Người Melanesia ở Papua New Guinea từ lâu đã biết tránh xa loài chim pitohui, nhưng đối với thế giới phương Tây, khả năng sở hữu độc của loài chim này chỉ được phát hiện một cách tình cờ chỉ hơn ba thập kỷ trước.
Năm 1990, nhà điểu học Jack Dumbacher đang ở trên đảo Thái Bình Dương để tìm kiếm loài chim thiên đường. Anh ta đã giăng những tấm lưới sương mù mỏng manh giữa những cái cây để bắt chúng và kết quả là bắt được một số con chim pitohui trong đó. Khi anh cố gắng lấy những con chim ra khỏi bẫy, chúng cào và cắn ngón tay anh, và theo bản năng, anh đưa tay vào miệng để xoa dịu cơn đau. Gần như ngay lập tức, Dumbacher cảm thấy môi và lưỡi của mình tê dại. Sau đó, nghi ngờ rằng các triệu chứng kỳ lạ này là do con chim gây ra, anh ta đã lấy một chiếc lông pitohui và cho nó vào miệng. Cảm giác tê và đau sau đó nhanh chóng quay trở lại.
Trong cùng năm mà Jack Dumbacher thực hiện khám phá tình cờ của mình, các nhà khoa học khác cũng chuẩn bị tiến hàng nghiên cứu về loài chim độc đáo này sau khi trải qua cảm giác tê và bỏng rát khi chạm vào lông của chúng. Tuy nhiên, hầu hết các nguồn đều cho rằng Dumbacher là người đầu tiên phát hiện ra bản chất độc của loài chim này. Dumbacher đã hỏi những người bản địa ở New Guinea về loài chim pitohui và họ dường như đều biết về độc tính của nó. Họ gọi loài này là "chim rác", vì nó có mùi hôi khi nấu chín, và những người thổ dân ở đây chỉ ăn thịt chúng khi quá đói và không còn nguồn thức ăn nào khác.
Vì muốn tìm hiểu thêm về những con chim pitohui và chất độc của chúng, Jack Dumbacher đã gửi một số lông vũ của loài này cho John W. Daly tại Viện Y tế Quốc gia, người là nhà khoa học hàng đầu thế giới về độc tố tự nhiên. Trong những năm 1960, ông đã xác định batrachotoxin là độc tố trong loài ếch phi tiêu độc ở Colombia, và sau đó ông cũng đã tìm thấy cùng một họ độc tố trong lông của loài pitohui.
Các hợp chất được gọi là batrachotoxin (BTXs) là các ancaloit steroid gây độc thần kinh hoạt động bằng cách làm gián đoạn dòng chảy của các ion natri qua các kênh trong màng thần kinh và cơ, gây tê và bỏng rát ở nồng độ thấp và tê liệt, sau đó là ngừng tim và tử vong, ở nồng độ cao hơn. Chúng được công nhận là hợp chất độc hại nhất tính theo trọng lượng trong tự nhiên (độc hơn 250 lần so với strychnine).
Nghiên cứu sau đó cho thấy rằng những con chim pitohui lưu trữ chất độc cả trong da và lông, cũng như trong xương và các cơ quan nội tạng của chúng, mặc dù ở nồng độ thấp hơn đáng kể khi so với loài ếch độc. Thực tế là chất độc này được tìm thấy trong hệ thống nội tạng của chim và cho thấy chúng không nhạy cảm với nó. Điều thú vị là nồng độ batrachotoxin thay đổi rất nhiều theo từng cá thể, cũng như theo vùng địa lý.
Nguồn gốc của độc tố trong cơ thể của loài chim này đã là chủ đề gây tranh cãi lớn giữa các nhà khoa học, nhưng sự đồng thuận chung là các loài chim không tự sản xuất chất độc mà lấy nó từ chế độ ăn uống của chúng, đặc biệt là loài bọ cánh cứng Choresine cũng chứa độc tố này.
Lý do tại sao pitohui lại có độc vẫn chưa được xác định. Một số nhà khoa học tin rằng đó là một biện pháp răn đe đối với những kẻ săn mồi, nhưng có rất ít bằng chứng ủng hộ lý thuyết này. Ếch phi tiêu tí hon cần sở hữu độc tố để ngăn chặn những kẻ săn mồi, nhưng một con chim bay tự do thì sao lại cần đến chúng? Thêm vào đó, nồng độ batrachotoxin trong loài chim đặc biệt này thấp hơn khoảng ba bậc độ lớn so với ếch phi tiêu độc.
Lời giải thích hợp lý hơn là độc tố trên da và lông của chúng được tạo ra để ngăn ký sinh trùng. Các thí nghiệm đã chỉ ra rằng chấy có xu hướng tránh lông độc của loài pitohui. Tuy nhiên, chất độc batrachotoxin dường như không ảnh hưởng đến ký sinh trùng bên trong cơ thể của loài chim này.