Có thể bạn chưa biết, khoảng 400 loài chuột trên khắp thế giới đa phần đều là loài nhút nhát, tránh xa con người. Nhưng chuột cống thì không. Bọn này rất thích những ngôi nhà của con người, càng đông thì càng vui, bởi đó là nguồn thức ăn dồi dào để chúng có thể đánh chén 1 cách thỏa thích. Và dĩ nhiên, con người chúng ta thường hay có xu hướng hoảng loạn, vì chúng trông tương đối kinh tởm, bẩn thỉu, và to xác nữa.
Một con chuột cống bình thường dài khoảng 40 cm và nặng tầm nửa ký, còn 1 con thuộc tầm cỡ "lão đại" sẽ phát tướng được thêm nửa ký nữa. Tuy nhiên, đẳng cấp cỡ đó vẫn chỉ là "muỗi" nếu so với loài chuột khổng lồ Bosavi, được phát hiện tại 1 ngọn núi lửa đã tắt nằm trên nam cao nguyên ở đảo Papua New Guinea gần nước Úc - bởi 1 đoàn làm phim thám hiểm của đài BBC vào năm 2009. Cụ thể, khi đó thì họ đang quay bộ phim tài liệu Lost Land of the Volcano và tình cờ "tóm" được 1 cá thể trong loài này.
Con chuột này có hình dáng tương đối giống chuột cống, nhưng lại dài tới 82 cm, ít nhất là to gấp 5 lần và nặng gấp 3 lần (1.5 kg), thậm chí là 4 lần so với 1 con chuột cống cỡ lớn tại các thành phố. Chúng sở hữu bộ lông dày màu nâu đồng, giúp sống sót trong điều kiện ẩm ướt và lạnh giá tại các miệng núi lửa đã tắt. Theo các nhà động vật học, loài chuột khổng lồ này vốn được xếp vào chi Mallomys thuộc họ Muridae, vốn là chi của các loài chuột ngoại cỡ nổi tiếng trên khắp thế giới.
Gordon Buchanan - người quay phim trong đoàn cho biết: "Tôi có một con mèo, và nó có kích thước tương đương với con chuột này".
Người quay phim của đài BBC - Gordon Buchanan cùng con chuột Bosavi mà họ bẫy được.
Kristofer Helgen - một nhà khoa học thuộc viện Smithsonian cho biết: "Loài chuột này vốn không sợ con người. Trong chuyến đi ấy, nó đã lẻn vào trại rất nhiều lần". Chúng cũng không tỏ ra sợ hãi khi bị bắt. Ngoài ra, loài này cũng được ghi nhận là có tập tính leo trèo giống như con lười.
Chế độ ăn của loài này tương đối thanh đạm, hầu như ăn chay như lá hay rễ cây. Nhưng tuy nhiên, thực tế những kết luận này đều đến từ sự quan sát vô cùng hạn chế, do điều kiện nghiên cứu loài này chưa được nhiều. Chuột Bosavi cũng được khẳng định là xây tổ bằng cách đào hang dưới lòng đất.
Về cơ bản, loài chuột Bosavi có thể coi là loài đặc hữu của khu vực núi lửa trên đảo Papua New Guinea, khi từ đó các nhà thám hiểm lẫn động vật học đều không hề phát hiện ra nó ở nơi nào khác trên thế giới, ngoài khu vực nhỏ quanh ngọn núi lửa mà thôi. Ở hiện tại, nó cùng với khoảng 56 loài chuột sinh sống tại hòn đảo này đang trở thành nguồn thức ăn cho thổ dân tại nơi đây.