Zeus là vị thần nổi tiếng nhất trong thần thoại Hy Lạp. Không chỉ nắm quyền lực tối cao của đình Olympus, Zeus còn thường xuyên được nhắc đến trong những vụ ngoại tình từ lãng mạn cho đến… siêu dị.
1. Zeus – Vị thần của bầu trời
Một trong số những lý do chính và quan trọng nhất khiến Zeus phải ngoại tình đó là việc vị thần này đại diện cho bầu trời. Trong quan niệm xưa ở phần lớn các nền văn hóa, bao gồm cả Hy Lạp, bầu trời luôn được ví với "Người cha" hay một nhân tố thúc đẩy cho quá trình sinh sôi, nảy nở của vạn vật. Thế nên, để lý giải cho các hiện tượng tự nhiên, người ta thường chọn cách ghép đôi thần cai quản bầu trời với những nữ thần khác nhau để tạo ra những vị thần mới. Tiêu biểu như Zeus được ghép đôi với Demeter – nữ thần mùa màng và cho ra đời Persephone, nữ thần đại diện cho mùa xuân. Hoặc Zeus và Leto để cho ra đời Apollo và Artemis – thần mặt trời và mặt trăng…
Bằng việc kể những câu chuyện về thần Zeus và các tình nhân, người Hy Lạp đã giải thích được phần nào đó sự xuất hiện của những sự vật, sự việc tự nhiên xung quanh họ.
2. Gán ghép phong tục thờ cúng
Người Hy Lạp cổ cũng có những công cuộc xâm chiếm các vùng đất mới. Tuy nhiên, để cai trị được những vùng đất này, họ buộc phải tìm cách hợp lý hóa sự xuất hiện và nắm quyền của bản thân. Cách thức đơn giản nhất được sử dụng là ghép các vị thần trong tín ngưỡng người bản địa vào hệ thống các vị thần Hy Lạp. Để làm được điều này, họ nghĩ ra những câu chuyện, truyền thuyết về việc Zeus kết duyên với các nữ thần bản địa, biến các nữ thần thành người phối ngẫu của ông vua đỉnh Olympus.
Bằng cách này, người dân bản địa dần tiếp nhận văn hóa, phong tục lẫn tín ngưỡng của cộng đồng người Hy Lạp.
3. Hậu duệ mang dòng dõi cao quý
Nếu ở phương Đông, tiêu biểu là Trung Hoa, người ta xem hoàng đế là thiên tử, thì Hy Lạp cũng có quan điểm gần giống như vậy. Các vị vua và anh hùng Hy-La đều muốn bản thân trở nên đặc biệt, có sự kết nối nào đó với những vị thần quyền năng, thế nên không thiếu trường hợp nhiều dòng họ tự nhận họ là con cháu của thần Zeus. Trong cuốn Historiai – bộ sử đầu tiên của loài người, tác giả Herodotus đã nhắc đến vương triều do các Herakleidai, những người tự nhận là con cháu của người anh hùng Herakles và một nữ nô lệ, cai trị.
Như vậy, cũng thật dễ hiểu nếu các anh hùng hay vua chúa đều tự nhận mình là "con cháu của Zeus" với một người phụ nữ phàm trần nào đó. Trong cuốn Zeus – A Study in Ancient Religioncủa học giả kiêm nhà khảo cổ học Arthur Bernard Cook, có đề cập đến chi tiết tác phẩm Nekyia của Homer kể lại chuyện Odysseus đi qua cái bóng của 14 vị anh hùng nổi tiếng và một trong số đó có nhắc câu chuyện của nàng Antiope. Nàng ta đã sinh ra hai người anh hùng sau khi Zeus giả dạng thành một người bình thường và đến ân ái với nàng.
Thần thoại không chỉ là những câu chuyện do người xưa tưởng tượng và kể lại. Nó còn là cách họ gửi gắm suy nghĩ, phản ánh xã hội mà họ sống cũng như quan điểm về thế giới xung quanh. Chính vì vậy, mỗi một câu chuyện thần thoại đều mang những lớp ý nghĩa thú vị và đôi khi không phải ai cũng hiểu rõ.
Như vậy, Zeus ngoại tình không phải một chi tiết điểm xuyến trong thần thoại Hy Lạp, mà nó hoàn toàn xuất phát từ những lý do rất thực tế, hợp lý cũng như được người Hy Lạp chấp nhận.