Cuối tháng 12 năm 1963, chàng trai 17 tuổi Randy nhờ hai người bạn Bruce McAllister và Joe Marciano giúp thực hiện để tài "Người không ngủ lâu nhất" mà anh tin sẽ giành giải cao. Theo kế hoạch, trong khi Randy cố gắng thức lâu nhất có thể, Bruce và Joe sẽ thay phiên nhau quan sát, ghi chép diễn biến tâm lý, thể chất của Randy.
Thí nghiệm nguy hiểm đến mức có thể khiến Randy chết, vì vậy nó được viết khắp các mặt báo Mỹ lúc bấy giờ, với số lượng bài nhiều đến mức chỉ kém tin tức về tổng thống Kennedy bị ám sát và ban nhạc huyền thoại Beatles lưu diễn. Khi thí nghiệm được 3 ngày, tiến sĩ William Dement, chuyên gia nghiên cứu giấc ngủ từ Đại học Standford tìm đến các nam sinh này để hỗ trợ.
Randy được cho làm một loạt các bài kiểm tra nhận thức và giác quan. Để không ngủ, Randy chơi các trò vận động như bóng rổ, bowling... thỉnh thoảng được cho uống nước có gas. "Chúng tôi gặp nhiều khó khăn vào ban đêm, khi xung quanh yên tĩnh, chúng tôi cũng không có gì để làm. Nếu để cậu ấy nhắm mắt, cậu ấy sẽ ngủ nay lập tức", William kể lại.
Randy Gardner năm 17 tuổi.
Sau hai ngày, Randy bắt đầu gặp rắc rối khi được yêu cầu lặp lại những câu gây líu lưỡi, như kiểu "buổi trưa ăn bưởi chua", mất dần khả năng nhận diện đồ vật bằng xúc giác, nhưng khứu giác của anh nhạy cảm hơn. Anh thậm chí nói với Bruce 'Tớ không thể chịu được mùi đó, đừng để nó lại gần tớ".
Đến ngày thứ năm thức trắng, Randy bắt đầu bị ảo giác, khả năng ghi nhớ ngắn hạn giảm sút. Song, điều khiến cả nhóm bất ngờ là kỹ năng chơi bóng rổ của Randy tốt hơn trong suốt 11 ngày. "Thể chất của Randy vẫn rất tốt", William cho hay.
William khi đó mới bắt đầu nghiên cứu về khoa học giấc ngủ - một lĩnh vực khá mới khi đó. Sự tham gia của ông vào nhóm thí nghiệm khiến bố mẹ Randy yên tâm hơn phần nào. "Thời điểm ấy, có lẽ tôi là người đầu tiên trên thế giới từng nghiên cứu về giấc ngủ", William, hiện là một giáo sư, nói. "Bố mẹ của Randy đã rất lo lắng thí nghiệm sẽ nguy hiểm tới con trai, bởi khoa học chưa giải thích được liệu con người không ngủ quá lâu có chết hay không".
Randy và hai người bạn trong thí nghiệm. Ảnh: Lucid Dreaming |
Trước đó, một nhóm nghiên cứu từng đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi này trên loài mèo. Kết quả, sau 15 ngày những con mèo đều chết. Song, "những con mèo này đều được tiêm chất kích thích để không rơi vào giấc ngủ, do đó rất có thể chúng chết vì nội tạng bị phá hủy nghiêm trọng, thay vì do thiếu ngủ", Bruce kể lại trong một phỏng vấn gần đây. "Nhưng Randy chỉ thỉnh thoảng dùng đồ uống có gas, không dùng các thuốc chống buồn ngủ như Dexedrine, Benzedrine hay bất kỳ chất kích thích nào".
Cuối cùng, Gardner đã thức tổng cộng 264.4 giờ, (11 ngày 25 phút). Anh phá vỡ kỷ lục 260 giờ (10 ngày 20 giờ) trước đó của một DJ ở Hawaii.
Sau khi kết thúc thí nghiệm, Randy được đưa đến một bệnh viện hải quân gần đó tiến hành đo sóng não. Anh ngủ liền 14 tiếng rồi tỉnh dậy do nhu cầu vệ sinh. "Trong giấc ngủ đầu tiên sau thí nghiệm, số lần Randy rơi vào trạng thái ngủ REM rất cao, giảm dần trong những đêm sau đó", tiến sĩ William nói. "Khi giấc ngủ ổn định trở lại, Randy tiếp tục đến trường . Cơ thể không có các triệu chứng nào khác thường. Thật tuyệt vời".
Randy tại bệnh viện sau khi kết thúc thí nghiệm. |
Đúng như kỳ vọng, nhóm nghiên cứu của Randy giành giải nhất trong Hội chợ Khoa học năm đó. Hơn thế, Randy được ghi tên trong sách Kỷ lục Guinness Thế giới. Tuy nhiên, khi bước vào độ tuổi 50, Randy mắc chứng mất ngủ nghiêm trọng.
"Tôi bắt đầu hối hận về thí nghiệm liều lĩnh thời sinh viên", Randy chia sẻ. Tuy không có bằng chứng chắc chắn, Randy cho rằng 11 ngày đêm không ngủ đó là nguyên nhân khiến anh vật lộn với giấc ngủ hàng đêm. Sau này tình trạng bệnh đã được cải thiện, song Randy vẫn chỉ ngủ được 6 tiếng mỗi đêm.
Sau kỷ lục "Người thức lâu nhất thế giới" của Randy, Sách Kỷ lục Guinness Thế giới đã dừng ghi nhận hạng mục này do sự nguy hiểm của thí nghiệm với sức khỏe con người, dù rất nhiều người đăng ký vào danh sách.