Katana là biểu tượng của các samurai Nhật Bản, một trong những tầng lớp chiến binh tinh nhuệ nhất thế giới. Mọi quốc gia trên thế giới đều sử dụng kiếm trong suốt chiều dài lịch sử, nhưng có lẽ không một ai không biết Katana – loại vũ khí được nhận dạng bởi hình dáng cong đặc trưng và được coi là loại đao hảo hạng, sắc bén nhất thế giới.
Katana là đao chứ không phải là kiếm
Trong tiếng Nhật, từ Katana có nghĩa là đao hoặc vũ khí đơn lẻ, nhưng nó cũng được sử dụng để gọi một loại đao được sử dụng từ thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 19.
Do tính thông dụng của nó trong các tầng lớp Samurai, chúng ta thường gọi Katana để chỉ chung cho tất cả đao/kiếm Nhật. Katana thực chất chỉ là một trong số nhiều loại đao (kiếm) Nhật.
Katana là vật bất ly thân của Samurai
Vào thế kỷ 10, kiếm Nhật vẫn có dáng thẳng, lưỡi đơn như thanh Chokuto (trực đao), vốn giống với kiếm của Châu Âu hơn so với Katana được samurai dùng sau này. Tuy nhiên vào giữa những năm 900, kiếm Nhật bắt đầu thay đổi hình dạng theo hướng cong hơn, giúp tăng khả năng chém. Đến thế kỷ 13, những lưỡi kiếm này đã đạt tới độ hoàn hảo cả về khả năng chém lẫn nghệ thuật chế tác ra chúng.
Đáng chú ý, mặc dù thường được gọi là “kiếm Katana”, nhưng Katana thực chất là một loại đao, chủ yếu dùng để chém bằng hai tay, thay vì dùng để đâm như kiếm. Đặc điểm của thanh katana là khá dài nhưng có bản khá nhỏ, hơi cong, một lưỡi, giúp võ sĩ có thể nhanh chóng rút ra khỏi vỏ và chém chỉ trong một động tác. Các vùng mục tiêu chính là đầu cổ , cẳng tay vung dạ dày và bụng dưới, chỉ cần chém vào một trong những vùng này là có thể gây chấn thương nghiêm trọng.
Chokuto có dáng thẳng, trong khi Katana hơi cong về một phía
Một thanh Katana dài khoảng 60-80 cm và nặng 1,1-1,3 kg. Đây là lợi thế lớn của Katana so với các loại đao kiếm khác trong các trận chiến thời cổ. So với trường kiếm của phương Tây, Katana nhẹ hơn, ngắn hơn nhưng lại có lợi thế nhờ độ bền, sắc bén và ưu thế tốc độ.
Theo AcientPage, các thanh đao Katana thường được làm bằng ba loại thép có độ cứng khác nhau như thép mềm (shigane), thép trung bình (kawagane) và thép cứng (hagane).
Sau khi luyện, thép kawagane được quai búa nhiều lần thành các tấm thép mỏng, sau đó làm cho cứng lại, đập thành những miếng nhỏ như đồng xu, rồi được rèn thành loại thép shingane không bị giòn nên khó bị gãy hơn. Quy trình rèn nhiều lần như vậy tạo ra lưỡi kiếm Nhật Bản có chất lượng độc đáo với những đường vân giống như gỗ.
Masamune - 'Thiên hạ đệ nhất' Katana
Trong thời Edo, việc kiểm định chất lượng một thanh Katana được thực hiện bằng cách…chém lên thân người. Các lãnh chúa thời kỳ này sẽ thành lập một cơ quan có chức năng xác định chất lượng của Katana. Khi tiến hành kiểm định, một kiếm sĩ sẽ dùng Katana để chém người bù nhìn làm bằng rơm.
Nếu thanh Katana có thể chặt đứt được bó rơm, các kiếm sĩ sẽ thử tiếp trên thân người, thường là dùng xác chết của các tội nhân bị tử hình. Xác người được treo lên theo nhiều kiểu khác nhau để thử Katana theo theo nhiều đòn thế. Katana sau khi thử xong sẽ được các các kiếm sĩ đánh giá và xếp hạng.
Katana ít được sử dụng trên chiến trường
Sử sách Nhật Bản mô tả, những chiến binh Samurai tài giỏi nhất khi sử dụng Katana có thể giết chết đối thủ của mình chỉ bằng một nhát chém trong chớp mắt. Trong những trận chiến vào thời Sengoku (Chiến Quốc), Katana mang lại lợi thế rất lớn cho người sử dụng trong những tình huống cận chiến, vốn phụ thuộc vào phản xạ trong tích tắc.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của nhiều nhà sử học, Katana trên thực tế không phải vũ khí chính của samurai. Kiếm Katana là một vật dụng mang tính biểu tượng hơn là vũ khí thực chiến của võ sĩ đạo. Trên chiến trường, giáo dài (yari), cung tên và sau này là súng là các vũ khí được các Samurai sử dụng phổ biến hơn. Chỉ khi các vũ khí chính bị hư hỏng’, Katana mới được sử dụng để đánh 'giáp lá cà'.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, Katana thực tế ít khi được sử dụng ở chiến trường
Một điểm khá thú vị khác là Katana không hề được sử dụng ‘độc quyền’ bởi các chiến binh Samurai. Kể cả những binh lính được tuyển mộ từ tầng lớp nông dân (được gọi là Ashigaru) cũng có thể sử dụng Katana.
Tuy nhiên, sau năm 1588, chỉ tầng lớp võ sĩ đạo mới được phép sử dụng Katana, kết hợp với một thanh đao có kích thước ngắn hơn được gọi là Wakizashi. Vào thời điểm đó, Wakizashi được đeo cùng với katana là một dấu hiệu chính thức cho thấy người đeo nó là một samurai hoặc một kiếm sĩ thời kì phong kiến Nhật Bản.
Wakizashi có kích thước ngắn hơn Katana, mặc dù hình dáng giống nhau
Việc rèn kiếm Katana cũng được coi như một nghi lễ tâm linh. Trong xã hội Nhật Bản xưa, thợ rèn kiếm là một nghề cao quý được xã hội trọng vọng. Việc rèn kiếm được thực hiện theo những nghi thức khắt khe của Thần đạo. Người thợ rèn kiếm phải tuân thủ nhiều quy định ngặt nghèo không kém các tu sĩ.
Tuy nhiên, vào năm 1871, khi các samurai bị tước đoạt quyền lực và đặc quyền mang kiếm của họ bị phá vỡ, việc này cũng ảnh hưởng trầm trọng đến các lò rèn. Trong suốt một thời gian dài, nghệ thuật rèn katana đã suýt bị lãng quên.
Theo thống kê, tại Nhật Bản hiện tại chỉ có khoảng 300 nghệ nhân rèn nắm giữ những bí mật cổ xưa về kỹ thuật rèn nên những thanh Katana sắc bén. Con số này dự kiến sẽ giảm dần vào những năm tới, khi nghệ thuật rèn kiếm đang dần mai một tại đất nước mặt trời mọc.