Tuy nhiên, nhiêu đó vẫn chưa phải là tất cả và cũng chưa đủ để khiến những người có thành kiến về manga/anime, đặc biệt là các bậc phụ huynh lớn tuổi có cái nhìn khác về hình thức giải trí này. Vậy nên, hôm nay cùng mình đi tìm hiểu tiếp về manga và anime nhé!
Phân chia độ tuổi người coi
Cho tới tận bây giờ, vẫn có rất nhiều người có suy nghĩ rằng anime và hoạt hình (cartoon) là giống nhau, đều chỉ dành cho trẻ con và luôn trêu chọc những otaku khi họ đã lớn rồi mà vẫn coi hoạt hình. Còn có những người lại có suy nghĩ rằng anime/manga là một thứ gì đó rất vô bổ, không thực tế, không có tính giáo dục hay giá trị đạo đức và không đáng để coi. Từ đó, họ trở nên coi thường những otaku luôn giải trí bằng anime và manga.
Tuy nhiên, suy nghĩ ấy hoàn toàn là không đúng. Bởi trên thực tế, anime và manga là một tầng văn hóa đa dạng, trong đó có các tác phẩm dành cho mọi lứa tuổi kể cả trẻ em, cũng có những tác phẩm chỉ dành riêng cho người lớn hay ở một số độ tuổi nhất định, cũng như có cả loạt phim hay truyện kể về anh hùng sử thi với những âm mưu đầy hấp dẫn đáng kinh ngạc cùng với những câu chuyện lãng mạn học đường nhẹ nhàng nhưng không quá phức tạp. Có thể nói, anime/manga có rất nhiều thể loại không thua kém gì khi so với những bộ phim do người đóng. Và hôm nay, cùng mình đi tìm hiểu xem anime/manga được phân chia theo độ tuổi khán giả như thế nào nhé!
Kodomo
Đây là anime/manga dành cho trẻ em dưới 12 tuổi. Điểm nổi bật của dạng hoạt hình này là nhân vật rất dễ thương, cốt truyện thì đáng yêu và đơn giản nhưng cũng không kém phần “trẻ con”. Chính vì vậy, nên đôi khi Kodomo cũng rất được nhiều người lớn yêu thích bởi sự dễ thương của nó, điển hình như bộ anime/manga huyền thoại Doraemon.
Shounen
Shounen là anime/manga chủ yếu hướng tới các khán giả là nam giới trong độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi. Thể loại này đa số là khai thác tâm lý và ý chí kiên cường vì một mục đích cao cả nào đó mà bản thân nhân vật đã đặt ra, kết hợp với những phân cảnh chiến đấu đầy gay cấn mà không một khán giả nam nào có thể rời mắt được. Nhưng cũng chính vì sự đặc sắc từ những cuộc chiến ấy mà thể loại này cũng không ít lần thu hút cả khán giả nữ.
Shoujo
Shoujo là anime/manga dành cho các thiếu nữ từ 12 đến 18 tuổi. Trong cốt truyện của Shoujo hầu như đều sẽ có những câu chuyện tình yêu đầy lãng mạn phù hợp với trái tim mộng mơ của những cô gái mới lớn. Tuy nhiên, mức độ thân thiết của các cặp đôi trong Shoujo sẽ tùy thuộc vào độ tuổi mà tác phẩm đó muốn hướng đến để điều chỉnh độ nặng nhẹ trong việc các nhân vật được tiếp xúc thân mật với nhau. Điều này sẽ giúp cho các thiếu nữ dễ tiếp cận với tác phẩm hơn, có nhận thức đúng hơn về các mối quan hệ trai gái và đặc biệt là tránh gây sốc tâm lý cho họ khi coi phải tác phẩm không phù hợp với độ tuổi. Đồng thời, tránh đi việc sụp đổ hình tượng nhân vật trong lòng khán giả nữ.
Về sau, thể loại Mahou Shoujo (nói về những thiếu nữ có pháp thuật chiến đấu với thế lực xấu xa) như Sailor Moon, Cardcaptor Sakura, Shugo Chara dần nổi lên và rất được yêu thích từ khán giả nữ cho tới khán giả nam. Vì đâu một anh chàng nào có thể chống lại được sự quyến rũ của một cô nàng xinh đẹp mà còn sở hữu phép thuật nhỉ? Sau này, thể loại Mahou Shounen (phiên bản nam giới của Mahou Shoujo) cũng được ra đời và nhận được nhiều sự yêu mến từ các khán giả cả 2 giới. Tới nay, thể loại này vẫn đang được phát triển mạnh mẽ.
Seinen
Khác với Shounen là dành cho nam giới vị thành niên, thì Seinen lại là anime/manga dành cho nam giới trưởng thành từ 18 đến 40 tuổi. Đặc điểm nổi bật của thể loại này là thường có phong cách nghệ thuật đa dạng và phong phú hơn về chủ đề, từ ngữ, hành động hay thậm chí còn có tính chất “người lớn”. Không những vậy, Seinen còn chú trọng tới yếu tố tâm lý, châm biếm và sự phát triển của nhân vật nhiều hơn so với Shounen.
Josei
Nếu Shoujo là dành cho nữ vị thành niên thì Josei sẽ dành cho nữ trưởng thành. Thể loại này thường hướng tới những người phụ nữ trong độ tuổi từ 18 tới 45. Khác với sự mộng mơ và những hành động lãng mạn lý tưởng trong thâm tâm của những cô nàng mới lớn, thì Josei lại là thể loại kể về những người con gái đã thật sự trưởng thành thông qua những kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày của họ. Phong cách của Josei cũng hướng đến là một phiên bản tự chủ và thực tế hơn của shoujo. Những câu chuyện tình cảm hay những hành động lãng mạn cũng thực tế hơn. Thể loại này có thể đánh vỡ đi những giấc mộng ngọt ngào mà Shoujo đã tạo ra cho những thiếu nữ mới lớn.
Từ Josei thỉnh thoảng còn được sử dụng trong anime/manga với mục đích ám chỉ các nhân vật nam có sở thích “làm phi công” (đối lập với lolicon).
Coi tới đây, chắc hẳn các bạn cũng đã hiểu hơn về anime/manga rồi nhỉ? Nếu sau này bạn có gặp một ai đó coi thường về anime/manga thì chứng tỏ họ chưa thật sự hiểu rõ về hình thức giải trí này. Hãy đưa họ đọc bài viết này cùng với câu nói “đừng cho rằng anime/manga chỉ dành cho một ai đó! Vì nó dành cho tất cả mọi người, tất cả mọi lứa tuổi!”.