Mua laptop , thời lượng pin là một trong những tiêu chí hàng đầu được chúng ta quan tâm và săn đón, đặc biệt gần đây có những thương hiệu quảng cáo thời lượng pin chạm ngưỡng 10-15 tiếng đồng hồ trong một lần sạc đầy và sử dụng. Tuy nhiên, đó có phải sự thật 100%, và liệu các nhà sản xuất laptop có đang "lừa dối" người dùng một cách đầy ẩn ý từ trước tới nay?
Có một tin tốt và một tin xấu ở đây: Các công ty không hoàn toàn nói dối, cũng họ cũng... không hẳn thành thật từ tận đáy lòng với chúng ta khi giới thiệu sản phẩm.
Tại sao họ lại phải giấu giếm một phần độ xác thực của chất lượng pin sản phẩm? Có lẽ một phần đến từ chính văn hóa chung của toàn ngành công nghệ laptop, khi gần như cái tên nào cũng được nói quá lên một chút về thời lượng kéo dài sử dụng.
Thử tưởng tượng một gương mặt nào đó bỗng nhiên tự lên tiếng đưa ra con số chân thực nhất dựa trên điều kiện thực tế, chắc chắn đó sẽ là một nước cờ sai lầm vì hình ảnh của mình sẽ thua kém so với những đối thủ còn lại.
Nếu các công ty làm laptop đang nói dối người dùng, vậy tại sao không có ai chịu đứng lên phản kháng, hay các cơ quan chính quyền không vào dọn dẹp và xử phạt vấn đề này? Đáng tiếc là, như đã đề cập, họ không thực sự nói dối chúng ta, vì thế không phải cứ muốn bắt bẻ là được.
Thời lượng tối đa lên đến...
Nếu bạn để ý kỹ mỗi lần đi tìm mua laptop mới, các nhân viên chào hàng cũng như tờ giới thiệu sản phẩm luôn có dòng chữ diễn giải thời lượng pin được đi kèm cụm từ "tối đa lên đến...". Sau đó, những thành tích pin tích cực nhất sẽ được thêm vào để thu hút con mắt tò mò từ khách hàng.
Cụm từ trên trông tưởng như nhỏ bé và không có ích gì nhưng hóa ra lại rất lợi hại. Chỉ cần viết như vậy, toàn bộ ý nói của nhà sản xuất sẽ được hiểu theo một hướng có lợi cho họ, rằng ngưỡng tối đa trên chỉ xảy ra ở điều kiện hoàn hảo và lý tưởng nhất, chứ chưa chắc đã đạt được trong môi trường làm việc khách quan thông thường.
Nói cách khác, điều này cũng đồng nghĩa với việc kể cả khi bạn chỉ sạc được hiệu quả 50% so với lời quảng cáo trên, cũng chẳng có cách nào để kiện được lời lẽ ban đầu của nhà sản xuất.
Thông số cụ thể đều dựa vào thời gian thử chạy video
Thử nghĩ mà xem, nếu như họ đã tính việc nói nước đôi để tránh bị người dùng vặn vẹo, vậy tại sao họ lại lấy được con số đặt sau cụm từ "tối đa" trên? Câu trả lời rất đơn giản: Các công ty sẽ thử nghiệm sản phẩm đang đầy pin 100%, để chơi video lặp lại liên tục tới khi nào pin cạn hoàn toàn. Thời gian tiêu tốn đó sẽ được chọn làm mức tối đa và lý tưởng cho lời giới thiệu.
Được rồi, cứ cho là vậy đi. Thế còn việc chọn đối tượng thử nghiệm là chạy video, sao cứ nhất thiết phải là như vậy mà không phải một cách thức khác? Hóa ra việc xem một video liên tục lại có khả năng tiêu tốn pin khá chậm, không hề ngốn nhiều như đa số mọi người thường nghĩ so với những tác vụ thường ngày khác cần tới nhiều ứng dụng cùng lúc.
Kể cả khi đây là một bài kiểm tra khá lý thuyết và không thực tế - vì có ai lại dành cả hơn chục tiếng/ngày chỉ để cày video cơ chứ - thì dường như họ cũng không quan tâm và để tâm lắm đâu.
Về lý do vì sao laptop lại có khả năng tiêu tốn ít pin khi xem video, từ đó cho ra kết quả tốt khi thử nghiệm, đó là nhờ một chế độ đặc biệt có sẵn trên hệ thống của laptop (cũng như nhiều smartphone tiên tiến).
Bộ phận xử lý đồ họa của máy sẽ liên tục đảm nhận nhiệm vụ giải mã hình ảnh cho video, hỗ trợ chip xử lý san sẻ gánh nặng nên điện năng sẽ được giảm thiểu. Rất đơn giản, tính năng này sẽ tự động được kích hoạt khi máy nhận biết có video đang chạy.
Dự đoán thời lượng pin còn lại trên laptop liệu có đúng?
Tiếp tục là một sự thật mất lòng nữa dành cho bạn: Thời lượng % pin còn lại đang sử dụng trên laptop cũng không hẳn chính xác như những con số mà cỗ máy hiện lên. Nhiều lúc, từ 5 tiếng còn lại bỗng sụt chỉ còn 2 tiếng là chuyện bình thường.
Nghe có vẻ khó tin nhưng đúng là vậy đó. Laptop sẽ dựa vào hoạt động mà chủ nhân đang thực hiện lúc bấy giờ để tính toán, nhưng một khi bạn chuyển cường độ làm việc sang một ứng dụng nặng hơn, thói quen ước lượng của laptop cũng phải thích nghi theo. Lúc trước, bạn đang lướt web và pin báo còn 3 tiếng nữa mới hết.
Lúc này, bạn mới bật app dựng phim lên để thao tác một vài thứ, pin ngay lập tức cho biết còn... 1 tiếng để dùng. Một câu chuyện quá đỗi bình thường và chua xót.