Sau khi bị nhiều cộng đồng truyện tranh phản ánh, tố cáo vi phạm đăng tác phẩm không có bản quyền, trang web Readism đã chính thức "bay màu". Động thái "chuồn êm" này càng khiến nhiều độc giả truyện tranh phẫn nộ.
Những ngày qua, nhiều fanpage Manga liên tục phản ánh việc Readism, một nền tảng đọc online, đăng nhiều tác phẩm không bản quyền. Các tác phẩm chủ yếu là manga và thuộc thể loại Boy Love (BL). Điều đáng chú ý là trang web này bị nhiều người tố thuộc về đơn vị phát hành sách AZ. Một công ty chuyên về phát hành sách lại có dấu hiệu "dung túng" cho vi phạm bản quyền đã khiến nhiều độc giả tức giận.
Trước những phản ứng gay gắt của cư dân mạng, Readism đã buộc phải phản hồi lại. Tối ngày 18/03, trang web này đã cho ẩn tất cả các truyện BL, đồng thời thông báo sẽ có thêm tính năng report để người dùng có thể báo cáo vi phạm cho nền tảng này nhanh hơn.
Ngoài ra, Readism còn cho rằng nguyên do là vì nội dung website được người dùng cá nhân đăng tải liên tục hàng ngày với số lượng lớn, nên xảy ra sai sót. Dù vậy, không độc giả nào hiểu được tại sao lại có nhiều "sai sót" đến thế. Nhiều bộ manga nổi tiếng đã có bản quyền phát hành giấy như In These Words lại từng được nền tảng này đăng công khai.
Điều này cho thấy Readism hoàn toàn không kiểm duyệt nội dung tác phẩm được đăng lên nền tảng này. Readism cũng "phớt lờ" vấn đề bản quyền và đổ lỗi cho bên thứ ba là người dùng, chỉ xem những vi phạm này là sai sót nhẹ. Có vẻ như, Readism cũng không có ý định sửa chữa những vi phạm này, sẽ tiếp tục nâng cấp và chạy website, hay thậm chí xin lỗi độc giả.
Readism cũng không đính chính về việc nền tảng này có liên quan đến đơn vị phát hành AZ hay không. Theo phản ánh của độc giả, một số dịch giả của AZ đã từng PR hoặc đăng các truyện không bản quyền lên nền tảng này, tiếp tay cho "truyện lậu". Cả AZ và Readism đều chưa xác thực hay phủ nhận thông tin trên.
Sau nhiều báo cáo của độc giả, một số NXH Nhật nổi tiếng như Taiyo Tosho đã lên tiếng về vấn đề vi phạm bản quyền truyện tranh ở Việt Nam. Các NXB này đều vô cùng khắt khe trong việc cấp phép bản quyền, vì thế những vi phạm trong vấn đề này không chỉ mang tiếng xấu cho ngành xuất bản và phát hành ấn phẩm trong nước, mà còn đóng lại cơ hội cho nhiều bộ truyện nổi tiếng được đặt chân vào Việt Nam.
Tới ngày 19/03, Readism đã khóa fanpage và website không thể truy cập được nữa. Có vẻ như, nền tảng này đã chọn cách giải quyết là chờ mọi chuyện lắng xuống, thay vì xử lý vấn đề thẳng thắn với độc giả và chịu trách nhiệm cho các bộ truyện đã bị đăng trái phép.