Quy tắc ăn uống đúng là mỗi nước khác nhau, nhưng ngay đến chuyện đi toilet cũng sẽ khác biệt theo từng nền văn hóa. Chẳng hạn, bạn sẽ khó lòng tìm ra một chiếc vòi xịt nếu đi vệ sinh tại Mỹ và một số nước của châu Âu. Nhưng chưa hết đâu!
1. Xà phòng rửa tay kỳ lạ của Hàn Quốc
Các nhà vệ sinh của Hàn Quốc thay vì dùng nước rửa tay đựng trong thùng riêng, lại trang bị bánh xà phòng
Đa số các nhà vệ sinh công cộng hiện nay đều trang bị nước rửa tay đựng trong thùng riêng. Nhưng ở Hàn Quốc lại là câu chuyện khác. Trên thực tế, bạn khá là may mắn nếu tìm được xà bông rửa tay trong các nhà vệ sinh công cộng ở xứ sở kim chi. Và dù có tìm được thì đó cũng không phải nước rửa tay, mà là xà phòng bánh được gắn vào một chiếc que sắt. Bạn sẽ phải tự chà tay vào đó để làm sạch, sau đó rửa lại bằng nước thường.
2. Nút bấm khẩn cấp tại toilet Nhật Bản
Nhật Bản vốn nổi tiếng vì sự... tôn thờ chiếc toilet. Bởi vậy, họ có những thứ rất riêng và đặc biệt trong các WC công cộng. Chẳng hạn, một số toilet công cộng ở Nhật sẽ có một nút bấm, được gọi là "nút khẩn cấp" - thứ mà nhiều người nước ngoài có thể nhầm là nút xả bồn cầu.
Chiếc nút này có nhiệm vụ đúng như tên gọi của nó - dùng cho lúc khẩn cấp. Nó sẽ gửi tín hiệu báo động đến nhân viên an ninh đến hỗ trợ, trong trường hợp có tình huống không may xảy ra như trường hợp người già bị ngã. Nhìn chung nó là một chiếc nút khá hữu dụng, bởi Nhật Bản là đất nước có dân số già so với thế giới.
Chưa hết đâu, các WC của Nhật Bản còn có một hệ thống phát âm thanh, được gọi là "Thanh âm Công chúa" (Sound Princess). Trên thực tế, phụ nữ Nhật Bản đôi khi cảm thấy khá ngượng ngùng nếu để người khác nghe thấy tiếng mình đang... hành sự. Để giảm thiểu sự căng thẳng này, một số WC có trang bị Sound Princess, phát ra âm thanh xả nước để át đi những thứ tiếng bạn cho là xấu hổ.
3. Những bệ xí xổm của Trung Quốc
Toilet tại nhiều khu vực ở Trung Quốc vẫn giữ kiểu toilet ngồi xổm truyền thống, đặc biệt là các WC công cộng và trên tàu hỏa kiểu cũ. Đây cũng là vấn đề dành cho các du khách từ phương Tây vì khá là khó để giữ thăng bằng, nhất là khi đi tàu.
4. Toilet phi giới tính
Ở một số nước trên thế giới - bao gồm cả Mỹ, Canada, Nhật Bản hay Thái Lan - sẽ có những kiểu toilet không phân chia theo giới tính. Chúng được thiết kế để phù hợp với đại đa số người dùng - kể cả với những người có nhu cầu đặc biệt như người khuyết tật, người già, hoặc người chuyển giới. Cũng khá là hữu dụng cho những trường hợp phụ huynh cần cho con nhỏ dùng toilet.
5. Toilet xách tay tại Nam Cực
Nam Cực tưởng như là nơi rất kén người đến, nhưng vẫn có. Và ở đó có những chiếc lều được dựng lên làm toilet công cộng cho tất cả. Đặc biệt, có những chiếc toilet di động cực kỳ nhỏ gọn, cho phép bạn đóng gói "sản phẩm" sau khi giải quyết vào những chiếc túi nhựa.
6. Indonesia: Chỉ được dùng 1 tay để đi toilet
Tay trái để đi toilet, tay phải để ăn
Có một số nền văn hóa phân chia rất rạch ròi về chuyện vệ sinh và ăn uống. Indonesia là một ví dụ. Người Indonesia bản địa sẽ cảm thấy khá xúc phạm nếu bạn đưa đồ cho họ bằng tay trái, vì quan niệm đó là tay dùng để "chùi rửa khi đi toilet". Tay phải thì ngược lại, để ăn uống và trao tặng cho người khác.
Nguồn: BS, VT.co