Vào những năm cuối thời đông Hán, thiên hạ đại loạn, anh hùng, hào kiệt khắp nơi nổi lên tranh cứ. Tuy nhiên, chỉ có ba thế lực mạnh nhất là Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô là vươn lên dẫn đầu, tạo thành thế chân vạc nổi tiếng trong Tam Quốc.
So với 2 vị quân chủ là Tào Tháo và Tôn Quyền, Lưu Bị có xuất phát điểm thấp hơn và trải qua cuộc đời nhiều biến động, từ chịu cảnh ăn nhờ ở đậu, phiêu bạt khắp nơi, cho tới từng bước vất vả gây dựng cơ nghiệp để lập nên nhà Thục Hán.
Cả đời tranh đấu trên bàn cờ chính trị Tam Quốc, dù chưa thể hoàn tất được giấc mộng thống nhất thiên hạ, nhưng Luu Bị cũng đã gây dựng được Thục Hán, một trong ba nước mạnh nhất thời kỳ này.
Quan Vũ và Trương Phi được coi là hai cánh tay đắc lực của Lưu Bị.
Trong quá trình xây dựng cơ nghiệp, Lưu Bị rất chú trọng chiêu mộ nhân tài. Trong số các binh hùng, tướng mạnh, nhân tài mà vị quân chủ này may mắn có được, không thể không nhắc tới Quan Vũ và Trương Phi.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi đã kết nghĩa vườn đào và trở thành huynh đệ. Kể từ đó, Quan Vũ và Trương Phi trở thành hai cánh tay đắc lực cho Lưu Bị trong quá trình gây dụng sự nghiệp và thực hiện tham vọng thống nhất thiên hạ.
Cả Quan Vũ và Trương Phi đều từng tham gia vô số trận đánh lớn nhỏ và lập được rất nhiều chiến công. Hai người đều được coi là hổ tướng với sức địch vạn người. So với Quan Vũ, Trương Phi nổi tiếng là võ tướng có tính tình nóng nảy và sở thích mê rượu. Tuy nhiên, cũng chính vì 2 yếu điểm này đã khiến ông phạm phải sai lầm lớn, thậm chí bỏ quên cả gia quyến của Lưu Bị để tháo chạy.
Thế nhưng, Lưu Bị lại chỉ nói 2 câu khiến nhiều người bất ngờ. Rốt cục vì sao?
Trương Phi đánh mất Từ Châu, bỏ quên vợ Lưu Bị
Năm 195, sau khi thất bại trong cuộc chiến với Tào Tháo ở Duyện Châu, Lã Bố chịu thất bại đành phải chạy tới nương nhờ Lưu Bị ở Từ Châu.
Không lâu sau đó, Lưu Bị cùng Quan Vũ đem quân xuống phía Nam để chống lại Viên Thuật. Trước khi đi, Lưu Bị đã giao Từ Châu lại cho Trương Phi trấn giữ. Hơn nữa, khi rời khỏi Từ Châu, để giảm bớt gánh nặng, Lưu Bị đã quyết định giao vợ mình cho Trương Phi chăm sóc.
Quen biết nhiều năm, Lưu Bị biết rõ tính cách của Trương Phi, đồng thời hiểu rõ điểm mạnh và yếu của vị tam đệ này. Trong đó, khuyêt điểm lớn nhất của Trương Phi là thích uống rượu. Một khi đắm chìm trong men rượu, vị dũng tướng này không thể kiểm soát bản thân và dễ gặp rắc rối. Do đó, trước khi khởi hành, Lưu Bị đã nhiều lần căn dặn Trương Phi không được uống rượu để tránh tai họa.
Trương Phi vì say rượu mà phạm phải sai lầm lớn.
Mặc dù đã hứa với đại ca, nhưng sau đó Trương Phi lại không cưỡng lại được cám dỗ của rượu và kết quả là dẫn đến sai lầm không thể cứu vãn.
Quả nhiên chứng nào tật nấy, Trương Phi không những quên lời của Lưu Bị mà còn thiết yến tiệc mời thuộc hạ nâng chén. Thế nhưng, khi quá say, võ tướng này còn ra tay đánh Tào Báo 50 roi vì cự tuyệt không uống.
Tào Báo lại chính là nhạc phụ của Lã Bố. Ngay trong đêm ấy, nhân cơ hội Trương Phi say rượu, lơ là cảnh giác, Lã Bố đã đánh úp thành Hạ Bì để cướp Tù Châu. Nghe tin Lã Bố đánh úp lúc nửa đêm, Trương Phi lúc bấy giờ mình đầy mùi rượu liền cầm vũ khí lên ngựa định ra đánh. Tuy nhiên, do say rượu nên không chống đỡ được. Ông đành phải theo thủ hạ chạy trốn nơi đồng hoang.
Trong lúc thua chạy, Trương Phi lại quên mang theo gia quyến của Lưu Bị. Điều này khiến ông vô cùng hối hận. Chỉ vì nơi lỏng cảnh giác và uống rượu mà Trương Phi đã để Lã Bố lợi dụng sơ hở. Kết quả, Lã Bố không chỉ cướp được Từ Châu mà còn bắt vợ của Lưu Bị làm tù binh.
Đến khi gặp lại Lưu Bị và Quan Vũ, Trương Phi đã quỳ khóc xin in tạ tội.
Câu nói nổi tiếng của Lưu Bị: Sự thật là gì?
Nhận thấy đây là sai lầm không thể sửa chữa nên Trương Phi luôn tự trách mình. Thấy vậy, Lưu Bị đã nói 2 câu để an ủi Trương Phi rằng: "Anh em như tay chân, đàn bà như quần áo. Quần áo rách thì có thể vá lại, nhưng tay chân đứt thì sao có thể nối lại được".
Nghe xong, Quan Vũ và Trương Phi đều vô cùng cảm động. Kể từ đó, cả hai võ tướng này lại càng trung thành và nỗ lực hết mình để giúp Lưu Bị gây dựng cơ nghiệp.
Lưu Bị chỉ nói 2 câu đã trấn an được Trương Phi.
Hai câu nói này của Lưu Bị cũng trở nên nổi tiếng và được lưu truyền cho đến ngày nay. Nhiều người sử dụng câu nói này để mô tả tình cảm anh em. Thế nhưng câu nói "anh em như tay chân, đàn bà như quần áo" của Lưu Bị cũng khiến hậu thế tranh cãi. Ý tứ trong câu nói trên cho thấy sự coi nhẹ của Lưu Bị đối với vợ con.Bởi hành động bỏ rơi vợ con giữa chiến trường hay trong lúc nguy nan của vị quân chủ nhà Thục Hán là không chấp nhận được. Hơn nữa, Lưu Bị còn nhiều lần phạm phải sai lầm này.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, hai câu nói trên của Lưu Bị thực chất là để xoa dịu Trương Phi, giúp võ tướng này thoát ra khỏi cái bóng tâm lý. Quả nhiên, Trương Phi nghe xong hai câu nói của Lưu Bị từ đó luôn hết mình phò tá đại ca và nhà Thục Hán. Ông đã lập được nhiều chiến công hiển hách, chẳng hạn như một mình chặn đại quân Tào trên cầu Trường Bản, hay giúp Lưu Bị chinh chiến giành quyền kiểm soát phần lớn Kinh Châu (sau trận Xích Bích), chiếm được Tây Xuyên...
Trương Phi là võ tướng có sức địch vạn người.
Sử gia Trần Thọ, tác giả của Tam Quốc chí đã đánh giá về Trương Phi như sau: "Trương Phi sức địch vạn người, hổ thần một thời. Phi vì nghĩa thả Nghiêm Nhan, có phong độ quốc sĩ. Nhưng Phi bạo mà nóng, lấy sở đoản chuốc lấy thất bại, là lẽ thường vậy".
Có thể thấy rằng, sau thất bại đánh mất Từ Châu vào tay Lã Bố, Trương Phi đã có nhiều thay đổi và lập được nhiều chiến tích.
Do đó, nhiều người cho rằng, hai câu nói năm xưa của Lưu Bị thực chất là một chiến thuật tâm lý về cách dùng người. Trương Phi năm đó là một nhân tài hiếm có. Lưu Bị sớm đã nhìn thấu chuyện này, nên ông không để sai lầm ở Từ Châu của Trương Phi trở thành "bóng ma tâm lý".
Suy cho cùng, bôn ba suốt mấy chục năm trời, nếu Lưu Bị không sớm nhìn thấu việc dùng người quan trọng đến thế nào thì sao có thể lập nên nhà Thục Hán sau này.