Những chi tiết "hơi sai sai" nhưng lại thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim về Batman

Hiếm có 1 tác phẩm điện ảnh, truyền hình nào lại không có sạn, và những bộ phim về Batman cũng không phải ngoại lệ.

Kể từ lần đầu tiên bước chân lên màn bạc vào năm 1943, Batman đã có 1 bộ sưu tập phim điện ảnh, truyền hình, hoạt hình đồ sộ cho riêng mình. Anh là 1 trong số những siêu anh hùng nổi tiếng nhất mà thế giới từng sản sinh ra, và không có gì bất ngờ khi cho đến tận bây giờ, vẫn có nhiều nhà sản xuất đang ấp ủ các kế hoạch mới cho chàng Kỵ sĩ bóng đêm.

Tuy nhiên, dù có xuất sắc, đỉnh cao đến thế nào đi chăng nữa, các tác phẩm điện ảnh vẫn luôn tồn tại vài hạt sạn liên quan đến nhân vật này. Đó có thể là cách thức chiến đấu với tội phạm của anh không giống như nguyên tác, mối quan hệ của anh với những siêu anh hùng khác, hay thậm chí là chính diện mạo của thành phố Gotham cũng có nhiều thay đổi so với truyện tranh. Đừng hiểu lầm, không ai chê trách gì việc đưa Batman lên màn ảnh lớn nhỏ cả, nhưng rõ ràng là có những vấn đề mà các nhà sản xuất hoàn toàn có thể tránh được để tạo ra loạt tác phẩm hoàn hảo nhất.

Sát hại các nhân vật phản diện

Những chi tiết hơi sai sai nhưng lại thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim về Batman - Ảnh 1.

Có một nguyên tắc làm việc mà Batman luôn tuân theo và ít khi phá lệ: Đó chính là anh không giết người, dù là những kẻ phản diện đi chăng nữa. Tuy nhiên khi bước lên màn bạc, dường như anh (hay chính xác hơn là đội ngũ biên kịch) đã bỏ quên chi tiết này.

Ví dụ như trong Batman 1989 của Tim Burton, chàng Dơi đã kích nổ cả 1 nhà máy hóa học với rất nhiều tay sai của Joker ở bên trong. Batman v Superman: Dawn of Justice cũng chứa đựng không ít phân cảnh Bruce Wayne cán chiếc xe tên lửa của mình qua hàng loạt kẻ thù đến chết. Ngay cả bộ trilogy huyền thoại của Christopher Nolan cũng không thoát khỏi vấn đề này theo cách ít tàn nhẫn hơn 1 chút: Batman để mặc cho Ra’s al-Ghul chết trong vụ tai nạn tàu với câu nói lạnh lùng: “Ta sẽ không giết ngươi, nhưng ta cũng không việc gì phải cứu ngươi cả”.

Súng đạn ư? Ở đây Batman không làm thế!

Những chi tiết hơi sai sai nhưng lại thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim về Batman - Ảnh 2.

Bên cạnh nguyên tắc không sát hại người khác, Batman còn đặc biệt nghiêm khắc trong việc sử dụng súng, và gần như anh không bao giờ động vào món vũ khí chết người này. Lý do khá là rõ ràng: Cái chết của cha mẹ anh đã khiến cho anh dần hình thành ác cảm với các loại súng và chuyển sang những món vũ khí cơ động khác như boomerang được thiết kế hình dơi. Tuy nhiên, trong đa số các tác phẩm phim ảnh, Bruce Wayne luôn được trang bị đến tận răng với những khẩu súng cao cấp nhất.

Ví dụ, cả Batman vs Superman và Batman ‘89 đều trình làng chiếc Batmobile tích hợp súng máy gắn trên mui xe. Batwing trong phiên bản của Tim Burton cũng mang đến nhiều khẩu pháo và tên lửa M61 Vulcan, dù rằng Batman không thể nhắm trúng mục tiêu nào với mớ vũ khí “khủng long” như vậy. Ngay cả chiếc mô tô Batpod trong The Dark Knight cũng được trang bị những khẩu đại bác khổng lồ, được dùng để bắn các phương tiện khác.

Các nhân vật phản diện phải có liên quan, hoặc có thâm thù đại hận với Batman

Những chi tiết hơi sai sai nhưng lại thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim về Batman - Ảnh 3.

Trước khi trở nên phổ biến và ăn khách như hiện nay, dòng phim siêu anh hùng thường được coi là 1 nhánh phụ của thể loại phim hành động. Điều này cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng kịch bản, và đôi khi khiến đội ngũ sản xuất phải thay đổi nhiều câu chuyện về xuất thân của Batman khiến fan hâm mộ truyện tranh không khỏi ngơ ngác.

Ví dụ như mối quan hệ giữa siêu anh hùng và phản diện chính luôn phải có liên kết đặc biệt nào đó, thường là thù hận. Trong Batman 1989, Joker đã được xây dựng với hình tượng là kẻ đã sát hại cha mẹ của Bruce Wayne và dần trở thành đối thủ lớn nhất trong sự nghiệp chống lại cái ác của chàng Dơi.

Nếu xét về thể loại hành động, đây là 1 ý tưởng rất tuyệt vời và giúp mạch phim liên kết hơn, logic hơn. Thế nhưng với dòng phim siêu anh hùng thì nó không thực sự cần thiết. Batman không cần lý do cá nhân để chiến đấu với những kẻ ác, bởi nhiệm vụ của anh vốn dĩ đã là bảo vệ hòa bình cho Gotham rồi. Batman không phải là 1 gã công tử giàu có vung hết tiền bạc vào những món đồ, những công nghệ xa xỉ để đi báo thù. Anh làm vậy đơn giản chỉ vì đó là những điều cần thiết để chống lại những tên tội phạm biến chất và nguy hiểm.

Quê nhà của Batman bị bình thường hoá, không ra chất Gotham

Những chi tiết hơi sai sai nhưng lại thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim về Batman - Ảnh 4.

Hãy hỏi bất cứ ai yêu mến Batman về quê nhà của anh, và câu trả lời bạn nhận được sẽ là thành phố Gotham cũng quan trọng y như nhân vật này vậy. Nó có thiết kế, có bối cảnh phù hợp để tạo ra những siêu anh hùng có cá tính như chàng Dơi - một môi trường lý tưởng cho phong cách chiến đấu lén lút, những pha di chuyển điêu luyện trên mái nhà và ngạo nghễ dừng chân trên nóc các bức tượng gargoyle (tượng đầu thú) để quan sát khung cảnh bên dưới.

Tuy nhiên, có lẽ vì để tiết kiệm chi phí hay vì lý do nào khác, rất nhiều phim về Batman đã tận dụng luôn 1 vài địa điểm có sẵn như Chicago, thay vì tạo ra 1 Gotham đúng chất nhất. Dù là bộ Dark Knight trilogy hay các tác phẩm gần đây của DC, Gotham hiện ra tương đối bình thường giống như nhiều thành phố khác.

Tác phẩm tái hiện Gotham xuất sắc nhất có lẽ thuộc về Tim Burton, với sự giúp sức của nhà thiết kế Anton Furst. Nơi này hiện ra như một cơn ác mộng của ngành công nghiệp trang trí nghệ thuật, được mô tả trong kịch bản của Sam Hamm là “địa ngục xé toạc vỉa hè và mọc lên thành 1 thành phố hoàn chỉnh”. Nó thành công đến nỗi 1 tác phẩm truyện tranh có tên “Destroyer" xuất bản năm 1992 đã đưa chính những thiết kế này lên trang sách của mình. Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ Gotham cần có 1 diện mạo ấn tượng kinh hoàng, thay vì loè loẹt màu sắc neon như trong thiết kế của người kế nhiệm, Joel Schumacher trong Batman Forever và Batman & Robin.

Batman trên màn ảnh bỗng trở thành thám tử lười biếng nhất thế giới

Những chi tiết hơi sai sai nhưng lại thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim về Batman - Ảnh 5.

Bên cạnh rất nhiều biệt danh ấn tượng, Batman vẫn được biết đến với tên gọi “Thám tử vĩ đại nhất thế giới" sau khi lần đầu tiên xuất hiện trong bộ truyện Detective Comics. Những phản diện như Riddler đã buộc anh phải vận dụng khả năng suy nghĩ logic và tài quan sát, thay vì chỉ dựa vào sức mạnh thể chất đơn thuần. Tuy nhiên, khi bước lên màn ảnh lớn nhỏ, chàng Dơi dường như đã bỏ quên tài năng lập luận sắc bén của mình.

Lần “show skill” trinh thám rõ ràng nhất của Batman chính là trong phiên bản Batman ‘89, khi anh tìm ra âm mưu của Joker và phát hiện chất độc có thể được kích hoạt bằng cách sử dụng 2 loại mỹ phẩm ngẫu nhiên khác nhau. Thế là hết. Khi lên phim, Batman đầu tư nhiều hơn cho các món vũ khí, công nghệ hiện đại của mình, và sử dụng chúng để phục vụ cho quá trình điều tra, truy bắt tội phạm.

Rất may, bộ phim The Batman sắp tới của Warner Bros. sẽ tập trung khai thác vào khía cạnh này hơn, đưa chàng Dơi về đúng với bản chất ban đầu của mình.

Robin luôn bị “độn tuổi"

Những chi tiết hơi sai sai nhưng lại thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim về Batman - Ảnh 6.

Robin xuất hiện trong thế giới truyện tranh vào năm 1940 và là 1 trong những tác nhân gây ảnh hưởng lớn đến thể loại siêu anh hùng sau này. Theo nhận định của Glen Weldon, tác giả của bộ The Caped Crusader, Batman và Robin chính là hình mẫu điển hình cho bộ đôi siêu anh hùng hoàn hảo, là khởi nguồn cho ý tưởng về việc các anh hùng đều thu nhận 1 đứa trẻ làm đệ tử hỗ trợ cho mình trong thời kỳ Golden Age.

Thế nhưng khi bước lên màn ảnh, Robin lại luôn được khắc hoạ là 1 cậu thanh niên trưởng thành. Trong Batman Forever, nhân vật này hiện ra như 1 chàng trai 25 tuổi. Theo nguyên tác, Bruce Wayne nhận nuôi Dick Grayson vào năm cậu 9 tuổi, còn anh thì mới bước sang tuổi 30. Điều đó đồng nghĩa với việc, khi Robin 25 tuổi thì Batman đã 46 tuổi, trong khi chàng Dơi trong Batman Forever mới chỉ trải qua khoảng 36 cái xuân xanh mà thôi. Nhưng điều quan trọng nhất là hình ảnh 2 người đàn ông trưởng thành sát cánh bên nhau để chống lại tội phạm không thực sự quen thuộc với fan hâm mộ, những người đã quen với việc Robin là 1 cậu nhóc không hơn không kém trong truyện tranh.

Danh tính bí mật của Batman

Những chi tiết hơi sai sai nhưng lại thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim về Batman - Ảnh 7.

Ý tưởng về việc giữ danh tính của các siêu anh hùng một cách bí mật xuất phát từ năm 1903, và đó là 1 trong những yếu tố quan trọng nhất trong câu chuyện của Batman. Khi xuất hiện lần đầu tiên trong Scarlet Pimpernel của Baroness Orczy, tình tiết hé lộ Batman thực chất chính là Bruce Wayne là 1 một chi tiết quan trọng được giấu đến tận những trang truyện cuối cùng và gây bất ngờ mạnh mẽ với độc giả. Việc “giấu nhẹm" điều này đi cho phép Wayne hoạt động ngoài lề pháp luật, bảo vệ chính mình và biệt thự Wayne khỏi sự đe dọa của kẻ thù.

Tuy nhiên trong các phần phim về Batman, “danh tính bí mật” này dường như lại không bí mật cho lắm. Tất nhiên, các biên kịch không bao giờ để Wayne ngang nhiên quảng bá thân phận siêu anh hùng của mình, tuy nhiên số người biết về danh tính thực của Batman lại nhiều đến bất ngờ, và Wayne cũng không đặt nặng vấn đề người ta có phát hiện ra mình hay không.

Trong 1 cảnh phim của Justice League (2017), Bruce Wayne và Aquaman thậm chí đã bàn luận rất thản nhiên về vấn đề này khi đi dạo quanh Greenland. Họ thậm chí còn không cần giữ mồm giữ miệng hay nói với âm lượng nhỏ, như thể không cần quan tâm đến việc những người xung quanh có để ý hay không. Trong vũ trụ điện ảnh này, Wayne là 1 trong những tỷ phú giàu có và nổi tiếng nhất thế giới, và việc anh là Batman đáng lẽ phải là 1 bí mật chấn động cần được giữ kín tối đa mới phải.

Theo Looper