Trong lịch sử có không ít bức ảnh đã trở thành huyền thoại biểu tượng cho những biến động của thời đại. Nhưng nguồn gốc thực sự và câu chuyện đằng sau chúng thì không phải ai cũng biết.
1. Màn tốc váy của Marilyn Monroe
Ngày 15/9/1954, huyền thoại màn bạc Marilyn Monroe đã có một bức ảnh để đời với màn tốc váy trắng đầy quyến rũ, lột tả được trọn vẹn vẻ hấp dẫn đặc trưng của cô. Khác với suy nghĩ của nhiều người, khoảnh khắc này không phải gió thổi tình cờ thực sự, dù trông rất tự nhiên. Trái lại, nữ minh tinh đã tốc váy... vài trăm lần mới có được bức ảnh huyền thoại này.
Đây là một cảnh quay trong bộ phim The Seven Year Itch do Marilyn Monroe thủ vai nữ chính. Cảnh được quay ở ngoài trời trước rạp hát Trans-Lux và đã có gần 2000 người qua đường, chủ yếu là đàn ông hiếu kỳ tụ tập ở đó để được chứng kiến. Cũng chính vì vậy, cảnh quay đã bị cắt khỏi phim vì lý do tạp âm bên ngoài quá lớn.
2. Chân dung lè lưỡi của Einstein
Nhắc đến nhà bác học Einstein, nhiều người sẽ hình dung ra ngay bức chân dung siêu "lầy" của ông. Hình ảnh này được chụp vào đúng tối sinh nhật lần thứ 72 của ông bởi nhiếp ảnh gia Arthur Sasse. Sau khi rời khỏi bữa tiệc sinh nhật của mình, nhà bác học bước lên xe ô tô với khuôn mặt nghiêm nghị. Nhiếp ảnh gia trẻ đã mạnh dạn đến xin một kiểu ảnh thần tượng và không khỏi ngạc nhiên khi thấy ông lè lưỡi ra để tạo dáng. Sau khi bức ảnh trở nên nổi tiếng vì quá dễ thương, Einstein rất thích nó và dán ảnh này vào mọi tấm thiệp của mình.
Khoảnh khắc nghiêm nghị chỉ một giây trước đó của nhà bác học nổi tiếng
3. Bìa album của The Beatles
Ảnh bìa album thứ 12 - Abbey Road của ban nhạc huyền thoại The Beatles được mệnh danh là ẩn chứa "photobomb" nổi tiếng bậc nhất thế giới. Địa điểm chụp ảnh là một con đường bình thường nằm gần phòng thu của nhóm nhạc. Để chụp cảnh này, con đường đã được phong tỏa trong vài phút. Nhưng không biết bằng cách nào một người đàn ông vẫn vô tình "đi lạc" vào trong ảnh và trở thành người đàn ông thứ 5 xuất hiện trên ảnh bìa kinh điển.
Thậm chí người đàn ông này còn được báo chí săn đón và được xác định là một du khách Mỹ tên Paul Cole. Lúc này, ông đang đứng chờ vợ đi xem viện bảo tàng ở gần đó. Ông cho biết lúc đó mình không biết mấy anh chàng kia là ai và còn thấy hành động họ là lạ.
4. Cô gái Afghan
Năm 1984, nhiếp ảnh gia Steve McCurry đi du lịch vòng quanh Afghanistan để làm một album ảnh đề tài chiến tranh. Hình ảnh cô bé với đôi mắt đầy ám ảnh đã giúp anh nhận được vô số giải thưởng. Cô gái này lúc đó mới chỉ 12 tuổi và vừa chứng kiến thảm cảnh cả ngôi làng của mình cháy rụi và tất cả người thân đều chết trong lửa.
Mãi đến 2002, nhân vật chính trong ảnh mới được xác định là Sharbat Gula. Lúc này, cô bé đã trưởng thành, kết hôn và vẫn sống ở Afghanistan.
5. Bữa trưa trên trời
Bức ảnh chụp vào ngày 20/9/1932 trên tầng 69 của tòa nhà chọc trời RCA giữa thành phố New York từng khiến mọi người thót tim và thán phục. Những người công nhân xây dựng đang ngồi ăn trưa, nhưng ở một địa điểm không hề bình thường là vắt vẻo trên những xà ngang mà chẳng cần biện pháp bảo hộ an toàn.
Tuy nhiên bức ảnh này đã được chứng minh là dàn dựng. Những người công nhân đều là thật nhưng tất cả đều được sắp xếp khéo léo để chụp ảnh quảng cáo cho tòa nhà chọc trời này.
6. Nụ hôn ở Quảng trường Thời đại
Bức ảnh lãng mạn biểu tượng cho niềm hạnh phúc khi chiến tranh kết thúc được chụp vào năm 1945, khi Mỹ ăn mừng Chiến tranh thế giới thứ II chấm dứt. Ban đầu, mọi người ngỡ tưởng rằng nhiếp ảnh gia đã chụp được khoảnh khắc vàng của một cặp đôi nam nữ. Nhưng câu chuyện không hẳn là thế. Cô gái trong bức ảnh, Edith Shain - một y tá và chàng lính không hề quen biết nhau. Cô Shain cho biết mình lúc đó vừa chạy ra khỏi tàu điện ngầm và vô cùng bất ngờ khi bị một thủy thủ ôm lấy rồi hôn. Nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt - tác giả bức ảnh tình cờ đi ngang qua lúc đó và "bắt trọn khoảnh khắc".
7. Einstein chạy trốn khỏi vụ nổ hạt nhân
Nhà bác học Albert Einstein còn một bức ảnh nữa rất nổi tiếng là hình ảnh ông đạp xe chạy khỏi một vụ nổ hạt nhân thử nghiệm do chính mình thực hiện. Tuy nhiên, đây là ảnh ghép hoàn toàn nhưng đã đánh lừa không ít người thời đó. Bằng chứng đơn giản nhất là vì vụ nổ xảy ra ở Nevada năm 1962, còn nhà bác học đã mất từ 7 năm trước đó.
Nguồn: BrightSide