Glock là loại súng ngắn bán tự động do công ty Glock GmbH ở Deutsch-Wagram, Áo sản xuất. Súng được ra mắt năm 1980, và cho đến nay Glock đã trở thành sản phẩm mang lại lợi nhuận cao nhất cho công ty cũng như được các cơ quan chấp pháp tại Hoa Kỳ tin dùng. Vậy súng ngắn Glock có gì đặc biệt để chinh phục được đội ngũ đặc nhiệm, đặc vụ của thị trường khó tính Hoa Kỳ?
Glock – Cải tiến vượt bậc trong công nghệ vũ khí
Cha đẻ của súng Glock là kỹ sư Gaston Glock – người sáng lập công ty GmbH. Gaston Glock có nhiều kinh nghiệm về thiết kế súng cầm tay, tuy nhiên ông lại có hiểu biết rộng về chất liệu polyme tổng hợp tiên tiến. Nhờ đó, Glock đã sử dụng vật liệu này để làm lên điểm đặc biệt trong thiết kế của công ty và thành công với mô hình polyme đầu tiên mang tên mình.
Súng Glock cho đến nay có khoảng 23 loại biến thể được phân theo kiểu đạn: 9x19mm Parabellum (Glock 17, 18, 19, 26, 34); 10mm Auto (Glock 20, 29); .45 ACP (Glock 21, 30, 36); .40 S&W (Glock 22, 23, 24, 27, 35); .380 ACP (Glock 25, 28); .357 SIG (Glock 31, 32, 33); .45 GAP (Glock 37, 38, 39).
Súng Glock đã chinh phục lực lượng đặc nhiệm Mỹ như thế nào?
Được chế tạo từ vật liệu polyme nên ban đầu súng Glock bị phản đối nhiều tại thị trường, bởi người ta lo ngại về độ bền và an toàn của khẩu súng nhựa này. Tuy nhiên, một cách chậm chạp, súng Glock đã dần chinh phục được quân đội Mỹ.
Năm 1977 – 1983, Hoa Kỳ thực hiện Chương trình Vũ khí Bộ binh Liên quân (JSSAP) để chọn phương án thay thế hơn 20 loại súng ngắn trong biên chế. Ở đợt thử nghiệm đầu tiên năm 1977, súng ngắn Beretta 92 giành chiến thắng. Năm 1983, dù tập đoàn Glock được mời tham gia, nhưng vì bị phân tâm khi phải hoàn thành hợp đồng chế tạo vũ khí cho quân đội Áo, mẫu Beretta 92 vẫn tiếp tục chiến thắng.
Dù M9 được đánh giá là mẫu súng ngắn hiện đại, an toàn và dễ sử dụng với số đạn gấp đôi Colt M1911A1 – loại súng quy chuẩn trước đó của Mỹ. Thế nhưng năm 1986, tai nạn khi hộp khóa nòng M9 nứt gãy và văng vào mặt, khiến một lính SEAL bị thương nhẹ. Điều này khiến SEAL muốn tìm mẫu súng khác để thay thế. Ban đầu, SEAL lựa chọn dòng Sig Sauer P226 và một số lượng ít súng HK P9S được trang bị bộ phận giảm thanh, có thể khai hỏa dưới nước.
Năm 2000, quân đội Mỹ bắt đầu sử dụng những khẩu Glock đầu tiên. Đơn vị đầu tiên được trang bị súng Glock là đặc nhiệm Delta Force, họ sử dụng phiên bản Glock 22 cỡ nòng 10mm nhằm giảm chi phí bảo dưỡng (M1911 có chi phí đắt đỏ). Hơn nữa, Glock 22 tỏ ra thích hợp với môi trường sa mạc, đáp ứng được yêu cầu tại các chiến dịch quân sự tại Afghanistan và Iraq.
Sau khi Glock 22 hoạt động hiệu quả, năm 2006, một đơn vị lục quân đã mua biến thể Glock 19. Những phản hồi tích cực về Glock 19 đã thúc đẩy Mỹ đưa Glock vào biên chế quân đội.
Từ năm 2015, các đơn vị đặc nhiệm của Mỹ dần bỏ mẫu súng M9 để trang bị đại trà Glock 19. Qúa trình tương tự cũng diễn ra với lực lượng SEAL lẫn đặc nhiệm thủy quân lục chiến (MARSOC).