Có thể khẳng định rằng, Cửu Vĩ Hồ là 1 trong những sinh vật thần thoại nổi tiếng nhất trong văn hóa của thế giới. Từ những nhân vật thần thoại như Đát Kỷ hay Tamano no Mae, đến những nhân vật xuất hiện trong anime-manga như Cửu Vĩ Kurama,... Cửu Vĩ chắc chắn sẽ là hình tượng nhân vật bất hủ sẽ luôn là nguồn cảm hứng trong nghệ thuật của thời đại này.
Vậy, hãy cùng tìm hiểm top 5 điều thú vị về chúng nhé.
1. Muốn trở thành Cửu Vĩ Hồ, phải trải qua tu luyện lâu dài
Theo thần thoại Nhật Bản và Trung Quốc, Cửu Vĩ Hồ ban đầu cũng chỉ là những con cáo (Kitsune). Trải qua hàng trăm năm tu luyện, đuôi của chúng sẽ mọc lên ngày càng nhiều hơn trước, trở thành Nibi, (Nhị Vĩ), Sanbi (Tam Vĩ),... Cứ thế sau 1000 năm, chúng có thể tiến hóa thành Rokubi (Lục Vĩ) rồi đến khi trở thành Kyuubi (Cửu Vĩ), chúng có thể sở hữu sự thông thái vượt xa bất cứ con người nào, cùng lượng ma lực vô cùng ghê gớm.
Bên cạnh đó, màu lông của chúng cũng thay đổi theo hướng tu luyện. Ban đầu, chúng chỉ có màu vàng nâu như cáo thường, khi trở thành yêu hồ thì có màu trắng, và rồi dần dần trở thành màu đỏ tươi như máu.
Theo nhiều bản ghi chép, đa phần các loại hồ ly sơ đẳng đều có thể biến thành các cô gái đẹp để dụ dỗ đàn ông, với đẳng cấp ngang hàng với Tanuki.
Theo nhiều câu chuyện, Kitsune và Tanuki là đối thủ của nhau.
2. Từng là 1 linh vật thiêng?
Trong các thư tịch như Chu thư hay các bộ sưu tập truyện kể như Thái Bình quảng ký, Cửu Vĩ Hồ được mô tả là một thú vật may mắn. Chúng được xem là linh thú do thượng đế cử xuống trần gian, được nhìn nhận là một dấu hiệu của thịnh vượng, hòa bình và vận may. Vào thời nhà Hán, nó là vật bảo vệ dòng máu hoàng tộc. Tuy nhiên, nó cũng có thể tượng trưng cho một điềm báo về khởi nghĩa khi Hoàng đế không có tài đức.
Sách Triều Dã Thiêm Tái có ghi nhận về tục thờ hồ ly của dân chúng vào đầu thời Đường. Đương thời có câu ngạn ngữ rằng: "Không có hồ ly, thì không có thôn xóm", có thể thấy tính chất thần thánh của hồ ly thời Trung Hoa cổ. Trong dân gian có thuyết Ngũ đại tiên, thì hồ ly tinh được gọi là Hồ tiên. Tại Hongkong, hồ ly cũng là linh vật được cúng bái, thường là trứng gà.
Đạo Hà Thần xuất hiện trước 1 chiến binh.
Trong thần thoại Nhật Bản, chúng chính là những linh thú, sứ giả, vật cưỡi của Inari Okami (Đạo Hà Thần) - nữ thần nông nghiệp.
Thời đầu Lê sơ, Lê Thái Tổ Lê Lợi cũng từng có truyền thuyết liên quan đến hồ ly tinh. Ấy là khi còn lẩn trốn quân Minh ở Lam Sơn, ông bị truy đuổi gắt gao, bỗng lúc đó ông thấy một cô gái mặc váy trắng chết trên vệ đường, liền chôn cất cô gái tử tế và lẩn trốn tiếp.
Đến khi suýt bị quân Minh tìm ra, một con cáo trắng từ trong bụi cỏ bỗng nhảy vọt ra, khiến con chó săn của quân Minh bị chặt bay đầu vì tội chỉ sai hướng. Lê Thái Tổ cho rằng đó là cô gái đã cứu mình, về sau ông phong cô gái làm thần hộ quốc và cho làm một bức tượng hình một cô gái có nửa thân là cáo chín đuôi, đấy gọi là Hộ Quốc Phu Nhân.
3. Trong truyền thuyết, Hồ Tây là lăng mộ chôn xác Cửu Vĩ Hồ
Dĩ nhiên là nước ta cũng có những phiên bản Cửu Vĩ Hồ cho riêng mình rồi. Sách Lĩnh Nam Chích Quái từng kể rằng:
"Thành Thăng Long xưa hiệu là Long Biên , hồi thượng cổ không có người ở. Lý Thái Tổ bèn chèo thuyền ở bến sông Nhĩ Hà, có hai con rồng dẫn thuyền đi, cho nên đặt tên là Thăng Long, rồi đóng đô ở đấy. Xưa ở phía tây thành có hòn núi đá nhỏ, phía đông gối lên sông Lô Giang. Trong hang, dưới chân núi, có con cáo trắng chín đuôi sống hơn ngàn năm, có thể hóa thành yêu quái, thành người hoặc thành quỷ đi khắp nhân gian.
Con cáo chín đuôi biến thành người áo trắng nhập vào giữa đám dân Mán, cùng ca hát rồi dụ dỗ trai gái trốn vào trong hang núi. Con cáo chín đuôi lúc biến thành cô gái xinh đẹp, lôi dụ các chàng trai, lúc lại thành chàng thanh niên tuấn tú đi tán tỉnh thôn nữ; khi lại là quỷ dữ dọa người đến khiếp sợ... Nó làm thế là vì muốn bắt được càng nhiều người đưa về hang sâu để ăn thịt dần. Long Quân bèn ra lệnh cho lục bộ thủy phủ dâng nước lên công phá hang đá. Cáo chín đuôi bỏ chạy, quân thủy phủ đuổi theo, phá hang bắt cáo mà nuốt ăn.
Nơi này trở thành một cái vũng sâu gọi là đầm Xác cáo, tức Tây Hồ ngày nay. Sau lập miếu, tức Kim Ngưu Tự để trấn áp yêu quái. Cánh đồng phía Tây Hồ rất bằng phẳng, dân địa phương trồng trọt làm ăn, nay gọi là Hồ Đỗng (hang cáo). Đất ở đây cao ráo, dân làm nhà mà ở, nay gọi là Hồ Thôn (thôn Cáo). Chỗ hang cáo xưa, nay gọi là Lỗ Khước Thôn."
4. Hồ ly phiên bản Hàn Quốc?
"Bạn gái tôi là hồ ly" là 1 bộ phim rất nổi tiếng, chắc chắn rồi.
Ở Hàn Quốc, hồ ly được gọi là Gumiho, được mô tả là loài cáo có thể hoá thân dưới lốt con người, thường là những mĩ nhân xinh đẹp. Chúng sống cách biệt với con người trong những khu rừng rậm rạp, những nơi âm thịnh dương suy.
Gumiho Hàn Quốc có thể sống hàng trăm, hàng nghìn năm, khi cần thiết chúng sẽ ăn gan người để tồn tại. Trong các bộ phim Hàn Quốc, Gumiho là đề tài rất thu hút người xem. Những con cáo chín đuôi ở trong phim không hại con người, hoặc chỉ làm hại đến con người khi chúng bị loài người đe doạ.
5. Thịt Cửu Vĩ có tác dụng gì?
Bạn biết cổ độc là gì chứ? Theo truyện kể thì thời xưa, người ta thường nuôi nhiều trùng độc trong 1 cái lọ rồi cho chúng giết nhau, con cuối cùng còn sót lại gọi là "cổ", thường được dùng để hại người.
Sách Sơn Hải Kinh đề cập rằng: "Ở núi Thanh Khâu có 1 loại thú, hình dáng như cáo nhưng có 9 cái đuôi, tiếng kêu như tiếng trẻ con khóc, có thể ăn thịt người. Ai ăn được nó sẽ không bị trúng cổ độc, tránh được tà ma ngoại đạo."
Bài viết sử dụng tư liệu từ wikipedia, Lĩnh Nam Chích Quái và Sơn Hải Kinh/Sơn Hải Kinh Đồ.