Sau những trận mưa lớn vào mùa hè, những con cóc to bằng nắm tay thường xuất hiện trên đường. Không giống như những con ếch nhỏ mà chúng ta thường thấy, kích thước khổng lồ và làn da sần sùi của loài cóc khiến cho nhiều người cảm thấy ghê sợ, nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi loài cóc lớn nhất có thể lớn đến mức nào chưa?
Vào đầu những năm 1950, một số người đã nghĩ đến vấn đề này và cố gắng tìm ra loài cóc có kích thước lớn nhất còn tồn tại trên Trái Đất, vào thời điểm đó, thậm chí còn có tin đồn rằng tại Châu Mỹ có những con cóc nặng tới gần 100 kg.
Nghe thì có vẻ rất đáng sợ, nhưng thực tế đây chỉ là những tin đồn. Những con cóc khổng lồ thực sự tồn tại và chung sống ở các khu vực nhiệt đới của Trung và Nam Mỹ, nhưng chiều dài trung bình của chúng chỉ từ 10-15 cm, và con lớn nhất có thể lên tới 24 cm. Đây là loài cóc lớn nhất thế giới - Cóc mía.
Cóc mía là một loài cóc thuộc chi Rhinella, họ Bufonidae.
Nhà thực vật học, động vật học và bác sĩ người Thụy Điển Carl Linnaeus đã ghi lại và mô tả loài cóc mía trong cuốn sách "Systema Naturae" của mình vào thế kỷ 18. Ban đầu ông chỉ dựa vào những bức ảnh của một nhà động vật học ở Hà Lan và đã nhầm tưởng rằng loài cóc này sinh sống ở môi trường nước mặn và đặt tên cho chúng là cóc biển.
Tuy nhiên, loài cóc này không sống ở biển, mặc dù các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nòng nọc của loài cóc này có thể sống được trong nước biển có độ mặn 15% nhưng loài cóc mía chủ yếu sống ở đồng cỏ, rừng cây, và có xu hướng thích sống ở những nơi có bàn tay của con người như vườn và các rãnh nước.
So với tên cóc biển thì cóc mía có thể sẽ phổ biến với mọi người hơn vì chúng đã từng được sử dụng làm loài thiên địch để đối phó với sâu bệnh trên cây mía. Nhưng điều trớ trêu là cóc mía đã không thể bảo vệ được cây mía mà lại trở thành loài xâm hại làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của địa phương.
Từ lâu, những người trồng mía ở Úc đã gặp rắc rối với một loại bọ cánh cứng có tên gọi là bọ xít mía, loài bọ này và ấu trùng của chúng phá hoại bộ rễ của cây mía và ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng địa phương. Vào năm 1900, những người nông dân đã cảm thấy bất lực trong công cuộc phòng trừ sâu bệnh và họ đã cố gắng thuyết phục chính phủ mở một chiến dịch "phản công" và chống lại sự phá hoại của những con bọ cánh cứng này. Vì vậy trong năm đó, Cơ quan Thử nghiệm Đường Úc (BSES) được thành lập và ngay lập tức tìm cách kiểm soát sâu bệnh.
Trong nhiều thập kỷ, BSES đã thử nhiều loại thuốc diệt côn trùng khác nhau, nhưng dường như không loại nào có tác dụng. Cho đến năm 1935, nhà côn trùng học Reginald Mungomery đã mang đến "một đội quân tiếp viện" đặc biệt - hàng trăm con cóc mía đã đạt tới trọng lượng 2kg và to bằng cái đĩa.
Trước đó, cóc mía đã được du nhập đến Hawaii và Puerto Rico ở phía đông Tây Ấn, vì các trang trại mía ở hai nơi này cũng đang trong công cuộc chống chọi với sâu mọt mía. Họ đạt rất nhiều kỳ vọng vào loài lưỡng cư này và nghĩ rằng những con cóc khổng lồ này có thể ăn hết sâu bệnh.
Vì vậy, Mungomery được cử đến Hawaii và thu thập những con cóc mía để thử nghiệm trong chương trình chồng lại dịch sâu bệnh của Úc, mặc dù ông thực sự rất nghi ngờ về hiệu quả của loài cóc này đối loài bọ cánh cứng đang hoành hành tại các trang trại mía ở quốc gia của mình. Vào tháng 8 năm đó, 102 con cóc mía đã được thả vào các trang trại mia phía bắc Queensland.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là những con cóc này không chịu nằm yên ở các trang trại mía, thay vào đó chúng lang thang khắp lục địa Australia, và số lượng nhanh chóng tăng lên hơn 1,5 tỷ con. Hiện nay loài cóc mía đã chiếm hơn 1 triệu km vuông đất ở Australia, tương đương với tổng diện tích của Texas và Oklahoma.
Và hiển nhiên, thực tế chứng minh rằng cóc mía đã thất bại hoàn toàn trong việc chống lại loài bọ cánh cứng hại mía của Úc, chúng không những không kiểm soát được sâu bệnh mà còn trở thành loài gây hại. Chúng sở hữu hệ thống phòng thủ hóa học tiềm ẩn nguy cơ chết người và khả năng sinh sản mạnh mẽ khiến chúng trở thành một trong 100 loài xâm lấn "giỏi nhất" trên thế giới.
Trong khi các nhà sinh vật học vất vả kiểm soát cóc mía, nhiều nông dân không thể giấu giếm sự căm ghét loài vật mắt to này. Chính phủ khuyến khích người dân săn và giết cóc mía, đồng thời cư dân địa phương cũng đưa ra nhiều biện pháp đối phó để "hành hạ" và kiểm soát số lượng của chúng một cách vô cùng tàn khốc.
Nhưng trong cuộc chiến này, những kẻ được hưởng lợi và cảm thấy "phê pha" nhất lại là những chú chó, chúng khám phá ra được một thế giới mới trên cơ thể của những con cóc mía. Chúng nghiện liếm láp những con cóc mía để có được khoái cảm từ ảo giác từ chất độc trên cơ thể của loài cóc này.
Trên thực tế, bề mặt cơ thể của cóc mía có các tuyến nọc độc và nếu đủ liều lượng thì chất độc này có thể khiến cho con người cảm thấy bị khó thở thậm chí mù mặt. Da của cóc mía cũng có độc tính cao, phía trên mắt chúng có phần lồi lên như khối u và kéo dài đến mũi, phía sau mỗi mắt có một tuyến độc lớn ẩn trong những khối u đó.
Khi bị đe dọa, các tuyến này tiết ra một chất dịch màu trắng sữa gọi là độc tố cóc. Đây là hỗn hợp của 14 hợp chất khác nhau, trong đó có nhiều hợp chất gây hại cho nhiều loài động vật, trong đó có một chất hóa học gọi là Benfotiamine.
Theo luật pháp Úc, nó được liệt vào danh sách ma túy Bảng 9 cùng với heroin và LSD. Benfotiamine có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và tạo ra ảo giác, vì vậy có thể nói mỗi con cóc mía là một nhà máy sản xuất chất gây ảo giác di động.
Sau khi tiếp xúc với chất gây ảo giác trên da của loài cóc mía, chó nhanh chóng trở thành những "con nghiện" như dùng ma túy, sau mỗi lần "sử dụng chất kích thích", những con chó có các triệu chứng như lắc đầu, chảy nước dãi, nôn mửa, trường hợp nặng còn có thể gây co cứng cơ, co giật, rối loạn nhịp tim, thậm chí tử vong. Vì lý do này, các bệnh viện thú cưng địa phương cũng đã phải cung cấp và bổ sung thêm một dịch vụ đặc biệt cho những chú chó, đó là "cai nghiện".
Nhưng đối với những loài động vật săn mòi bản địa, trong mắt chúng cóc mía có thể là những bữa ăn khá "ngon ngọt", và thường thì đó cũng chính là những bữa ăn cuối cùng của chúng. Tổng lượng nọc độc tồn tại trong cơ thể của cóc mía đủ để giết chét một con cá sấu lớn, và thường những kẻ săn mồi xấu số sẽ chết sau 15 phút sau khi ăn cóc mía. Do đó, nhiều nơi ở Úc, người ta có thể nhìn thấy xác của những con vật chết vì ăn cóc mía, chẳng hạn như rắn là một ví dụ điển hình.
Giống như cóc trưởng thành, trứng và nòng nọc của cóc mía cũng có độc, nhưng độ độc của chúng thấp hơn. Mặc dù độc tố của cóc mía hiếm khi gây tử vong cho con người, nhưng đã có những ghi nhận về trường hợp tử vong do ăn trứng và thịt cóc mía.
Do không có thiên địch, cóc mía đã loại bỏ thành công nhiều loài động vật ở Úc và dĩ nhiên là trừ các loài sâu bệnh hại mía ra. Thực đơn của loài cóc khổng lồ này khá phong phú, bao gồm cả côn trùng, ếch nhái, rắn, chim, chuột và ngoài ra chúng còn thường xuyên trộm thức ăn cho chó và thức ăn cho mèo ở khu vực dân cư, vậy nên việc biến những con chó thành những kẻ nghiện ngập lại càng dễ dàng.
Tất nhiên, để trở thành một loài xâm lấn thành công, khả năng sinh sản mạnh mẽ là một trong những yếu tố không thể thiếu. Các nhà khoa học đã quan sát và phát hiện ra rằng chúng còn là một loài động vật "cuồng dâm", chúng giao phối với đá, cục đất, dấu chân người và thậm chí cả xác chết của động vật trên đường. Chúng giao phối quanh năm và cóc cái có thể đẻ 30.000 trứng một lần.
Từ những năm 1940 đến những năm 1960, nhờ sự giao phối nhanh chóng và chất độc chết người, loài cóc khổng lồ này đã phát triển và mở rộng lãnh thổ với tốc độ khoảng 9,7 km/năm, hiện nay tốc độ của chúng đã tăng lên khoảng 48 km/năm. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng vùng nhiệt đới phía bắc Australia là nơi mà loài cóc này có tốc độ phát triển nhanh nhất. Một nghiên cứu năm 2006 chỉ ra rằng những con cóc sống trong một thành phố cảng ở miền bắc Australia, có đôi chân dài hơn độ dài trung bình của đồng loại của chúng khoảng 6%, và hiển nhiên chân dài hơn thì tốc độ mở rộng lãnh thổ cũng sẽ nhanh hơn.
Những đặc điểm này khiến cóc mía trở thành loài xâm hại điển hình. Chúng có thể sống trên những vùng đất khô hạn mà không bị hạn chế bởi khí hậu nhiệt đới. Cơ thể khổng lồ của chúng có thể tích trữ nước để tránh mất nước khi vượt qua vùng hẻo lánh của Úc, ngoài ra chúng còn có một loại chất béo trong cơ thể có thể tích trữ năng lượng để duy trì chuyến đi đường dài.
Cóc mía là thủ phạm gây ra sự suy giảm số lượng các loài động vật hoang dã ở Úc. Hiện nay, Bắc Úc được xem như một phòng thí nghiệm tự nhiên sống, nơi các nhà nghiên cứu ghi lại sự thay đổi số lượng các loài săn mồi địa phương do ảnh hưởng của cóc mía. Chính quyền địa phương đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự phát triển của cóc mía và di chuyển các loài động vật có túi đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng ra các đảo xa bờ cho đến khi họ tìm ra cách hiệu quả để giảm số lượng cóc.
Kể từ năm 2011, chính quyền ở vùng Kimberley, Tây Úc và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Tây Úc đã huấn luyện động vật địa phương tránh xa loài lưỡng cư này bằng cách trộn thịt cóc với một số loại hóa chất có mùi kinh tởm để chúng dần hình thành thói quen không muốn lại gần loài cóc này.
Trên thực tế, cóc mía không phải là loài vật bất khả chiến bại, ví dụ như kiến có thể ăn thịt không bị ảnh hưởng bởi độc tố của cóc. Khi đối mặt với các cuộc tấn công từ bên ngoài, cóc mía thường đứng yên, chờ chất độc của chúng tiêu diệt kẻ tấn công, nhưng chính sự tự tin này đã tạo cơ hội cho kiến giết và ăn thịt cóc mía.
Một số loài chim và loài gặm nhấm ở Queensland bằng cách nào đó đã học được cách ăn thịt loài cóc này một cách "an toàn". Chúng bắt đầu bằng phần bụng mềm của cóc mía và ăn hết nội tạng của chúng rồi bỏ lại da và các tuyến nọc độc của cóc.
Một số loài chuột bản địa cũng đã học cách chỉ ăn chân của cóc chứ không ăn thân của chúng. Việc đạt được hành vi này chỉ mất 60 năm - đối với con người thì đây là một khoảng thời gian dài, nhưng với thế giới tự nhiên thì việc hình thành thói quen mới này là rất nhanh trên quy mô tiến hóa.