Huyết ngải là một trong số các truyền thuyết thần bí được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, sự tồn tại của ngải cũng như thực hư phép tà thuật liên quan đến nó cho đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Các cao thủ tự nhận theo đuổi, nghiên cứu về tà thuật đều khẳng định rằng đâu đó trong rừng sâu, núi thẳm người ta vẫn có thể tìm được chúng.
Truyền thuyết về huyết ngải
Các bậc kỳ lão thường kể về huyết ngải như sau:
Thuở xưa, ở vùng rừng Bảy Núi (An Giang) và Tây Nguyên, ngải chúa mọc hoang rất nhiều. Khi mọc hoang, chúng chỉ là cây cỏ bình thường. Sau đó, pháp sư sẽ dùng bùa chú "rước" ngải về vườn nhà để "nuôi" rồi "luyện" để ngải có linh hồn. Hết thời gian luyện, ngải sẽ có linh hồn bất diệt, từ đó ngải sẽ bám theo pháp sư để bảo vệ.
Khi pháp sư luyện ngải chết đi, "linh hồn" ngải chúa sẽ bỏ đi lang thang vào trong rừng sâu, chờ cho đến lúc được pháp sư khác "có duyên" trục về. Với người trong giới tà thuật, việc trục huyết ngải kiểu này được xem là cách để chứng minh đẳng cấp của mình. Bởi theo lời đồn người "yếu cơ" sẽ không thể làm được mà ngược lại còn mang họa vào thân.
Lời đồn về cách trục ngải kỳ công
Vì thuật "trục" được xem là rất khó trong các loại tà thuật nên người ta cũng đồn đại rằng nó rất nhiêu khê và không dễ thược hiện. Cụ thể, thầy pháp khi quyết định thực hiện thuật sẽ phải đợi đến 0 giờ mới tiến hành.
Đầu tiên, pháp sư cần đốt nhang, khấn vái và bắt ấn quyết để trừ vong hồn ma quỉ, không cho nhập vào thân ngải. Lúc này, pháp sư cần đọc câu thần chú riêng. Sau thủ lục đầu lễ, pháp sư bắt đầu cho "ngải" ăn. Nghi thức cho ăn cũng rất rùng rợn, pháp sư phải tưới máu tươi của mình lên hoa ngải.
Để dễ trục ngải về nhà, pháp sư còn phải dùng củ ngải đen có ếm thổi bùa yêu từ trước để phất xung quanh cây huyết ngải. Ngải trúng bùa yêu thì sẽ bị lú lẫn, dễ dắt đi hơn. Trong suốt thời gian làm lễ bắt ngải, trên người chủ lễ không được có món đồ kim loại nào, nếu không "mộc khắc kim" sẽ làm ngải bị chết.
Đất trồng ngải cũng được chuẩn bị rất kỳ công. Trước đó 3 tháng, pháp sư phải dùng đất sét nặn thành hình bếp nấu cơm. Dùng bếp này nấu cơm đủ 3 tháng thì sẽ giã bếp nhuyễn ra rồi cho vào chậu đất nung để trồng ngải. Sau đó, trong 7 ngày đầu, pháp sư sẽ phải niệm chú liên tục cho ngải nghe. 0 giờ ngày thứ 7 sẽ cho ăn bữa đầu với máu gà có pha máu người nuôi.
Quá trình này phải đợi đến ngày thứ 99 mới biết kết quả. Nếu qua ngày 99 mà ngải vẫn sống là thành công. Nếu chẳng may ngải chết, linh hồn "chết non" sẽ vẫn đi theo bảo vệ pháp sư. Ngải nuôi càng lâu, ma lực lẫn trí thông minh càng mạnh.
Thuật luyện ngải hại người tưởng chỉ có trong phim
Huyết ngải nổi danh vì khả năng hại người của nó rất đáng sợ. Các pháp sư nuôi ngải thường dùng giọt nước đọng trên đài hoa, gọi là "thủy tử", để luyện bùa yểm. Thủy tử được niệm chú, sau đó lại trộn với nọc rết và nọc rắn, tiếp đến được nhét vào tay người chết để lấy linh khí rồi nhét vào miệng rắn độc. Sau cùng, khi pháp sư mổ bụng rắn, lấy dạ dày có chứa bùa yểm này đem phơi khô rồi tán nhuyễn sẽ tạo ra cái được gọi là Khalamay.
Nếu muốn yểm ai, pháp sư chỉ cần nhúng ngón tay út vào Khalamay rồi bắt ấn, niệm chú ra lệnh. Người trúng ngải sẽ chết dần chết mòn sau một thời gian dài bị đủ thứ bệnh lạ như thổ huyết, bụng trướng, nói năng như ma nhập. Loại ngải này người ta gọi là ngải độc thần tướng.
Dù ngày nay những lời đồn đại ly kỳ về huyết ngải đã bị bác bỏ, thế nhưng nhiều bậc cao niên sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn kể lại những lần được tận mắt chứng kiếm người trúng huyết ngải và cả pháp sư trục ngải. Chính vì vậy mà cho đến ngày nay, tranh cãi về thực hư tà thuật vẫn còn kéo dài. Tuy nhiên, huyết ngải cũng đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm phim ảnh, tiểu thuyết hư cấu.