủ say trong một căn phòng yên tĩnh.
Spiegal nghĩ rằng nếu sử dụng phương pháp xem livestream giấc ngủ để có thể ngủ một cách dễ dàng, bạn cần hạ ánh sáng màn hình xuống thấp. "Miễn là bạn không bị chiếu quá nhiều ánh sáng vào mắt thì đây cũng là một trong những phương pháp giúp loại bỏ hội chứng khó ngủ".
Kiếm bộn tiền từ trào lưu livestream giấc ngủ
Tương tự như Eliza Diaz, cứ 10h tối, Jakey Boehm sở hữu kênh TikTok 1 triệu người theo dõi lại mặc pijama, leo lên giường và ngủ trước mặt các khán giả từ khắp nơi trên thế giới đang theo dõi qua TikTok Live. Anh tiết lộ mỗi tháng kiếm được trung bình 35.000 USD từ người hâm mộ. Ước tính, một năm anh có thể đạt được mức thu nhập 420.000 USD (9,9 tỷ đồng) từ việc livestream ngủ.
Sáng tạo hơn, người xem có thể mua cho anh những món quà ảo, có khả năng phát ra âm thanh và ánh sáng trong phòng ngủ của Boehm để cố đánh thức anh dậy. Nó giống như trải nghiệm khi chơi game và Boeham là một nhân vật trong game còn khán giả là game thủ và thử thách là đánh thức.
Với khoảng 380 USD, một người xem có thể kích hoạt mọi thứ trong phòng ngủ của Boehm trong 5 phút.
Chiêu trò này thu hút Kyle Hirshon, một nhà sản xuất truyền hình 25 tuổi. Anh nói xem video vào buổi sáng, trước khi đi làm. "Tôi thấy người ấy đang ngủ trên giường, kế bên một màn hình. Mọi người làm đủ thứ đánh thức anh ta dậy và tôi thấy 'ồ, có vẻ vui đấy'". Thi thoảng, Hirshon cũng gửi quà tặng ảo cho Boehm.
Số tiền thu được từ người hâm mộ được Boehm tiết kiệm mua nhà và ủng hộ các quỹ từ thiện về sức khỏe tinh thần. Anh cho biết cuộc sống đã thay đổi nhờ vào việc ngủ trên TikTok. Bản thân anh cũng là một nhà phát triển web tự do.
Tiktok cũng được hưởng % từ các món quà tặng ảo, dù vậy, công ty Trung Quốc không tiết lộ con số chính xác.
Theo WSJ, danh thủ David Beckham đã khởi đầu kỷ nguyên xem người khác ngủ, bốn thập kỷ sau bộ phim "Sleep" của Warhol. Trong một dự án phục vụ phòng tranh quốc gia, Beckham cởi trần và ngủ trong video "David" dài 107 phút năm 2004.
Sleep streaming trở nên nổi tiếng hơn nhờ dịch vụ livestream Twitch của Amazon và lan sang Tiktok vào năm ngoái. Tuy nhiên, cũng vì cách kiếm tiền có vẻ dễ dàng mà nhiều kẻ lừa đảo đã xuất hiện. Theo nhà sáng tạo nội dung YouTube Patrick Moore, những kẻ này sử dụng tính năng bình luận trong phiên livestream để lừa gạt khán giả trẻ em gửi tiền cho chúng. Do đó, các streamer như Olson nay phải hiển thị số tài khoản của mình ngay trên tấm bảng trong video.