Sức ảnh hưởng của anime và manga đối với xã hội

Anime và manga là một nền công nghiệp giải trí phổ biến đối với người Nhật và những thanh thiếu niên khác trên toàn thế giới.

Không chỉ đơn thuần là sản phẩm để giải trí, nó còn có sức ảnh hưởng rất to lớn đối với xã hội và con người. Vậy anime và manga đã ảnh hưởng gì tới xã hội và những nền công nghiệp khác? Nó có những tác động to lớn nào đối với con người? Những tác động và ảnh hưởng đó là lợi hay hại? Cùng mình đi tìm hiểu nhé!

Sức ảnh hưởng của Tsubasa đối với nền công nghiệp bóng đá

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, nền bóng đá Nhật Bản tương đối non trẻ và được rất ít người yêu thích, còn bóng chày và Sumo thì lại được xem là những ông vua của đất nước này. Lúc bấy giờ, họa sĩ Takahashi Yoichi đang tìm ý tưởng cho tác phẩm mới của mình và những điều trên đã ảnh hưởng rất lớn đối với ông, khiến mangaka này phải phân vân giữa lối đi truyền thống và đổi mới.

Tới khi World cup 1978 tổ chức ở Argentina được truyền hình trực tiếp tại Nhật Bản đã thay đổi quyết định của Takahashi Yoichi. Những đường bóng mê hoặc của Mario Kempes đã thu hút vị mangaka này khiến Takahashi không còn quan tâm gì tới 2 bộ môn thể thao truyền thống của Nhật nữa, thay vào đó ông quyết định lựa chọn hướng đi mới dù cho ngày đó bóng đá không được yêu thích tại Nhật. Chính quyết dịnh này của Takahashi đã thay đổi một nền công nghiệp bóng đá Nhật và ảnh hưởng không nhỏ tới những cầu thủ bóng đá nổi tiếng thế giới sau này. 

Với niềm tin và nguồn cảm hứng bất tận của mình, Takahashi đã tạo ra Tsubasa OOzora – nhân vật chính trong bộ anime/manga Tsubasa – Huyền Thoại Sân Cỏ. Trải qua bao nhiêu khó khăn thử thách như bị các nhà xuất bản ghẻ lạnh hay bị nhiều người cho rằng tác phẩm này sẽ khó thành công thì cuối cùng, Tsubasa đã thu về cho mình một lượng fan vô cùng đông đảo. Đối với nhiều người Nhật lúc bấy giờ, Tsubasa – Huyền Thoại Sân Cỏ không chỉ đơn giản là câu chuyện sân cỏ, mà nó còn là kì tích về nghị lực, đam mê thể thao cháy bỏng của nhân vật Tsubasa trong truyện.

Chính hình ảnh đó đã truyền động lực cho nhiều cậu bé thập niên 90 – 2000 theo đuổi đam mê cùng với trái bóng tròn. Chưa dừng lại tại đó, ở cuối bộ manga, Tsubasa đã khẳng định rằng, một ngày nào đó cậu sẽ đưa Nhật Bản tham gia vào World Cup. Cũng chính câu nói đó đã thay nhiều thế hệ cầu thủ Nhật bộc lộ ra quyết tâm của họ, để rồi 17 năm sau đất nước mặt trời mọc đã có thể thực hiện hóa được lời nói của nhân vật 2D này. 

Sự xuất hiện của Tsubasa đã kích thích tình yêu bóng đá cho nhiều thế hệ thanh niên Nhật Bản, tiêu biểu là trường hợp của tiền vệ kì cựu Hidetoshi Nakata. Ban đầu, anh chàng vốn không đam mê hay có cho mình một thần tượng bóng đá nào cho tới khi bộ manga/anime Tsubasa – Huyền Thoại Sân Cỏ xuất hiện khiến anh cảm thấy hứng thú với bộ môn thể thao này và quyết định lựa chọn bóng đá khi lên trung học thay vì bóng chày – bộ môn được yêu thích nhất lúc bấy giờ tại Nhật.

Không chỉ vậy, Tsubasa còn truyền cảm hứng tình yêu bóng đá cho nhiều cầu thủ quốc tế như Fernando Torres, Lionel Messi hay Francesco Totti. Họ đã thừa nhận rằng một trong những lý do những cầu thủ nổi danh ấy yêu thích môn bóng đá là nhờ vào tác phẩm Tsubasa – Huyền Thoại Sân Cỏ.

Anime/manga phản ánh những hiện thực tàn nhẫn

Bên cạnh nhiệm vụ truyền cảm hứng, anime/manga còn lên án và khắc họa những hiện thực tàn nhẫn, xã hội trần trụi. Điển hình là vào những năm 70, ở Nhật xuất hiện những tình trạng đáng báo động về lối sống phóng túng, chạy theo vật chất và hưởng thụ từ trào lưu phương Tây hoá dẫn tới sự xuống cấp về mặt đạo đức. Khi ấy, những cô gái tuổi 15 – 16 trót dại mang bầu, sau đó đem con đi bỏ ở những tủ đồ cá nhân tại nhà ga sau khi đã sinh chúng ra.

Trước đây, những đứa trẻ sẽ thường được vứt bỏ ở những nơi dễ thấy nhất hay ở trước cổng nhà thờ kèm theo là 1 lá thứ tay hay vật dụng cá nhân. Sau này thì những cô gái trẻ chưa chồng, không đủ kinh tế nuôi con nên họ thường lén sinh và vứt bỏ chúng ở những nơi khó phát hiện nhất vì họ không muốn mất mặt và tránh gặp rắc rối với cha mẹ và bạn bè của mình. 

Những hành vi ấy lúc bấy giờ được xem là hành động vô nhân tính bởi đứa trẻ sẽ có thể bị ngạt thở hoặc các bé không được ai phát hiện ra cho tới khi có mùi hôi thối xuất hiện. Trung bình mỗi ngày tại Tokyo có 10 vụ mẹ bỏ con, có hôm con số ấy lên thành 18. Điều ấy khiến cảnh sát bắt buộc phải ra tay, tuy nhiên những bà mẹ ấy sau khi bị bắt vẫn trở nên vô cảm, lạnh lùng và không hề hối lỗi trước hành vi sai trái của mình.

Thấy được những hình ảnh thương tâm đó, các nhà văn và họa sĩ manga đã thể hiện tình trạng nhức nhối này vào trong tác phẩm của mình như Những Đứa Trẻ Bị Bỏ Rơi Trong Tủ Gửi Đồ của Murakami Ryu, Bác Sĩ Quái Dị của Tezuka Osamu hay Giết Bớt Người Đi của Fujiko F.Fujio. Những tác giả ấy muốn dùng tác phẩm của mình để cảnh tỉnh những bà mẹ máu lạnh kia, vì biết đâu sau khi đọc những trang sách đen tối này, những người phụ nữ ấy sẽ suy nghĩ lại mà mang con tới nhà thờ hay cô nhi viện thay vì nhét chúng vào tủ giữ đồ lạnh lẽo.

Dr.Stone khơi dậy tình yêu hóa học

Nhắc tới hóa thì chắc hẳn ai cũng sẽ cảm thấy sợ hãi với bộ môn kinh điển này. Tuy nhiên, ở Nhật có một cậu bé mới học mẫu giáo đã sinh ra một tình yêu mãnh liệt với môn học đáng sợ này sau khi coi Dr.Stone. Theo mẹ cậu bé cho biết, em cuồng bộ môn này đến độ tìm và viết ra những công thức hóa học cho loại thuốc mà bản thân đã nhận được sau chuyến tham quan ở bệnh viện. Không chỉ vậy, nhóc mẫu giáo ấy thậm chí còn chưa đọc nổi chữ Kanji nhưng lại viết ra được hàng lọat công thức hóa hức một cách thành thạo. 

Thấy các hành động đậm chất thiên tài nhí đó, mẹ cậu bé chỉ biết cười khổ, thậm chí cô ấy còn bày tỏ nỗi ám ảnh của con trai mình đối với bộ anime phổ cập kiến thức hóa học Dr.Stone này đến mức tìm tòi và viết lại các công thức hóa học và thành phần trong từng loại thuốc tây. 

Girl running with toast làm giảm tiêu thụ gạo

Hình ảnh các nhân vật 2D ngậm bánh mì trong miệng và chạy như bay tới trường đã không còn xa lạ gì, và chúng ta luôn thấy cảnh đó trong các bộ anime về học đường. Thế nhưng mới đây, chính quyền Niigata – nơi nổi tiếng về sản lượng lúa đã thẳng thừng đổ lỗi cho anime về việc làm ảnh hưởng tới năng xuất gạo Nhật Bản bằng cách công bố một video với nội dung “tại cảnh Girl running with toast luôn lặp đi lặp lại theo thời gian khiến những người trẻ tuổi liên tưởng bữa sáng luôn phải gắn với bánh mì khiến năng xuất tiêu thụ gạo bị đi xuống”.

Chính vì điều này mà các nhà cầm quyền đã gán ghép ngay cho ngành công nghiệp anime/manga cái mác “kẻ hủy diệt mùa màng”, khiến cho các otaku chỉ biết ngỡ ngàng trước cái lý do buộc tội “xàm xí” này.