Thâm nhập vào thế giới quyền lực và siêu giàu sang của ngành livestream Trung Quốc: Những con số có thể gây chóng mặt

Sau khi "Nữ hoàng livestream" Vi Á bị phạt hơn 200 triệu đô vì trốn thuế, người Trung Quốc đã cảm thấy thực sự sốc trước mức thu nhập của các streamer bán hàng top đầu.

Người Trung Quốc đã thật sự cảm thấy sốc sau khi chứng kiến quy mô siêu lợi nhuận của mô hình kinh doanh livestream, lộ ra vì khoản tiền phạt tới 1,34 tỉ tệ (khoảng 210 triệu đô Mỹ) do trốn thuế của Hoàng Vi - hay Vi Á (Viya) - một influencer (người có tầm ảnh hưởng) hàng đầu tại quốc gia này.

 Thâm nhập vào thế giới quyền lực và siêu giàu sang của ngành livestream Trung Quốc: Những con số có thể gây chóng mặt - Ảnh 1.

Vi Á - người được mệnh danh là "Nữ hoàng livestream" của Trung Quốc bị phạt tới hơn 200 triệu đô vì trốn thuế

"Có hợp lý không khi một streamer có thể kiếm được ngần đó tiền? Họ đóng góp gì cho đất nước này ngoài việc thuyết phục người tiêu dùng mua những thứ mà chẳng ai thực sự cần?" - một bình luận tỏ ra khó hiểu trên Weibo.

"Nghèo quá cũng hạn chế khả năng tưởng tượng của tôi" - một người dùng khác cho biết. "Tôi tốt nghiệp từ một trường hàng đầu. Nhưng thực sự là dù có cố gắng cỡ nào, cả đời chắc cũng chẳng mơ được đến số tiền đó".

Thu nhập trong mơ

Khi cơ quan thuế tỉnh Chiết Giang công bố về số tiền thuế "Nữ hoàng livestream" đã gian lận trong giai đoạn 2019 - 2020 là 700 triệu tệ (hơn 110 triệu đô), cô đang nắm giữ cổ phần của ít nhất 16 công ty, với 8 trong số đó là cổ đông chính, bao gồm cả những công ty tư vấn thương mại điện tử.

Vợ chồng Vi Á nằm trong số 500 người Trung Quốc giàu nhất năm 2021, theo danh sách của Forbes, với khối tài sản ước tính lên tới 9 tỉ tệ (khoảng 1,4 tỷ tỉ đô). Thu nhập trong năm 2020 của cô là hơn 30 triệu đô - thu được từ bán hàng online, quảng cáo và quà tặng từ người hâm mộ.

 Thâm nhập vào thế giới quyền lực và siêu giàu sang của ngành livestream Trung Quốc: Những con số có thể gây chóng mặt - Ảnh 2.
 Thâm nhập vào thế giới quyền lực và siêu giàu sang của ngành livestream Trung Quốc: Những con số có thể gây chóng mặt - Ảnh 3.
 Thâm nhập vào thế giới quyền lực và siêu giàu sang của ngành livestream Trung Quốc: Những con số có thể gây chóng mặt - Ảnh 4.

Vi Á là một trong những streamer tiếng tăm nhất của xứ Trung

Trước đó, Vi Á sở hữu một cửa hàng quần áo tại Bắc Kinh, và từng làm ca sĩ. Cô trở nên nổi tiếng vào năm 2016 sau khi kiếm được 100 triệu tệ doanh thu trong vòng 4 tháng kể từ khi đứng ra dẫn chương trình livestream cho Taobao - sàn thương mại điện tử trực thuộc tập đoàn khổng lồ Alibaba.

Bên cạnh Vi Á, những người như "Ông hoàng bán hàng" Lý Giai Kỳ (Li Jiaqi) hay Cherie Zhu Chenhui cũng đều có tài sản ở mức triệu phú cho đến tỉ phú, thu được thông qua livestream bán hàng.

Trên thực tế, ngành bán hàng qua livestream có một mô hình vận hành rất đơn giản. Các influencer sẽ thu phí từ 100.000 đến 500.000 tệ mỗi buổi livestream. Hơn thế nữa với mỗi sản phẩm bán được, họ sẽ nhận được hoa hồng từ 20% - 40%. Và khi doanh số lên đến hàng triệu, thậm chí là hàng tỉ tệ, thu nhập của họ sẽ trở nên cực kỳ cao - theo công bố của Zhang Yi, trưởng phòng phân tích tại iiMedia Research.

Quyền lực đáng sợ

Thu nhập khủng, cộng thêm lượng người theo dõi cực lớn đã giúp các influencer hàng đầu trong ngành sở hữu quyền lực mạnh. Như Vi Á (36 tuổi) có đến 92 triệu người theo dõi, trong khi Lý Giai Kỳ có 47 triệu.

 Thâm nhập vào thế giới quyền lực và siêu giàu sang của ngành livestream Trung Quốc: Những con số có thể gây chóng mặt - Ảnh 5.
 Thâm nhập vào thế giới quyền lực và siêu giàu sang của ngành livestream Trung Quốc: Những con số có thể gây chóng mặt - Ảnh 6.

Lý Giai Kỳ cũng là một influencer bán hàng tiếng tăm

Tháng 11/2021, hãng mỹ phẩm Pháp L’Oreal đã phải nói lời xin lỗi và cung cấp voucher đền bù, sau khi khách hàng phàn nàn về vấn đề giá cả và khiến cả Vi Á lẫn Lý Giai Kỳ đe dọa sẽ ngưng hợp tác với họ.

"Lượng người theo dõi ấy đã cho phép các streamer sở hữu quyền lực lớn hơn trong thương lượng, sức ảnh hưởng và sự giàu có" - Zhang nhận xét.

"Khách hàng trẻ tuổi ngày nay không còn muốn mua sắm truyền thống - tức là chỉ đọc, xem những thứ mà không có sự tương tác. Thậm chí ngay cả khách hàng lớn tuổi cũng bắt đầu theo dõi các KOL. Đây là một xu hướng khó cưỡng lại".

Theo công ty tư vấn McKinsey, bán hàng trực tuyến qua livestream có thể giúp các thương hiệu hoặc nhà bán lẻ ở 2 lĩnh vực: tăng tốc chuyển đổi thành doanh thu (hay còn gọi là... chốt đơn), đồng thời cải thiện sức hấp dẫn và sự khác biệt cho thương hiệu.

Trong một báo cáo vào năm 2021 của McKinsey, một số công ty đã chứng kiến tỉ lệ khán giả trẻ tăng tới 20%. Tỉ lệ chuyển đổi (conversion rates) lên tới gần 30% - cao gấp 10 lần so với thương mại điện tử truyền thống.

 Thâm nhập vào thế giới quyền lực và siêu giàu sang của ngành livestream Trung Quốc: Những con số có thể gây chóng mặt - Ảnh 7.

Việc bán hàng qua livestream mang đến lợi ích lớn cho các nhãn hàng, đặc biệt là ở khả năng chuyển đổi thành doanh thu

Joey Zhu, một nhà sản xuất đồ ăn vặt ở phía đông Trung Quốc cho biết công ty ông đã chọn Vi Á để quảng bá cho sản phẩm của mình, vì cô "sở hữu hình ảnh tích cực và có sức hấp dẫn với khách hàng trẻ".

"Tiếp cận cô ấy rất khó. Vi Á quá nổi tiếng, đến mức chúng tôi phải trả tiền cho một công ty thứ 3 để gặp và thuyết phục cô bán sản phẩm của mình" - Zhu chia sẻ. "Chúng tôi chi ra mức chi phí hấp dẫn cho cô, nên có lợi nhuận rất ít. Chúng tôi chỉ xem đây là cơ hội để quảng cáo".

Tuy nhiên, đó là câu chuyện xảy ra với những influencer hàng đầu. Trung Quốc có hơn 1 triệu người chuyên làm ngành này, và họ còn xa mới đuổi kịp Vi Á. Như báo cáo năm 2020 của trang Boss Zhipin chỉ ra rằng có phân nửa streamer sở hữu lượng người theo dõi dưới 10.000, và hầu hết mọi người chỉ có mức thu nhập từ 8000 - 15000 tệ mỗi tháng (khoảng 30 - 50 triệu đồng tiền Việt).

"Cần có môi trường quản lý tốt hơn để hạn chế sự mất cân bằng, giúp những streamer nhỏ được tham gia thị trường nhiều hơn" - Zhang nhận xét.

Nguồn: SCMP