Trong tất cả những con quái vật cổ điển, thì ma cà rồng là giống loài nổi tiếng nhất, chúng xuất hiện trong nhiều tựa game, phim ảnh, tiểu thuyết,... Hầu hết mọi người đều biết đến ma cà rồng thông qua nhân vật Bá tước Dracula trong cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1897 của Bram Stoker. Tuy nhiên, thật ra ma cà rồng đã hiện diện từ rất lâu, trước cả khi Stoker đưa chúng lên trang sách. Thậm chí, người ta còn đặt ra giả thuyết về những nhân vật lịch sử có biểu hiện là ma cà rồng!
Nguồn gốc của ma cà rồng
Trong thần thoại Do Thái, ma cà rồng được cho là có liên quan đến Lilith – người phụ nữ đầu tiên mà Chúa tạo ra. Vì chống đối Adam nên Lilith đã bỏ trốn đến biển Hồng Hải và sống cùng lũ quỷ ở đó rồi dần trở thành một nữ quỷ khát máu, luôn rình rập tấn công trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, thai phụ cũng như những người đàn ông. Đặc biệt, một số thần thoại còn miêu tả Lilith như một kẻ khát máu đáng sợ, thường tìm đến quyến rũ và hút máu đàn ông để trả thù hậu duệ của Adam – người bạn đời mà Lilith căm ghét.
Ma cà rồng xuất hiện trong nhiều nền văn hóa khác nhau như Do Thái, Hy Lạp,...
Còn trong thần thoại Hy Lạp, ma cà rồng lại được xem là khởi nguồn từ một người đàn ông có tên Ambrogio. Ambrogio yêu say đắm nàng Selena, nhưng không may thần Apollo cũng để mắt đến nàng. Vì ghen tị, thần Apollo đã nguyền rủa Ambrogio bằng các khiến cho da chàng bị bỏng mỗi khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Qúa tuyệt vọng, Ambrogio đã cầu cứu thần Hades, rồi đến thần Artemis giúp đỡ. Cuối cùng chàng ta được nữ thần Artemis ban tăng cho sức mạnh siêu nhiên, sự bất tử cũng như răng nanh để giết những con quái thú. Nữ thần cũng dạy cho Ambrogio biết cách biến Selena thành bất tử như mình là cần phải uống máu cô gái, và thứ máu kết hợp giữa hai người sau đó có thể biến bất cứ ai uống phải thành ma cà rồng. Thần thoại về Ambrogio gần như tập hợp đầy đủ những đặc điểm chung nhất mà ngày nay người ta vẫn nghĩ đến khi nhắc tới ma cà rồng: quyến rũ, hút máu và nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
Ma ca rồng trong lịch sử
Vlad III hay Vương công xứ Wallachia
Cho đến tận bây giờ, nhiều giả thuyết vẫn cho rằng nhân vật Bá tước Dracula được lấy nguyên mẫu từ Vlad III hay Vương công xứ Wallachia – một nhân vật có thật trong lịch sử, sinh ra và lớn lên ở Transylvania thuộc Romania vào thế kỷ XV.
Một số sử gia mô tả Vlad III như một người hùng đã chiến đấu chống lại Đế chế Ottoman, nhưng cũng có người xem ông như một kẻ cai trị tàn bạo khát máu, gắn liền với hình phạt đóng cọc đầy man rợ mà ông dùng để xử tử kẻ thù của mình.
Bên cạnh đó, dân gian còn lưu truyền lời đồn, cho rằng Vlad Dracula rất thích ăn tối giữa những nạn nhân còn đang hấp hối và nhúng bánh mì vào máu của họ. Và dù lời đồn này chưa được làm rõ thực hư, song có lẽ nó đã khơi dậy trí tưởng tượng của Stoker, truyền cảm hứng tạo ra nhân vật Bá tước Dracula – một người cũng đến từ Transylvania, thích hút máu nạn nhân của mình và giết người bằng cách đóng cọc.
Nữ bá tước Elizabeth Bathory
Nếu nhiều người vẫn tin rằng các Nữ bá tước thường có phong thái ôn hòa và văn hóa ứng xử tốt, thì câu chuyện ghê rợn về Nữ bá tước Elizabeth Bathory sẽ chứng minh điều ngược lại. Bà ta được sinh ra ở Hungary vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Trong cuộc đời hơn 40 năm của mình (1560-1614),Elizabeth Bathory đã giết hại rất nhiều người . Tương truyền, những kẻ thù được đưa đến chô Elizabeth đều bị bà ta cắn thịt, có lẽ là để tra tấn. Sau đó, bà ta sẽ tắm trong máu của họ để làm đẹp.
Mercy Brown
"Ma cà rồng" Mercy Brown có thể cạnh tranh với Bá tước Dracula về độ nổi tiếng. Tuy nhiên, không giống như vị bá tước tưởng tượng kia, Mercy là người thực. Cô từng sống ở Exeter, Rhode Islan và là con gái của George Brown – một nông dân.
Sau cái chết của rất nhiều thành viên trong gia đình George vì bệnh lao, bao gồm cả Mercy, vào cuối những năm 1800, những người xung quanh đã gán cho Mercy là nguyên nhân gây ra cái chết của họ. Vào thời đó, người ta vẫn thường đổ lỗi cho "xác sống" nếu trong một gia đình có nhiều người chết. Vì thế, họ thường đào các "xác sống" lên và tìm kiếm dấu hiệu của ma cà rồng.
Khi thi thể của Mercy bị đào lên và không có dấu hiệu bị phân rã nghiêm trọng (do được chôn trong hầm một trên mặt đất vào mùa đông ở New England), người dân thị trấn đã buộc tội cô là ma cà rồng, họ xem cô như nguyên nhân khiến gia đình cô bị bệnh. Mercy sau đó đã bị moi tim, đốt thành tro và người ta đưa tro tim đó cho người anh bệnh tật của cô. Chẳng có gì quá ngạc nhiêu khi anh ta chết ngay sau đó không lâu.
Ma cà rồng ngoài đời thực
Ngày nay, bất chấp việc khoa học hiện đại đã chứng minh nhiều câu chuyện về ma cà rồng chỉ là truyền thuyết hư cấu, nhiều người vẫn tự nhận bản thân là ma cà rồng. Họ có vẻ ngoài rất bình thường, nhưng lại cố gắng uống một lượng máu để duy trì sức khỏe. Ngoài ra, cũng có rất nhiều cộng đồng ma cà rồng tự nhận tại các thành phố, thị trấn trên khắp thế giới cũng như trên internet.
Tuy nhiên, ngoài những trường hợp tự nhận, khoa học cũng ghi nhận hai hội chứng khiến người mắc phải có biểu hiện giống với ma cà rồng là EPP và HED. Đối với bệnh nhân mắc EPP, họ sẽ bị phồng rộp ra, bỏng nhẹ khi phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, vì vậy họ buộc phải hạn chế ra đường vào ban ngày, gây nhợt nhạt do thiếu máu. Còn với hội chứng đột biến HED, người mắc mọc răng không đầy đủ và thường răng mọc được lại sắc nhọn như răng nanh, không những vậy, họ cũng không thể ra ngoài nắng vì sẽ gây bỏng rộp da.