Có thể các bạn đã biết, chim là 1 trong những lớp sinh vật đông đảo nhất trên Trái Đất. Với số lượng lên tới hơn 9600 loài, chúng đã có lịch sử phát triển và tiến hóa lâu dài không kém bất cứ loài động vật nào khác.
Vậy, liệu bạn có tin rằng tổ tiên của loài chim lại chính là khủng long hay không? Vậy trong bài hôm nay, hãy tìm hiểu về điều này nhé.
Vào năm 1861, người ta tìm thấy bộ xương của 1 loài động vật lạ ở Đức: một con vật có cơ thể của khủng long, nhưng lại có dấu tích của lông vũ trên đuôi và dọc chi trước. Do đó, con vật này đã được đặt tên là "Archaeopteryx", tức "cánh cổ đại".
Archaeopteryx sống vào cuối kỷ Jura khoảng 150 triệu năm trước, tại nơi ngày nay là miền nam Đức khi châu Âu còn là một quần đảo trong vùng biển nông nhiệt đới, gần với đường xích đạo hơn hiện nay. Kích thước của chúng được coi là nhỏ, tương tự như chim ác là, với cá thể lớn nhất có thể bằng với quạ, có chiều dài khoảng 0,5 m. Với kích thước của 1 con chim bồ câu to, chim thủy tổ Archaeopteryx đã bay lượn trên các eo biển của châu Âu vào cuối kỉ Jura.
Archaeopteryx có cẳng chân, đuôi bằng xương dài, chi trước có 3 ngón, có vuốt, đầu to, cổ to hình chữ S và thậm chí còn có 1 cái hàm răng nhỏ, có móng vuốt dọc cánh. Ngoài ra, chúng và khủng long còn có chung 1 chiếc xương hình chữ Y, đó là xương chạc nối các xương đòn thành 1 xương chạc duy nhất để tăng lực cho đôi cánh.
Vì thế, Archaeopteryx được coi là có nhiều đặc điểm giống với khủng long Đại Trung Sinh hơn là chim. Chính xác thì, chúng là một chi khủng long giống chim chuyển tiếp giữa khủng long có lông và chim hiện đại. Dĩ nhiên lông vũ của chúng sẽ không giống với lông của các loài khủng long có lông vũ khác: chúng không đối xứng, khá giống với lông vũ của những loài chim hiện nay, với 1 bên rộng hơn bên kia. Chính sự không đối xứng này đã cho phép chim hiện đại bay được, bằng cách dựa vào không khí.
Tuy nhiên, mặc dù biết bay nhưng chim thủy tổ Archaeopteryx vỗ cánh tương đối khó khăn. Để cất cánh, nó phải lao ra từ 1 cành cây, tức là... chúng biết leo cây. Đây chính là câu trả lời cho việc tại sao chim hiện đại có thể đậu trên cành, bởi việc có 1 ngón chân cong ra đằng sau giúp chúng có thể đậu trên cây và không bị mất thăng bằng. Cả chim thủy tổ Archaeopteryx lẫn khủng long chân thú Theropod đều có ngón chân như vậy.
Do đó, Archaeopteryx có một vai trò quan trọng, không chỉ trong nghiên cứu nguồn gốc của chim, mà còn cả trong nghiên cứu khủng long. Nó được đặt tên theo một hóa thạch lông vũ năm 1861. Cùng năm đó, mẫu vật Archaeopteryx hoàn chỉnh đầu tiên được công bố. Nhiều mẫu vật Archaeopteryx đã dược phát hiện. Mặc dù có biến thể, các nhà nghiên cứu cho rằng tất cả các hóa thạch này của một loài duy nhất, mặc dù vẫn có nhiều tranh cãi cho tới ngày nay.
Bên cạnh đó, cũng nhờ chim thủy tổ Archaeopteryx mà người ta cũng chứng minh được rằng chim là con cháu của bò sát, theo 1 cách nào đó. Mẫu vật điển hình của Archaeopteryx được phát hiện vào hai năm sau khi Charles Darwin phát hành cuốn Nguồn gốc các loài. Archaeopteryx đã củng cố lý thuyết của Darwin và là một phần chìa khóa của khám phá nguồn gốc loài chim, hóa thạch chuyển tiếp và tiến hóa, đồng thời là nền tảng của việc nghiên cứu sinh học thời hiện đại.