Trong vài ngày qua, cộng đồng người yêu manga, webtoon và thậm chí cả truyện chữ Trung Quốc đều đang cực kỳ hoang mang trước thông tin hàng loạt nhóm dịch "chui" người Việt đã bị chỉ mặt điểm tên trên Twitter. Mới đây nhất, Lezhin Comics – đơn vị phân phối webtoon bản quyền nổi tiếng đã đăng một loạt thông báo chính thức về việc siết chặt bản quyền, thậm chí ngừng phát hành các chương mới của những bộ truyện bị dịch trái phép. Trùng hợp là vào ngày 12/5, website đọc truyện dịch "chui" nổi tiếng tại Việt Nam cũng ở trong tình trạng không thể truy cập. Liệu có phải đây là động thái đầu tiên của đợt truy quét bản quyền diện rộng do Lezhin Comics khởi xướng hay không?
Bắt đầu từ drama giả người nước ngoài tố cáo nạn dịch chui trên Twitter
Bài đăng tố cáo các nhóm dịch chui trên Twitter
Nguồn cơn câu chuyện bắt đầu khi một tài khoản Twitter tự xưng là "người Mỹ sống tại Hàn" phát hiện và đăng tải danh sách các nhóm dịch webtoon chui tại Việt Nam lên Twitter. Ngay lập tức đơn vị nắm giữ bản quyền của nhiều bộ webtoon đình đám là Lezhin Comics (có nhiều tác phẩm bị vi phạm nhất) đã có màn đấu khẩu gay gắt với một số độc giả người Việt quá khích (vốn đang đọc hoặc ủng hộ cho các nhóm dịch chui bị chỉ mặt điểm tên) ngay tại Twitter. Kết quả là sau đó vào ngày 11/5, Lezhin Comics đăng đàn một loạt thông báo ám chỉ đến việc các tác giả có truyện bị vi phạm bản quyền đang rất phẫn nộ và có khả năng sắp tới sẽ dừng việc đăng tải một vài đầu truyện ăn khách.
Lezhin Comics là đơn vị bị vi phạm nhiều nhất
Khá nhiều netizen tại Việt Nam sau đó đã vạch trần chân tướng của người dùng Twitter khơi mào vụ việc và khẳng định rằng tài khoản này là người Việt Nam. Thậm chí, còn là một nhóm dịch chui có tên Những cô hủ mặn mà (NCHMM). Hành động tố cáo này bị cộng đồng độc giả chỉ trích dữ dỗi vì không chỉ "vừa ăn cắp vừa la làng" mà còn chối bỏ cả quốc tịch.
Làn sóng siết chặt bản quyền lan rộng sang Nhật và Trung Quốc
Vụ việc lùm xùm trên Twitter giữa độc giả đọc truyện không bản quyền và Lezhin Comics đã lan sang cả các trang mạng xã hội lẫn forum tại Nhật Bản và Trung Quốc. Nhiều tác giả tại hai quốc gia này cũng lên tiếng ủng hộ việc siết chặt bản quyền, đồng thời lên án các nhóm dịch chui lẫn độc giả đọc truyện không bản quyền. Để tránh bị lọt vào tầm ngắm của các đơn vị nắm bản quyền, hàng loạt nhóm dịch/người dịch truyện manga, manhua, truyện chữ Trung Quốc, webtoon Hàn… đều phải đóng cửa hoặc ẩn website đăng truyện của mình.
Nghiêm trọng hơn, ngày 12/5, nhiều netzien phản ánh trên các trang confession tình trạng không thể truy cập của hai website đăng tải truyện không bản quyền là Nettruyen và Wikidich. Sự trùng hợp này khiến họ phải đặt câu hỏi liệu việc dừng hoạt động hiện tại của cả hai website có phải là hình thức "tránh bão bản quyền" hay chỉ là sự cố kỹ thuật tạm thời?
Wikidich.com trang đăng convert truyện chữ Trung Quốc ngày 12/05/2021
Nettruyen.com - trang đăng truyện tranh không bản quyền ngày 12/05/2021
Dẫu sao, sự việc này có lẽ là cơ hội tốt để độc giả Việt Nam hình thành thói quen đọc truyện online có bản quyền thông qua các ứng dụng trả phí.