Không chỉ có những vị thần quyền lực với nhiều triết lý về vũ trụ khoa học khiến người ta kinh ngạc, mà cả các thần thú xuất hiện trong thần thoại Ấn Độ cũng ấn tượng không kém.
Shesha Naga
Naga là tên gọi loài rắn thần trong thần thoại Ấn Độ. Rắn đực gọi là Naga và rắn cái gọi là Nagin, có nhiều naga khác nhau, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là Shesha Naga.
Shesha Naga thường bị nhầm lẫn với Bát xà Orochi trong Thần đạo Nhật Bản hay rồng Hydra của phương Tây. Tuy nhiên, đây là thần thú hoàn toàn khác. Theo thần thoại Ấn, Shesha Naga là con rắn vũ trụ có nhiệm vụ nâng đỡ tất cả các hành tinh của vũ trụ trên đầu. Shesha có nhiều đầu, vì thế mỗi cái đầu của con rắn này sẽ nâng đỡ một hành tinh. Vị thần được mệnh danh là người bảo vệ của vũ trụ, thần Vishnu, thường được miêu tả là nằm phía trên Shesha Naga. Người xưa tin rằng mỗi khi con rắn thần động đậy, sẽ tạo ra sự sống nhưng nếu Shesha quay trở lại tư thế ban đầu thì sự sống sẽ không còn nữa.
Shesha Naga xuất hiện nhiều trong điêu khắc và kiến trúc ở các đền thờ tại Đông Nam Á như Angkor Wat (Cambodia)
Ngoài ra, Shesha có nghĩa là "người còn lại", tức là tạo vật duy nhất sẽ còn tiếp tục tồn tại trong khi vạn vật của vũ trụ đều bị hủy diệt. Shesha còn có tên gọi khác là Ananta – dịch ra có nghĩa là vô hạn.
Cá thần Matsya
Giống như nhiều tôn giáo và văn hóa khác, thần thoại Ấn Độ cũng đề cập đến một trận đại hồng thủy, hủy diệt con người. Truyền thuyết kể rằng khi xưa, thủ lĩnh của loài người tên là Manu có lần gặp được một con cá nhỏ, con cá này cầu xin anh ta hãy cứu nó khỏi một con cá lớn hơn. Đổi lại, con cá nhỏ hứa sẽ bảo vệ người dân của Manu khỏi trận lụt sắp tới. Vậy là Manu đã bỏ con cá vào chậu, nuôi nó cho đến khi nó lớn lên rồi thả xuống đại dương. Con cá này chính là cá thần Matsya.
Con cá trả ơn Manu bằng cách báo cho anh biết rằng cần phải đóng một con thuyền lớn để gia đình trú ẩn, đồng thời đem theo nhiều động vật lẫn thực vật khác nhau đi theo và cho 7 nhà hiền triết lỗi lạc được lên thuyền. Nhờ vậy, Manu cùng nhiều người khác đã sống sót. Câu chuyện này có sự giống nhau đến kỳ lạ với truyền thuyết về Noah.
Garuda
Garuda còn được biết đến với cái tên Kim Sí Điểu. Garuda xuất hiện cả trong truyền thuyết của Hindu lẫn Phật giáo. Trong thần thoại Hindu, Garuda là kẻ thù truyền kiếp của rắn thần Naga, sinh vật nửa người nửa đại bàng này thường xuyên ăn thịt Naga.
Khi mới nở ra từ quả trứng do nữ thần Vinata sinh ra, Garuda được miêu tả có thân hình to lớn che lấp cả bầu trời, một cái vỗ cánh khiến trái đất rung lắc dữ dội, sức mạnh khủng khiếp của Garuda ngang với đám cháy lớn có thể hủy diệt toàn bộ vũ trụ. Vì quá khiếp sợ sức mạnh của Garuda, các vị thần đã khẩn cầu chim thần giảm bớt kích thước lẫn sinh lực của mình để tránh thiêu cháy vũ trụ.
Vì bị lừa gạt trong một lần cá cược, mẹ của Garuda là thần Vinata bị mẹ của loài rắn Naga là Kadru cầm tù. Để cứu mẹ, Garuda thường phải lên thiên giới để ăn trộm thảo dược cùng thần vật của các vị thần để cứu mẹ. Các Naga yêu cầu Garuda phải trao cho chúng mật trường sinh thì mới thả người mẹ ra. Cuối cùng, thần Vishnu đã thuần phục Garuda bằng cách hứa chia cho nó một phần mật trường sinh để hưởng sự bất tử cũng như ở vị trí cao hơn các vị thần khác, đổi lại Garuda phải trở thành thú cưỡi cho thần. Cũng kể từ đó, Garuda thường săn lùng Naga để làm thức ăn, hễ gặp Naga nào béo mập thì lập tức sẽ mổ đuôi, moi ruột, lấy xác làm đồ trang sức.