Niềm tin về sự tồn tại của quỷ dữ đã trở nên quen thuộc, nhờ sự phổ biến của phim ảnh, game và truyện. Hầu như mọi tôn giáo đều tin rằng con người có thể bị ám bởi vong hồn, quỷ dữ, và có thể làm lễ trừ tà, đuổi vong để trục xuất chúng.
Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể giữa những vong hồn, quỷ dữ trên phim ảnh so với ngoài đời. Hiển nhiên, chúng đã được phóng đại nhằm thu hút thêm sự chú ý. Bởi trong thực tế, chuyện ma quỷ nhập lại vô cùng khô khan, kém ly kỳ.
Hollywood và quỷ ám
Hollywood đã tận dùng niềm đam mê của công chúng với hiện tượng quỷ ám và trừ tà, nhằm tạo ra hàng loạt bộ phim với dòng chữ "Dựa trên câu chuyện có thật" ở đầu. Có vô vàn vụ trừ tà ngoài đời đã được làm lại thành phim, như Lễ trừ tà cuối cùng, Lễ trừ tà của Emily Rose, Ám ảnh kinh hoàng, v.v... Bộ phim nổi bật hơn cả trong dòng phim này, dĩ nhiên là Quỷ ám (The Exorcist).
Nhiều tuần sau khi bộ phim ra mắt vào năm 1974, giáo hội công giáo ở Boston đã nhận được rất nhiều yêu cầu trừ tà. Người đã viết kịch bản và tiểu thuyết cho bộ phim này là William P.B, sau khi đọc bài báo về một cậu bé ở Maryland được trừ tà. William tin rằng đó là chuyện có thật, mặc dù các điều tra sau đó cho thấy đây chỉ là một mẩu báo giật gân không đáng tin.
Vụ quỷ ám của Roland Doe được xem là câu chuyện có thật phía sau The Exorcist
Về sau, tác giả Michael Cuneo đã "lật tẩy" câu chuyện này, cho rằng The Exorcist chỉ thể hiện những gì người hiện đại muốn thấy ở hiện tượng quỷ ám, trừ tà. Bộ phim đơn thuần chỉ là hư cấu, dựa trên nhật ký của một linh mục. Quả thực đã có một cậu bé phải trừ tà, nhưng các chi tiết đẫm máu, khiếp đảm, giật gân trong phim hoàn toàn là phóng đại, bịa đặt, thêm thắt vào.
Trừ tà ngoài đời khác như thế nào?
Trong thực tế, lễ trừ tà không được thực hiện bừa bãi, mà phải thông qua sự cho phép của nhà thờ, giáo hội. Đồng thời, người trừ tà phải là một giáo sĩ hoặc tu sĩ đã được huấn luyện.
Theo lý thuyết, dấu hiệu quỷ ám bao gồm có "siêu sức mạnh" thể chất, sợ nước thánh và có thể nói bằng ngôn ngữ chưa từng biết đến. Các dấu hiệu khác bao gồm nhổ nước bọt, chửi rủa, nóng giận, phá phách.
Tuy nhiên, sau khi tham dự 50 buổi trừ tà nhằm biên soạn sách, Michael Cuneo đã chỉ ra rằng ông chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì gọi là siêu nhiên hay không thể giải thích. Không có chuyện bay lên không trung, bẻ ngoặt đầu ra sau, hay đột nhiên những vết cào xước xuất hiện trên thân thể. Hiển nhiên, cũng không có những chuyện kỳ bí xảy ra như trong phim kinh dị. Thay vào đó, trừ tà giống như một biện pháp dành cho người mắc rối loạn tâm lý, tâm thần mà thôi.
Thực tế, đã có nhiều vụ trừ tà ngoài đời dẫn đến kết quả chết người. Năm 2003, một cậu bé 8 tuổi mắc bệnh tự kỷ ở Wisconsin đã bị giết trong một lễ trừ tà. Buổi lễ được tổ chức bởi giáo hội nhà thờ, họ đổ lỗi cho quỷ dữ đã gây ra bệnh tật ở cậu bé.
Năm 2005, một nữ tu trẻ tuổi ở Romania đã chết trong tay các giáo sĩ trong một buổi trừ tà. Cô bị trói vào một cây thánh giá lớn, và bị bỏ mặc nhiều ngày mà không được ăn hay uống nhằm trục xuất quỷ.
Một trường hợp khác xảy ra vào năm 2010 ở London, một cậu bé 14 tuổi tên Kristy Bamu đã bị đánh và dìm chết trong lúc thực hiện lễ trừ tà, trục xuất quỷ.
Như vậy, có lẽ không phải lúc nào "cái thiện" cũng thắng được quỷ dữ, nhất là ở thế giới chúng ta đang sống. Những câu chuyện trừ tà, mê tín dị đoan rốt cuộc cũng chỉ là những gì con người muốn xem nhằm thỏa mãn lòng hiếu kỳ của bản thân.
Bạn đọc có thể thảo luận, trao đổi thêm về câu chuyện này cũng như các tác phẩm kinh dị khác tại ĐÂY.