Tờ cáo thị về lệnh truy nã được dán ở khắp nơi để truy bắt tội phạm là hình ảnh quen thuộc mà chúng ta có thể nhìn thấy trong các bộ phim cổ trang.
Trước khi phát minh ra máy ảnh, rõ ràng nếu người xưa muốn ghi lại hình dạng của chính mình thì phải nhờ đến các họa sĩ. Đương nhiên, với các vị hoàng đế và các quan đại thần nổi tiếng, bức chân dung của họ đều do những họa sĩ bậc thầy thực hiện. Do đó, mức độ chân thật giữa hình vẽ và ngoài đời không quá khác biệt.
Hình vẽ tội phạm bị truy nã thường rất xấu nhưng các quan phủ vẫn bắt được người.
Ngược lại, vào thời xưa, nếu muốn truy bắt tội phạm, các họa sĩ tạm thời được quan phủ thuê lại không thực sự đáng tin cậy. Hình vẽ trên tờ cáo thị thường có sự khác biệt nhiều so với dung mạo thật của tội phạm. Chân dung của các tội phạm trên lệnh truy nã thường bị mất nét, khó nhận dạng, nhưng quan phủ vẫn bắt được và đưa họ ra trước công đường. Nguyên nhân vì sao?
Hóa ra điều kỳ lạ này có 3 nguyên nhân chính sau đây.
3 nguyên nhân khiến tội phạm bị truy nã khó chạy thoát
Thứ nhất, nguyên nhân là bắt nguồn từ những thông tin được ghi trên lệnh truy nã. Nhìn chung, vào thời cổ đại, nếu muốn truy bắt một người, bên cạnh hình vẽ minh họa, quan phủ thường mô tả chi tiết các đặc điểm cụ thể trên khuôn mặt, một vài chi tiết về cuộc sống hàng ngày của kẻ bị tình nghi phạm tội.
Mặc dù ở thời cổ đại, tỷ lệ người dân bình thường biết chữ là rất ít. Tuy nhiên, do việc dán cáo thị ở khắp nơi, nên sẽ luôn có một vài người biết chữ đọc được. Do đó, sự kết hợp giữa hình vẽ minh họa và thông tin trên tờ cáo thị sẽ giúp người dân có thể nhận biết tội phạm đang lẩn trốn. Những tội phạm truy nã vì thế cũng rất khó trà trộn vào đám đông.
Hơn nữa, các quan viên thường sử dụng giấy tờ chứng nhận thân phận để kiểm tra, điều tra từng người. Khi ai đó đến thuê phòng trọ hay muốn ở nhờ nhà dân thì sẽ đều bị người chủ hỏi về loại giấy tờ này. Nếu như không có giấy này thì người đó được cho là có lai lịch bất minh.
Tội phạm thời xưa rất khó trốn thoát vì những thông tin trên lệnh truy nã.
Thứ hai, trên các tờ cáo thị về lệnh truy nã thường có một câu nhấn mạnh, đó là ai dám bao che cho tội phạm thì phải chịu trách nhiệm liên đới. Vì vậy, những người dân dù chỉ bắt gặp tội phạm truy nã ở trên đường phố thì cũng không bao giờ dám giấu tội phạm. Bởi nếu không làm được thì họ sẽ chuốc họa vào thân, thậm chí tội nặng còn bị giam chung với người phạm tội.
Quy chế về tội liên đới đã được thực hiện ngày từ thời nhà Tần và nhà Hán. Do đó, những tên tội phạm bị truy nã dường như mất nơi chạy trốn và có thể dễ dàng bị bắt trở lại.
Thứ ba, trên các tờ cáo thị, quan phủ sẽ đưa ra mức tiền thưởng rất cao cho bất cứ ai tìm được tội phạm. Theo đó, số tiền thưởng này có thể từ 100 cho đến 1000 lượng bạc. Đây là một khoản tiền khá lớn vào thời phong kiến, đặc biệt là đối với người dân bình thường.
Với sức hút của tiền thưởng cao, hầu hết dân thường sẽ có xu hướng không che giấu tội phạm. Họ không chỉ giúp quan phủ lật tẩy những kẻ trông giống nghi phạm mà còn vận động gia đình tìm ra tội phạm bị truy nã.
Đương nhiên, việc giành được số tiền thưởng trên cũng không dễ dàng vì hầu hết những người bị truy nã đều là phạm phải trọng tội, rất nguy hiểm. Tuy nhiên, với các "thợ săn tiền thưởng" thời bấy giờ thường là các đại hiệp, người có võ công cao cường thì việc bắt tội phạm truy nã để lĩnh thưởng là điều không quá khó khăn.
Tuy nhiên, với 3 lý do trên thì việc một tội phạm có thể trốn thoát được trong biển người rộng lớn là điều gần như không thể ở thời phong kiến.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Kknews