Trong di chúc của mình, nhà khoa học, doanh nhân và nhà làm từ thiện người Thụy Điển Alfred Nobel đã để lại tài sản của mình cho việc thành lập Giải thưởng Nobel. Ông đã đề ra cụ thể những cơ quan nào chịu trách nhiệm tổ chức giải Nobel. Khi triển khai việc trao giải, các tổ chức này mới lên quy trình cho quyết định lựa chọn người được nhận giải.
Quy trình đó được các ủy ban trao giải thực hiện theo những cách không hoàn toàn đồng nhất, nhưng tiêu chí cao nhất vẫn là phải hoàn thành tâm nguyện của Alfred Nobel là giải phải được trao cho người "mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại".
Lịch trình giải Nobel Vật lý
Bước đầu tiên của quy trình trao giải là đề cử. Tháng 9, thư mời đề cử được gửi đi, những người nhận thư mời là thành viên Học viện Khoa học hoàng gia Thụy Điển, thành viên của Ủy ban trao giải Nobel Vật lý, những người đã đoạt giải Nobel Vật lý, những giáo sư Vật lý thuộc các trường đại học và Học viện Công nghệ ở Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Học viện Karolinska của Thụy Điển, cùng các nhà khoa học hàng đầu được lựa chọn. Họ sẽ là những người giới thiệu các ứng cử viên giải thưởng Nobel.
Không ai được phép tự ứng cử giải Nobel Vật lý. Tên của các ứng cử viên cũng như các thông tin đề cử khác chỉ được công bố sau 50 năm.
Ngày 31/1 năm sau: Kết thúc thời gian nhận đề cử.
Từ tháng 3 đến tháng 5, Ủy ban trao giải gửi danh sách sơ bộ đến các chuyên gia đã được chọn lựa để họ đánh giá công trình của các các ứng viên.
Tháng 10, Học viện Khoa học hoàng gia Thụy Điển chọn người đoạt giải Nobel Vật lý bằng cách bỏ phiếu. Đa số phiếu bỏ cho ai thì người đó trở thành người đoạt giải Nobel Vật lý. Quyết định này là cuối cùng và không được khiếu nại.
Ngày 10/12, Lễ trao giải Nobel Vật lý được tiến hành ở Thủ đô Stockholm, Thụy Điển. Giải bao gồm huy chương, chứng chỉ và văn bản xác nhận giá trị giải bằng tiền. Giải năm nay là 10 triệu krona Thụy Điển, tương đương khoảng 22 tỷ đồng Việt Nam.