Đã bao giờ bạn đứng tần ngần trong siêu thị mà lòng tự nhủ “ước gì có thể chi tiền không cần nhìn giá”? Dám chắc, ngay cả lúc chẳng cần quan tâm tới số dư sắp mất, ta vẫn đắn đo, nhấc lên đặt xuống quá nhiều lần.
Câu hỏi mấu chốt vẫn nằm ở “Như nào là tốt nhất?”. Từ “Trường này dạy tốt nhất chưa?”, “Nhà chỗ này ở có lộc nhất không?” cho tới “Đi ăn chỗ này ngon nhất chưa?”, “Cái váy này đã tôn dáng mình chưa?”. Thật là đau đầu!
Theo một nghiên cứu về tiêu dùng của Viện nghiên cứu Noida Ấn Độ, hội chị em đang vô tình phải trở thành “Mama tổng quản, Đại tướng hầu bao” trong mỗi gia đình. Lấy dẫn chứng như ở Mỹ, riêng phụ nữ đã làm chủ tới 85% quyết định mua hàng thay cho người chồng, ông bà lẫn các con. Còn trên thế giới, bên cạnh chi dùng thường nhật, phụ nữ nắm tới 91% quyết định liên quan tới mua bán bất động sản.
Vì yếu tố tâm lý, nữ giới luôn có quá trình mua hàng cầu kỳ và tỉ mỉ hơn. Không giống như nam giới, chị em sở hữu “bộ quy trình” theo chu kỳ phức tạp, nhất là sau khi mua rồi, còn ngẫm đi ngẫm lại từng giai đoạn xem có bị “hớ” phần nào không.
Nói dễ hiểu, phụ nữ không chỉ “khó tính” hơn, đã thế lại luôn tự chất vấn bản thân với hàng loạt câu hỏi. Đã thế, phụ nữ thời đại này không quá đề cao việc tiết kiệm như trong quá khứ - rất nhiều người chi tiền để thỏa mãn cảm xúc, người lại bỏ tiền mua trải nghiệm, giúp cuộc sống nhàn nhã, đáng sống hơn.
Cân nhắc, đắn đo thì chẳng phải điều gì xấu, nhưng hình như đã đến lúc chúng ta nên thay đổi cách đặt câu hỏi cho đỡ mệt đầu, chẳng hạn, sau cùng thứ chúng ta nên chọn không còn phải là “tốt nhất” mà nên là “tốt hơn”?
*Hot mom Minh Phương: Tốt như nào không quan trọng, đẹp mới quan trọng
Được nhiều người biết đến và yêu mến nhờ lối sống tối giản, tư duy quản lý tài chính tốt, lại sở hữu căn duplex đẹp như mơ giữa lòng Thủ đô, hầu hết mọi người đều cho rằng chị Minh Phương (31 tuổi, Hà Nội) sẽ khó có sự thay đổi hay sai lầm trong các chọn lựa vì mọi mục tiêu đều đã hoạch định rõ ràng. Trái ngược với điều đó, chị chia sẻ:
"Là người ưa thẩm mỹ, từ lúc sinh viên mới ra trường, mình đã luôn muốn đồ đạc theo sở thích cá nhân, dù thời đó không có đủ tiền sắm thứ đắt tiền. Thành ra khi lựa chọn đồ, giá thành là thứ ảnh hưởng nhiều nhất tới quyết định của mình.
Đến năm ra trường, bắt đầu kiếm ra một chút tiền, mình đổi phòng trọ, vì không thích màu sơn cũ nên mình đã mua thùng sơn về tự sơn luôn.
Sau khi ổn định kinh tế và với kinh nghiệm 5 lần chuyển nhà cũng như nơi ở thì mình đặt tính thẩm mỹ và sự đồng nhất về màu sắc, thiết kế lên hàng đầu. Và cũng chỉ mua đồ vật nào thật sự cần thiết. Vì nếu dư thừa sẽ rất khó để gọn gàng cũng như có thể làm cuộc sống và ngôi nhà thêm lộn xộn".
*Hot TikToker Nguyễn Ngọc Anh: Đồ dùng phải bền và xịn, giá cả không phải vấn đề
2 năm trở lại đây, Nguyễn Ngọc Anh (28 tuổi, Hà Nội) dần đảm nhiệm tốt vai trò trở thành người truyền cảm hứng cho các chị em phụ nữ hướng tới một cuộc sống hạnh phúc mà vẫn có sự nghiệp cho riêng mình. Ngọc Anh chia sẻ:
"Khi chưa tự lo được kinh tế, mình chỉ tập trung mua sắm, chi tiêu cho nhu cầu bản thân như quần áo, giày dép, mỹ phẩm hoặc các chuyến du lịch bởi vì lúc ấy vẫn đang sống cùng bố mẹ nên việc lựa chọn thiết bị gia đình với mình chưa cần thiết lắm. Gần như chỉ để thỏa mãn đời sống cá nhân nên mình ưu tiên vào chất lượng sản phẩm.
Nhưng khi kinh tế đã ổn định hơn cũng là lúc mình có gia đình riêng, có cuộc sống riêng nên mình cần mua sắm đồ đạc, thiết bị gia đình rất nhiều. Quan điểm của vợ chồng mình là tiêu dùng bền vững nên bọn mình ưu tiên chọn những món đồ đắt 1 chút nhưng chất lượng tốt và giá trị sử dụng lâu dài.
Mình thường sắp xếp tiêu chí sử dụng cho 1 món đồ đó là: Công năng sử dụng, tính thẩm mỹ, tần suất sử dụng rồi mới đến giá thành".
*TikToker kiêm đồng sáng lập nhóm sống ngăn nắp theo phong cách Nhật: Xoay vần theo trend
Cũng giống như Nguyễn Ngọc Anh, chị Linh Lê (31 tuổi, sống tại TP. HCM, hiện đang chủ kênh "Việc nhà không là việc vặt", đồng thời là người đồng sáng lập - Admin nhóm Ngăn Nắp Phong Cách Nhật) cũng ở chung với ba mẹ khi còn đi học.
"Khi còn đi học, vì vẫn ở chung với ba mẹ nên gần như mình không mua hay quan tâm tới những món đồ gia dụng gia đình. Thay vào đó, mình sẽ tập trung vào mua sắm những món đồ cho bản thân, ví dụ như: quần áo, dụng cụ học tập, mỹ phẩm và những đồ tiện ích khác để thuận tiện sử dụng trong 1 căn phòng nhỏ theo nhu cầu của riêng mình thôi. Lúc đó, tiêu chí lựa chọn đồ của mình là theo ‘trend’ (tạm dịch: xu hướng), phải mới, chỉ sử dụng vài ba lần thôi cũng được, phải hay ho và thể hiện được cái gu, cái bản sắc của mình. Nhiều khi còn không quan tâm tới chất lượng của những món đồ đó nữa cơ”- chị Linh Lê chia sẻ.
Tuy nhiên có 1 vấn đề vào thời điểm đó là, vì mình còn trẻ và không có kĩ năng quản lý tài chính nên dù bây giờ, khi điều kiện tài chính đã khá hơn thì mình mới nhận ra những sai lầm của việc chọn đồ theo trend và dần chuyển sang mua sắm những món đồ có chất lượng", chị Linh Lê nói thêm.
Nhìn chung, khi lựa chọn để mua một món đồ, chị Linh cho biết nó phải đáp ứng được các tiêu chí và thứ tự như sau: Thẩm mỹ, công năng, tần suất sử dụng và cuối cùng là giá thành.
Đâu là thước đo cho mọi sự hoàn hảo của một quyết định được đưa ra?
Nhiều người cứ mải loay hoay giữa 2 tiêu chí: "thích nhất hoặc ghét nhất", "tốt nhất hoặc tệ nhất" để đánh giá 1 món đồ sau khi sử hữu thông qua việc tìm tòi và nghiên cứu kĩ lưỡng các thông tin cần thiết. Và đương nhiên, ngay cả khi ai cũng muốn hướng bản thân tới những thứ tốt nhất thì không phải lúc nào điều đó cũng xảy ra.
"Mình đã từng mua rất nhiều đồ decor. Lúc mua, mình lựa kĩ lắm nên thấy món nào cũng hay nhất, tốt nhất cả. Mà đến cuối cùng không sử dụng hết nên thành ra chính những món đồ đó lại làm cho không gian trở nên rối mắt và luộm thuộm.
Ví dụ như mình đã từng mua một chiếc ghế mây thư giãn, một chiếc lò nướng đắt tiền... Nhưng kết quả là nó rất chiếm diện tích trong nhà, chất lượng thì cũng không rõ lắm vì mình không bao giờ sử dụng", chị Phương chia sẻ.
Trong khi đó, tuy đã vạch rõ các tiêu chí, chị Linh Lê cũng cho biết đã rất nhiều lần vào trường hợp mua đồ liền không thích nữa hoặc chỉ dùng được vài lần là hỏng.
"Đó là những lần mua sắm đồ để giải tỏa 1 cảm xúc nào đó ở trong mình bằng việc đi shopping, mua về thì cảm thấy mất hứng, không còn yêu thích nữa nhưng vì vừa mới mua về rồi nên cũng không biết phải làm sao với nó. Lại cũng có những thứ nhìn ở cửa hàng thì đẹp, thì nghĩ đó chắc chắn là sản phẩm tốt nhất rồi vì giá cũng cao. Nhưng tiếc thay, về nhà có khi lại thấy thất vọng.
Ở thời điểm này, mình có thêm 1 sai lầm nữa là đã chọn được sản phẩm chất lượng rồi nhưng lại bị lậm vào thói quen mua món đồ quá nhiều, trong khi tần suất sử dụng cái đó không cần thiết như thế", chị Linh Lê nói.
Nhưng cũng nhờ những lựa chọn đó, các chị em mới có thể nhận ra nhiều bài học cho riêng mình.
"Ẩn sau thói quen này là do mình không xác định được thứ tự ưu tiên của bản thân mình trong từng thời điểm nên không đủ nhạy bén để nhận ra sự thay đổi của mình trong từng thời điểm thì đồ đạc ở chung quanh mình cũng sẽ chạy theo thứ tự ưu tiên đó.
Chưa kể, khi mình chuyển qua 1 giai đoạn mới của cuộc đời thì mình cũng sẽ cố gắng tìm hiểu thật nhiều thông tin vì lúc này, những món đồ sẽ khác trước rất nhiều. Vì vậy, mình phải học hỏi bằng cách trải nghiệm rất nhiều. Đồng thời, mình cũng là người dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như: KOC, KOL hay các reviewer,..."- chị Linh Lê nói thêm.
Cái khéo léo vừa vặn của “tốt hơn” so với “tốt nhất”?
Nhìn chung, điều tệ nhất trong việc đưa ra lựa chọn là chúng ta không thể có đủ dữ liệu để quyết định chính xác. Nhưng chúng ta hoàn toàn không có một chuẩn mực, thước đo nào có thể làm được việc ấy.
Không có lựa chọn nào là đúng hay sai hoàn toàn - chỉ có lựa chọn tốt hơn, chẳng hạn như các "lựa chọn thông minh" khi kinh tế còn chưa vững, cho tới "lựa chọn tận hưởng" khi điều kiện sống đã ổn định. Các lựa chọn tưởng chừng như đã tính toán rất kỹ lưỡng về sự mưu cầu lại có 1 mẫu số chung là cảm giác hạnh phúc.
Như chị Linh Lê đã chia sẻ, bài học lớn nhất mà chị nhận ra được sau rất nhiều mua đồ chính là bài học về sự phù hợp.
"Một món đồ dù tốt đến đâu mà không phù hợp với mình, với cá tính của mình thì mình nghĩ đó vẫn chưa phải là 1 sự lựa chọn đúng.
Tuy nhiên, mình cũng nghĩ rằng, chúng ta không nên tìm món đồ tốt nhất, mà nên tìm những món đồ "spark joy" - nghĩa là một món đồ mang đến cho trái tim của mình cảm giác lấp lánh ánh sáng, khiến cho mình yêu thích và phản ánh đúng bản thân mình ở thời điểm hiện tại và phục vụ cho sự phát triển của mình, con người mà mình muốn trở thành là được.
Bởi vì, càng cố gắng tìm kiếm 1 món đồ tốt nhất thì bạn càng dễ kì vọng và khi mọi thứ không như ý, bạn sẽ thất vọng gấp đôi (hoặc nhiều lần)"- chị Linh Lê nói tiếp.
Trong khi đó, dù thừa nhận chưa từng có lần nào mua đồ nào gây thất vọng nhờ quan điểm tiêu dùng bền vững, luôn cân nhắc thật kỹ trước khi mua 1 món đồ nào đó nhưng Ngọc Anh cũng cho rằng, chúng ta nên chọn “tốt hơn”, không phải “tốt nhất”.
"Theo mình thì chúng ta cần phải thực sự hiểu bản thân mình muốn mua cái gì, món đồ đó có thực sự cần thiết và đáp ứng nhu cầu của mình hay không. Hãy vạch ra 1 vài tiêu chí để mua sắm bạn sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc chọn đồ đó. Cũng không nên chăm chăm tìm kiếm món đồ tốt nhất, hãy tìm kiếm món đồ phù hợp nhất với cá nhân mình" - Ngọc Anh cho biết.