Các vũ khí thần thoại luôn mang những sức mạnh khủng khiếp. Chúng có nhiều chủng loại, hình dạng khác nhau tùy theo các nền văn hóa, thế nhưng loại vũ khí phổ biến nhất chính là những thanh thần kiếm.
1.Thần kiếm Caladbolg
Thanh thần kiếm Caladbolg được nhắc đến trong thần thoại Ireland. Thần kiếm này thuộc sở hữu của người anh hùng Fergus mac Róich. Truyền thuyết kể rằng Caladbolg được sử dụng bằng cả hai tay, một nhát chém của thần kiếm giáng xuống sẽ tạo thành một vòng tròn giống cầu vồng, có thể lấy đi sinh mạng của 1/10 đội quân hoặc cắt bay các đỉnh đồi. Vì sức công phá khủng khiếp như vậy nên thanh thần kiếm này đã góp phần không nhỏ vào việc xoay chuyển cục diện trên chiến trường thời xa xưa.
2. Thần kiếm Kusanagi
Kusanagi-no-Tsurugi (Thảo Thế Kiếm) là một thanh thần kiếm trong thần thoại Nhật Bản. Nó thường được gọi ngắn gọn là thần kiếm Kusanagi. Thanh thần kiếm này thuộc bộ ba Tam Chủng Thần Khí (ba báu vật thần thánh), đại diện cho đức tính dũng cảm. Kusanagi cũng được xem như biểu tượng cho quyền lực cai trị của thiên hoàng đối với nước Nhật.
Cái tên Kusanagi (Thảo thế kiếm) bắt nguồn từ một truyền thuyết kể rằng sau khi nhận thanh thần kiếm này từ thần bão tố Susanoo, nữ thần Amaterasu đã ban tặng cho hoàng tử Yamato Takeru – con trai của Thiên hoàng Keiko. Một lần vị hoàng tử đi săn thì sa vào bẫy phóng hỏa của kẻ thù, chàng đã dùng kiếm để cắt bỏ đám cỏ đang bốc cháy rồi hướng ngọn lửa về phía kẻ địch.
3.Honjo Masamune và Muramasa
Đây là hai thanh thần kiếm katana. Trong đó, thanh Muramasa còn được gọi là tà kiếm.
Sự tích về tà kiếm Muramasa như sau: thuở xưa có một thánh nhân chuyên rèn kiếm có tên Okazaki Goronyudo Masamune. Vì muốn có người nối nghiệp và truyền dạy lại các kĩ thuật, Masamune đã nhận cậu bé Muramasa làm đồ đệ. Muramasa rất thông minh, lanh lợi, nhưng lại có ác tâm nên Masamune quyết định không dạy cho cậu ta bí quyết rèn kiếm nữa để tránh gây hại cho người khác.
Dù không được sư phụ tin tưởng, nhưng Murasama đã nhanh trí học được các kiểm soát nhiệt độ lửa và tự rèn cho mình một thanh kiếm tốt. Khi phát hiện ra điều này Masamune đã nổi giận, chém đứt cổ tay tên học trò, khiến hắn cay cú bỏ đi.
Sau này, vì muốn thắng sư phụ, Muramasa đã rèn ra tà kiếm mang tên mình. Độ bén của thanh tà kiếm này có thể cắt đứt mọi thứ, nó khiến cho mọi người đi gần đều cảm thấy ớn lạnh hoặc buồn nôn.
Đối nghịch với tà kiếm Muramasa là thần kiếm Masamune – thanh kiếm cho đích thân sư phụ Masamune rèn lên. Thần kiếm này đối ngược với tà kiếm, nó đại diện cho chính nghĩa. Thế nên khi dùng Masamune chém vào các vật vô tội, kiếm không gây sát thương hay đoạt mạng của chúng.
4. Thuận Thiên Kiếm
Thuận Thiên kiếm gắn liền với sự tích về vua Lê Thái Tổ của Việt Nam. Tương truyền vào buổi đầu khởi nghĩa, Lê Lợi vẫn chưa có thanh thế, đã trải qua nhiều lần bị quân Minh truy sát. Một lần nọ, Lê Lợi đến thăm nhà viên thuộc tướng Lê Thận thì thấy có lưỡi kiếm khắc chữ "Thuận Thiên", dù lưỡi kiếm bén nhưng cũng chưa biết là báu vật.
Lại một lần khác, trong lúc chạy trốn giặc, Lê Lợi tình cờ tìm được chuôi kiếm nạm ngọc, khi cầm lên thấy đẹp đẽ lạ thường mới nhớ tới lưỡi kiếm kỳ lạ ở nhà Lê Thận bèn cầm về. Sau này, ông lắp thử chuôi và lưỡi lại thì vừa vặn, Lê Thận thấy thế mới quả quyết dâng lên cho Lê Lợi sử dụng.
Qủa nhiên thanh thần kiếm đã cùng Lê Lợi xông pha trận mạc cho đến tận ngày ông đăng quang ngôi vua và cuối cùng được tận tay ông trao trả lại cho chủ nhân thật sự của nó là Đức Long Quân thông qua sứ giả Kim Quy ở hồ Hoàn Kiếm.