Một bộ quần áo vũ trụ bị ném ra khỏi trạm ISS
Đoạn video thử nghiệm dưới đây diễn ra giống hệt như cảnh trong một cơn ác mộng. Một bộ đồ vũ trụ bay ra khỏi Trạm vũ trụ ISS, trước khi trôi nổi một cách vô định trong khoảng không gian tăm tối của vũ trụ.
Thí nghiệm ném bộ đồ vũ trụ ra khỏi trạm ISS
Tuy nhiên, bạn có thể thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng không có phi hành gia nào qua đời trong quá trình thực hiện thí nghiệm này. Trên thực tế, chỉ có một chiếc máy phát vô tuyến và một đống quần áo cũ được nhồi bên trong bộ đồ vũ trụ Orlan của Nga, vốn biệt danh là Ivan Ivanovitch hoặc Mr Smith.
Theo đó, một số nhà khoa học đã nảy ra ý tưởng tận dụng các bộ đồ vũ trụ cũ để làm vệ tinh thu nhỏ có khả năng thu phát tín hiệu. Chúng được gọi là SuitSat (ghép lại của từ Suit – bộ đồ và Satellite – vệ tinh)
Vào ngày 3/2/2006, bộ đồ Suitsat 1, hay còn gọi là AMSAT-OSCAR 54, đã được phóng ra ngoài không gian để thử nghiệm. Tuy nhiên, thử nghiệm này nhanh chóng gặp thất bại, khi NASA cho rằng máy phát vô tuyến bên trong bộ đồ đã ngừng hoạt động ngay khi nó được phóng ra từ trạm ISS. Kết quả, SuitSat-1 đã trôi nổi vô định trên quỹ đạo của Trái Đất trong suốt vài tháng, trước khi lao vào bầu khí quyển và bốc cháy vào ngày 7/9/2006.
Thí nghiệm thả búa và lông vũ trên Mặt Trăng
Vào cuối thế kỷ 16, Galileo Galilei đã thả hai quả cầu có khối lượng không bằng nhau từ Tháp nghiêng Pisa ở Ý. Kết quả, cả hai quả cầu đều chạm xuống mặt đất cùng một lúc. Sau thí nghiệm này, Galileo khẳng định khối lượng không ảnh hưởng đến gia tốc trọng trường, qua đó phản bác lại những quan điểm đã có từ lâu.
Theo đó, tất cả các vật thể, bất kể khối lượng, đều phải rơi ở cùng một tốc độ. Tuy nhiên trên Trái đất, lập luận này của Galileo rất khó để chứng minh do sự tồn tại của lực cản không khí. Mãi đến gần 400 năm sau, một phi hành gia khi đứng trên trên Mặt trăng đã lặp lại thí nghiệm của Galileo để kiếm chứng.
Thí nghiệm thả búa và lông vũ trên Mặt Trăng
Vào ngày 2/8/1971, Chỉ huy David Scott của tàu Apollo 15 đã thả một chiếc búa và một chiếc lông chim ưng từ độ cao 1,6m xuống bề mặt Mặt Trăng. Kết quả, trong môi trường chân không, vốn không có lực cản của không khí, cả 2 vật thể này đã chạm đất cùng một thời điểm. Thí nghiệm này cho thấy kết luận của Galileo hoàn toàn chính xác.
Nuôi nhện trên trạm ISS
Năm 2011, các nhà khoa học đã đi tìm kiếm đáp án cho câu hỏi nhức nhối: Liệu loài nhện có thể thích nghi với việc du hành vũ trụ?
Họ đã gửi hai con nhện tơ vàng (Trichonephila clavipes), Esmeralda và Gladys, cho chuyến du hành 45 ngày trên trạm ISS. Chúng được nhốt trong một môi trường sống khá lý tưởng, với điều kiện ánh sáng mô phỏng chu kỳ ngày đêm, nhiệt độ và độ ẩm được kiểm soát, và chế độ ăn lành mạnh bao gồm các con ruồi giấm ngon ngọt.
Thí nghiệm nuôi nhện trên trạm ISS
Cả hai con nhện đều thích nghi một cách tuyệt vời, liên tục giăng tơ và săn mồi. Chúng ăn tơ của chúng vào cuối mỗi ngày để lấy lại protein, sau đó lại giăng tơ vào buổi sáng – giống hệt như những con nhện trên mặt đất.
Nhưng không phải mọi thứ đều diễn ra hoàn toàn bình thường. Trong môi trường không trọng lực, các mạng nhện do chúng dệt ra phẳng hơn và tròn hơn, khác hẳn so với các mạng nhện trên mặt đất, vốn có hình dạng không đối xứng.
Hai con nhện đã trở về Trái đất sau khi kết thúc thời gian ở trong không gian. Chúng sống một cuộc sống bình thường như những con nhện khác, trước khi qua đời…ở tuổi già!
Mang hạt giống lên vũ trụ
Khi sứ mệnh Apollo 14 được khởi động vào ngày 31 tháng 1 năm 1971, con tàu vũ trụ này mang theo một món hàng khá kỳ lạ: khoảng 500 hạt giống.
Theo đó, các nhà khoa học thuộc Sở Lâm nghiệp Hoa Kỳ muốn biết các hạt giống này liệu có thể này mầm, phát triển trong môi trường không trọng lực, cũng như liên tục phải chịu tác động của bức xạ không gian hay không. Chúng được đặt trong mô đun chỉ huy của tàu Apollo 14, thực hiện khoảng 34 vòng quanh quỹ đạo của Mặt trăng trước khi được mang trở lại Trái Đất.
Sau đó, các hạt giống được trồng song song cùng với những hạt giống bình thường chưa được đưa lên vũ trụ. Kết quả, hầu hết các hạt giống này đều nảy mầm bình thường và phát triển thành các cây non. Điều này cho thấy không hề có sự khác biệt giữa "hạt giống vũ trụ" và hạt giống trên Trái Đất.
Đến năm 1975, cây Mặt trăng – những cây được hình thành từ các hạt giống vũ trụ - đã đủ lớn để cấy ghép. Chúng được vận chuyển khắp nước Mỹ. Theo ước tính, có tổng cộng 100 cây Mặt Trăng được trồng. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 57 cây vẫn còn sống.
Thí nghiệm tinh trùng đông lạnh của chuột trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.
Cụ thể, các phi hành gia đã mang tinh trùng đông lạnh của 12 con chuột lên không gian Trạm ISS, nơi được đánh giá có mức bức xạ cao gấp 100 lần trên Trái đất.
Đầu tiên, các tinh trùng này được đặt trong tủ đá lạnh ở nhiệt độ thấp -95 độ C. Mất 9 tháng sau đó, các mẫu tinh trùng này đem về Trái đất và so sánh với tinh trùng chuột Trái đất. Kết quả cho thấy, tinh trùng khô ướp lạnh dưới môi trường bức xạ bị phân mảnh ADN nhiều hơn, nhưng khi cấy tinh trùng khô này vào chuột cái "mang thai hộ", nó đã sinh ra nhiều chuột con hơn với số lượng hơn 73 cá thể, vượt trội hơn cả tinh trùng chuột bình thường.
Tham khảo Science Alert