Đã hơn một năm trôi qua kể từ khi miHoYo phát hành Genshin Impact. Trong thời gian đó, trò chơi đã chứng minh rằng thành công của nó không phải là một vận may nhất thời, hoặc chỉ là một bản sao của Breath of the Wild. Các nhà phát triển tiếp tục thêm các nhân vật mới, tính năng, sự kiện theo mùa và cập nhật khu vực mới.
Hiện giờ, vấn đề của Genshin Impact không phải làm sao để tạo ra một trò chơi hay, mà là đáp ứng kỳ vọng của rất nhiều người chơi ở khắp các nơi trên thế giới. Liên tục mang đến những nhân vật mới để gacha, người chơi không ngại chi thêm tiền vào trò chơi này. Một số người chơi cũ đã bỏ game cũng quay lại vì cốt truyện hoặc sự thay đổi trong meta game. Để tiếp tục giữ được thành công của mình miHoYo phải đáp ứng và cân bằng tất cả những điều trên.
Sau một năm, Genshin Impact đã đạt được nhiều thành công, một phần là nhờ những hướng đi đúng đắn mà chúng ta sẽ bàn đến ở bên dưới.
Liên tục tung ra các khu vực mới
Ngay từ khi phát hành, một trong những tính năng cốt lõi mà Genshin Impact luôn tập trung vào đó là việc khám phá thế giới của người chơi. Bản update lớn nhất của game từ khi được tung ra vào năm 2020 là khu vực Inazuma. Ra mắt player vào tháng 7 năm 2021, Inazuma đã khiến nhiều người chơi cũ đã bỏ game cũng phải quay lại. Có thể nói, thành công của Genshin Impact chỉ thực sự bùng nổ từ khi ra mắt Inazuma.
Inazuma đã giải quyết một "bài toán" cho người chơi cũ, đó là khan hiếm content. Nhiều người cảm thấy game quá nhàm chán vì đã quen thuộc với Mondstadt và Liyue. Bản cập nhật 2.0 đã mang đến Inazuma rộng lớn và hoàn toàn mới mẻ, cùng háng tấn nhiệm vụ, câu đố, tính năng, sự kiện để thực hiện. Nhiều người chơi cũ một lần nữa cảm thấy như mình là "newbie" trong thế giới Genshin; còn người chơi mới bị choáng ngợp và thu hút mạnh mẽ bởi những nhân vật mới.
Hệ thống gia viên
Hệ thống gia viên của Genshin Impact là nơi để player thỏa sức tưởng tượng, sáng tạo và lấp đầy khoảng trống khi họ không biết phải làm gì trong game. Ngoài ra, điều này còn giúp người chơi chú ý hơn những khu vực cũ, tìm hiểu và khám phá xem các loại tài nguyên họ cần thì nằm ở đâu.
Một điểm cộng là Genshin không "bỏ rơi" hệ thống gia viên, mà liên tục tung ra những tính năng, vật trang trí mới để người chơi có thêm động lực sử dụng Ấm Trần Ca.
Các sự kiện bớt áp lực hơn
Các sự kiện trong Genshin Impact ngày càng có sự cân bằng tốt hơn về độ khó và phần thưởng. Những nhiệm vụ để mở sự kiện chỉ tốn vài phút hoàn thành, và để đạt đủ điểm nhận thưởng (Nguyên Thạch) không cần quá nhiều công sức.
Ngược lại, đối với những người chơi thích "try hard" hay sở hữu nhân vật và nguồn lực tốt hơn, game vẫn tạo ra những độ khó để họ thử thách mình.
Game gacha luôn được thiết kế để tối đa hóa lượng thời gian player dành trong trò chơi. Vì thế mới có những tính năng như thưởng log-in, bắt buộc bạn không bỏ lỡ ngày nào. Ngược lại, các sự kiện của Genshin không mang tính ép buộc người chơi phải log game mỗi ngày. Game phân bố các sự kiện ra thành nhiều ngày, diễn ra trong thời gian khá lâu và dù kết thúc vẫn có thêm vài ngày để đổi phần thưởng. Một số sự kiện như Cửa Hàng Đồ Hiếm cũng kéo dài khoảng 8 ngày, dù để nhận hết phần thưởng chỉ cần 5 ngày.
Đây là một trong những điều đã tách Genshin Impact ra khỏi các game gacha "hút máu" thông thường. Hy vọng chúng ta có thể thấy nhiều tựa game theo xu hướng giảm gánh nặng thời gian cho người chơi hơn.
Meta chú trọng hơn đến Healer và DEF
Cho đến nay, Genshin Impact vẫn thường tập trung vào các nhân vật DPS có chỉ số ATK, Crit cao ngất ngưởng. Mặc dù một bộ phận gamer đã chơi theo hướng phản ứng nguyên tố và đạt được hiệu quả tốt, nhưng mục đích cuối cùng vẫn là tạo ra "damage 6 số".
Sangonimiya Kokomi là nhân vật đầu tiên và duy nhất bị kéo chỉ số crit xuống -100%. Bất chấp tranh cãi xoay quanh lối chơi không crit, sự xuất hiện của Kokomi đánh dấu khởi đầu cho một meta mới, đa dạng hơn và khiến người chơi chú trọng đến các chỉ số khác của nhân vật hơn. Genshin cũng đã tung ra nhiều kẻ địch có thể gây sát thương xuyên khiên, tụt máu liên tục, khiến vai trò của Healer trong game ngày càng được chú trọng.
Raiden Shogun cũng là một nhân vật có vai trò DPS/sub DPS nhưng chỉ số cần chú trọng là hiệu quả nạp nguyên tố. Arataki Itto cũng là nhân vật hệ nham cần được chú trọng vào chỉ số phòng ngự mặc dù là DPS, tương tự với Gorou. Có vẻ như, Genshin đang ngày càng chú trọng tới vai trò của Healer/Support và thay đổi các chỉ số của DPS để meta game đa dạng hơn.