Cuộc sống trên Trái Đất từ nhiều triệu năm trước ra sao là câu hỏi mà giới khoa học lâu nay tìm kiếm câu trả lời. Những bằng chứng giúp giải mã bí ẩn lịch sử đó phải kể tới các loại hóa thạch; trong đó, hóa thạch hổ phách nhiều khi mang tới điều bất ngờ.
Hổ phách thực chất là nhựa cây hóa thạch, đã trải qua hàng chục nghìn đến hàng triệu năm biến đổi về lý và hóa. Hổ phách có thể được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng để nhựa cây trở thành hóa thạch thì cần tách biệt với các yếu tố khiến nó bị phân hủy, như oxy hay các loại sinh vật. Một trong những nơi khai thác hổ phách được biết đến nhiều nhất trên thế giới là tại Biển Ban-tích, phía bắc châu Âu.
Mẫu vật hổ phách chứa một con nhện. Ảnh: Wikimedia
Hổ phách xuất phát từ nhựa cây, một loại chất lỏng có tông đỏ, dính, chảy ra từ những cây bị bệnh hoặc có vết thủng ở thân. Không phải cây nào cũng cho ra loại nhựa có thể trở thành hóa thạch, mà chỉ một số cây ở một vài nơi đặc biệt mới có thể tạo ra nhựa cây mà khi hóa thạch trở thành hổ phách.
Khi cây tiết ra nhựa, dòng nhựa sẽ chảy xuống theo chiều hút của lực hấp dẫn, và nếu có một con côn trùng hay bất cứ thứ gì xuất hiện trên đường chảy xuống của nhựa cây, nó sẽ bị dính vào. Sau đó, nhựa cây bắt đầu pô-li-me hóa và cứng dần. Cũng cần nhắc rằng hiện chưa rõ các biến đổi về hóa khiến nhựa cây trở thành hổ phách. Trong một số trường hợp vô cùng đặc biệt, hổ phách có thể bao chứa cả nước. Loại hổ phách bao nước này thường được gọi là Amber Enhydro.
2 mẫu hổ phách trong thí nghiệm. Mẫu nhỏ có tuổi ước tính khoảng 22 triệu năm, mẫu lớn ước tính khoảng 99 triệu năm. Nguồn: Walt (oneminmicro) / Youtube
Trải qua hàng ngàn, triệu năm, nước, hay bất kể thứ gì tồn tại trong giọt nước đó, cũng có thể bị giữ lại và bảo quản, tách biệt khỏi những yếu tố khiến nó phân hủy - như oxy hay sinh vật. Một trong những thí nghiệm có lẽ thú vị nhất là thí nghiệm đập vỡ một viên hổ phách bao nước hàng triệu năm tuổi rồi đưa giọt nước đó soi dưới kính hiển vi của một Youtuber tên là Walt - người Áo.
Thí nghiệm lần này sẽ nghiên cứu mẫu vật nước từ 2 khối hổ phách, một có tuổi đời khoảng 20 triệu năm tuổi, và một có tuổi đời lên tới 99 triệu năm tuổi. Để lấy được nước ra khỏi viên hổ phách, Walt đã dùng máy khoan, khoan đến gần nhất có thể nơi chứa nước, lấy kim đục thủng rồi dùng ống đưa nước lên tiêu bản.
Các mảnh vật chất có trong nước ở viên hổ phách 22 triệu năm tuổi. Nguồn: Walt (oneminmicro) / Youtube
Viên hổ phách 20 triệu năm tuổi có kích thước nhỏ hơn, chỉ có một khoang chứa nước; trong khi đó, viên hổ phách 99 triệu năm tuổi có nhiều khoang chứa nước, có thể thấy bong bóng khí vẫn di chuyển khi lắc viên hổ phách. Thậm chí, viên hổ phách 99 triệu năm tuổi cũng lưu giữ nhiều mảnh cơ thể côn trùng và cả một con côn trùng còn nguyên. Vì chứa nhiều nước, có thể phỏng đoán rằng viên hổ phách 99 triệu năm tuổi này này hình thành khi một trận mưa lớn, hoặc thậm chí một cơn bão, đang xảy ra.
Dưới kính hiển vi, có thể thấy mẫu vật nước từ viên hổ phách 20 triệu năm tuổi chứa nhiều vật thể rất nhỏ, nhiều khả năng là các mảnh thân của thực vật, cũng không loại trừ trường hợp đã từng có vi khuẩn tồn tại, ăn một phần các mảnh thực vật đó và sinh ra màng sinh học. Ngoài những vật thể này, dường như không tồn tại dạng sống nào trong mẫu vật. Đối với viên hổ phách 99 triệu năm tuổi, mẫu nước bên trong cũng chứa các vật thể nhỏ, dường như cũng là những mảnh thân thực vật.
Một bộ phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng có tên The Jurasic Park (Công viên kỷ Jura) đã sử dụng một chất liệu có liên quan đến hổ phách, đó là một con muỗi mang máu của khủng long được lưu giữ trong hổ phách 125 triệu năm tuổi. Trong phim, các nhà nghiên cứu đã lấy ADN từ máu khủng long có trong muỗi rồi "hồi sinh" khủng long. Từ đây, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi liệu thực tế có làm được vậy hay không.
ADN rất nhanh hỏng, khó bảo tồn trong hổ phách.
Gần như chắc chắn, câu trả lời là không! Các loài côn trùng mắc kẹt trong hổ phách thoạt nhìn trông rất sống động, cứ như đập vỡ hổ phách là chúng sẽ bay, chạy đi ngay. Nhưng thực ra, điều đó là nhờ phần vỏ được bảo quản rất tốt, nhưng phần lõi bên trong thì không. ADN thực tế rất nhanh hỏng.
Nhà cổ sinh vật học David Peris từng trả lời tờ Syfy Wire rằng ADN tồn tại thời gian dài trong nhựa cây là một điều rất khó tin, nhất là với một loại chất có tính thẩm thấu như vậy. Trên thực tế, các nhà khoa học đang nghiên cứu xem ADN có thể tồn tại bao lâu trong các chất như nhựa cây. Cũng đáng nhắc đến rằng ADN mà các nhà nghiên cứu từng thu thập được (một phần hoặc toàn phần) đến từ các mẫu vật đóng băng vĩnh cửu nhiều hơn từ các loài sinh vật mắc kẹt trong nhựa cây hay hổ phách.