Liều mạng cứu người nhưng cũng khát khao bảo vệ gia đình mình, nhiều bác sĩ Mỹ viết di chúc trước khi chiến đấu với 'giặc' Covid-19

Bác sĩ John Marshall đã hối thúc các đồng nghiệp dành thời gian để lập di chúc. "Chúng ta biết điều gì đang chờ đợi. Đã có nhiều người qua đời, và nhân viên y tế chiếm một phần trong số đó" - anh nói.


Cuộc chiến với "kẻ thù vô hình" virus corona

Bác sĩ Michelle Au làm việc tại bệnh viện ở Atlanta. Nhưng thời khắc này, cô thấy như mình đang ở giữa thảm họa hạt nhân Chernobyl. 

 Là bác sĩ gây mê, cô Michelle đối mặt với một trong những quy trình nguy hiểm nhất khi chữa trị cho người nhiễm Covid-19: đặt nội khí quản. Để ống khí ngoằn ngoèo được đưa vào chính xác, bác sĩ phải kề sát miệng bệnh nhân. Người bệnh có thể ho, hắt hơi và làm phát tán virus, lưu lại trên các bề mặt xung quanh suốt nhiều giờ sau đó.

Tuần trước, bác sĩ Michelle đặt nội khí quản cho hai người nhiễm Covid-19. "Lúc đó tôi đã cảm nhận được từng khoảnh khắc trôi qua. 10 giây. 20 giây. 30 giây. Tôi còn thấy mình như bị phơi nhiễm phóng xạ. Bạn đã xem chương trình Chernobyl trên HBO chưa? [Virus] cũng giống vậy đấy, nó là một mối nguy hiểm vô hình đang trườn tới".

Liều mạng cứu người nhưng cũng khát khao bảo vệ gia đình mình, nhiều bác sĩ Mỹ viết di chúc trước khi chiến đấu với giặc Covid-19 - Ảnh 1.

Bác sĩ Michelle Au

Mối đe dọa vô hình ấy - dấu vết của virus - có thể ẩn náu dưới móng tay hay trong một sợi tóc. Và Michelle không chỉ lo sợ bản thân có thể "rước" những mầm bệnh đó vào người. Hơn nữa, cô còn có chồng và 3 con nhỏ chờ ở nhà.

Vậy là trước khi rời bệnh viện, bác sĩ Michelle tắm và rửa tay thật cẩn thận. Về đến nhà, cô lại tắm thêm lần nữa vì có thể đã nhiễm bẩn trong lúc lái xe. Sau đó, cô pha nước tẩy và tiến hành khử trùng toàn bộ bề mặt mà mình đã chạm tới - tay nắm cửa, vô lăng, điện thoại... 

Suốt 2 tuần qua, nữ bác sĩ ngủ dưới tầng hầm còn chồng cô - một bác sĩ phẫu thuật - vẫn ngủ trong phòng của cặp đôi. "Trong chúng tôi phải có 1 người khỏe mạnh". Tình cảnh của bác sĩ Michelle không phải duy nhất, mà đó là quy tắc chung của các cặp bác sĩ - y tá hiện nay khi chiến đấu với virus corona.

Liều mạng cứu người nhưng cũng khát khao bảo vệ gia đình mình, nhiều bác sĩ Mỹ viết di chúc trước khi chiến đấu với giặc Covid-19 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Từ cuối tháng 2, bác sĩ John Marshall - trưởng khoa cấp cứu ở một bệnh viện Brooklyn đã ngủ riêng với vợ. Mỗi ngày, bác sĩ John về nhà được 1-2 tiếng để gặp các con 11, 13 và 15 tuổi của mình. Nhiều đồng nghiệp của anh còn cho gia đình "di tản" hoặc thuê phòng Airbnb để tự cách ly.

Bởi vì nhiều bác sĩ đã nhiễm virus rồi. Bác sĩ khoa tiêu hóa Richa Bhardwaj có chồng cũng làm trong ngành y và đã nhiễm Covid-19. Gia đình họ phải tạm thời chia cắt. Nữ bác sĩ đem theo đứa con 5 tháng tuổi đến nhà anh trai mình. "Tôi đã không gặp mặt con suốt từ hôm qua, tôi cảm thấy rối lắm" - bác sĩ Richa nói.

Richa cũng đang chờ kết quả xét nghiệm virus corona. Lúc ở nhà anh trai, cô tự vắt sữa rồi nhờ chị dâu đút cho em bé. Cô rất lo sợ sẽ lây nhiễm cho con và những người khác trong gia đình.

Nỗi sợ vô hình đang dần được cụ thể hóa ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Trưởng khoa cấp cứu John Marshall chia sẻ: "Chúng tôi biết cách xử lý một vết thương do súng bắn, chúng tôi cũng biết làm thế nào khi có người nhiễm trùng huyết và đau tim. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi không chắc làm sao để bảo vệ chính mình. Vì vậy, chúng tôi cũng không chắc là người thân được an toàn".

Khi các bác sĩ lập di chúc: Nhìn thấy đủ sinh ly tử biệt, họ hiểu rõ cuộc đời có thể đảo lộn trong nháy mắt

Theo New York Times, các nghiên cứu đã chứng minh nhân viên y tế dễ nhiễm virus corona hơn người bình thường. Và nếu mắc bệnh, triệu chứng của họ cũng nặng hơn. Nhiều bác sĩ đã tự phân phát dụng cụ bảo hộ của mình theo từng khung thời gian, và họ lập di chúc.

Bác sĩ Michelle Au và chồng ngồi lại với nhau vào cuối tuần, sắp xếp ai sẽ chăm sóc cho 3 đứa con nếu họ cùng qua đời trong cuộc chiến với dịch bệnh. "Chúng tôi đã đào sâu tới 4 tầng. Hai ưu tiên hàng đầu là những người cao tuổi. Vì vậy, chúng tôi có lựa chọn thứ 3 nhưng lại là bác sĩ, khả năng nhiễm bệnh cao. Cuối cùng, chúng tôi chốt phương án dự phòng thứ 4 - một người có nguy cơ thấp".

Jane van Dis là một bác sĩ sản khoa - phụ khoa và là một bà mẹ đơn thân. Cô nói: "Tôi chợt nhận ra nếu có điều gì bất trắc, cả cuộc đời tôi sẽ khép lại trong trí nhớ của mình. Vậy nên tôi đã viết hết những điều quan trọng - thẻ tín dụng, thế chấp, khoản vay mua ô tô và các chi tiết trong cuộc đời. Nếu ai đó giúp lo chuyện hậu sự khi tôi qua đời, họ sẽ có một vài thông tin cơ bản".

Bác sĩ John Marshall cũng hối thúc các đồng nghiệp lập di chúc. "Chúng tôi biết điều gì đang chờ đợi. Đã có nhiều người qua đời, và nhân viên y tế chiếm một phần trong số đó".

Liều mạng cứu người nhưng cũng khát khao bảo vệ gia đình mình, nhiều bác sĩ Mỹ viết di chúc trước khi chiến đấu với giặc Covid-19 - Ảnh 3.

Bác sĩ John Marshall khuyên đồng nghiệp lập di chúc

Bác sĩ lão khoa Vicki Jackson gần đây đã nói với chồng mình, cô muốn anh hãy tái hôn nếu chẳng may mình ra đi. "Nhưng quan trọng là cô ấy phải cứng rắn nhé. Em không muốn bọn trẻ có một hình mẫu ủy mị" - bác sĩ Vicki "khuyến cáo".

Tỏ ra lạc quan và hài hước, nhưng những bác sĩ như cô Vicki hiểu rõ tình hình và cũng chiêm nghiệm đủ về cuộc đời. "Hầu hết mọi người đều chối bỏ sự thật rằng cuộc sống có thể thay đổi trong nháy mắt. Làm trong ngành y tế, chúng tôi hiểu rõ điều đó".

Do chuyên chăm sóc người cao tuổi, bác sĩ Vicki có đủ kiến thức và kinh nghiệm để chuẩn bị cho giây phút cuối đời của người bệnh. Cô thường hỏi bệnh nhân và gia đình họ: Cuộc sống có ý nghĩa như thế nào? Bạn còn muốn trải nghiệm điều gì nữa nếu có thêm thời gian?

Hiện giờ, giữa dịch Covid-19, các cuộc thảo luận như vậy càng... dễ khơi gợi hơn! "Có vẻ như đại dịch này đã khiến các bệnh nhân dũng cảm và rõ ràng hơn trước". Một nữ bệnh nhân đã tâm sự rất cụ thể: "Nếu ai đó cần máy thở hơn tôi thì hãy dành cho họ".

Liều mạng cứu người nhưng cũng khát khao bảo vệ gia đình mình, nhiều bác sĩ Mỹ viết di chúc trước khi chiến đấu với giặc Covid-19 - Ảnh 4.

Hầu hết bác sĩ đều đang nói về chuyện thiếu máy thở và dụng cụ bảo hộ. Điều này gây sốc với những ai chưa từng nhận ra các lỗ hổng trong hệ thống y tế Mỹ. Bác sĩ Michelle Au bày tỏ: "Có ai ngờ bác sĩ ở xứ cờ hoa phải lên mạng cầu xin đồ bảo hộ cơ chứ? Nhiều bệnh nhân đã gọi cho tôi và nói: 'Tôi tìm thấy 3 chiếc khẩu trang N95 ở nhà, để tôi mang tới bệnh viện cho cô nhé'".

Nữ bác sĩ Vicki Jackson thì mô tả: "Chúng tôi giống như đang đứng bên bờ đại dương giữa đêm tối, đợi sóng dữ ập đến mà không biết cơn sóng ấy có thể cao đến nhường nào".

Hiện giờ, các y bác sĩ Mỹ vẫn tiếp tục lăn xả trên tuyến đầu chống lại dịch bệnh. 80 giờ, đôi khi là 100 giờ mỗi tuần. Ngày lẫn vào đêm, họ vẫn không thể dừng lại.

Tôi hỏi bác sĩ Richa Bhardwaj đã bao giờ muốn từ bỏ hay chưa. Cô đáp: "Giờ đã làm mẹ, mọi việc khó khăn hơn rất nhiều vì tôi còn có trách nhiệm với con. Nhưng điều đó cũng không thể thay đổi sự thật rằng tôi là một bác sĩ. Tôi sẽ không bao giờ rời đi".

(Theo lời tác giả Bari Weiss | New York Times)

Liều mạng cứu người nhưng cũng khát khao bảo vệ gia đình mình, nhiều bác sĩ Mỹ viết di chúc trước khi chiến đấu với giặc Covid-19 - Ảnh 6.