Trong bài trước, chúng ta đã điểm qua top 3 điều thú vị về loài sứa rồi. Vậy trong bài hôm nay, hãy cùng điểm tới 3 điều còn lại nhé.
4. Sứa là 1 loài xâm lăng, theo đúng nghĩa đen
Nhờ những ưu điểm như hình thức sinh sản đa dạng, từ sinh sản hữu tính tới vô tính như phân bào, sứa hoàn toàn có thể đạt được số lượng cá thể lớn trong 1 thời gian ngắn. Nhưng đó không phải là tất cả ưu điểm mà chúng có. Điểm đáng sợ của sứa đó là, có thể thích nghi với đủ loại hoàn cảnh. Chúng có thể chịu được áp lực của môi trường xung quanh, sống và thích nghi được ở vùng biển chết hoặc những nơi mà có ít oxy hay bị ô nhiễm, tức là những nơi có điều kiện sống vô cùng hạn chế.
Nói cách khác, nếu trong 1 môi trường bị thay đổi do biến đổi khí hậu, ô nhiễm,... khiến các sinh vật khác tụt giảm số lượng, thì loài này lại hoàn toàn đủ khả năng vươn lên và tranh giành hết điều kiện sống của những loài khác. Tám năm sau khi sứa du nhập vào Biển Đen, chúng đã đạt tổng khối lượng lượng lên đến 900 triệu tấn. Theo ước tính, loài này đã gây ra thiệt hại lên đến 350 triệu đô la cho ngành công nghiệp đánh bắt cá và du lịch ở nơi đây. Vào năm 2007, sự bùng nổ về số lượng loài này đã giết chết hơn 100000 con cá hồi tại một trại nuôi cá hồi ở Bắc Ireland.
5. Có những loài sứa khổng lồ
Sứa là những loài sinh vật có kích thước tương đối đa dạng. Bên cạnh những loài có kích thước tương đối nhỏ, thì cũng tồn tại những loài sứa khổng lồ như:
- Sứa bờm sư tử: Con to nhất cho đến nay được biết là sở hữu 800 xúc tu dài tới 36 m, kèm phần cơ thể hình quả chuông có đường kính gần 2.5 m. Theo ước tính, nếu duỗi thẳng các xúc tu từ đầu đến cuối, thì con sứa này có thể xếp vừa chiều rộng của 1 sân bóng.
Sứa bờm sư tử.
- Sứa Nomura: Nomura có kích cỡ ngang cơ với sứa bờm sư tử, khi trưởng thành có thể phát triển tới mức đường kính cơ thể là 2 m và nặng tới 200kg. Nhìn chung, loài sinh vật này sở hữu cơ thể đồ sộ, gấp 100 lần kích thước cơ thể của một con sứa bình thường và cũng lớn hơn nhiều lần so với người trưởng thành.
- Sứa khổng lồ: Có danh pháp khoa học là Stygiomedusa gigantea, loài sứa biển này tương đối hiếm gặp. Chúng sở hữu cơ thể hình quả chuông có đường kính khoảng 1m, 4 xúc tu dày và dài tới 1 m.
6. Cao thủ dùng độc dưới đại dương?
Mặc dù cơ thể sứa rất mỏng manh và yếu ớt, nhưng chúng vẫn có vũ khí tự vệ của riêng chúng. Khi bạn chạm phải 1 con sứa, thì những ngòi chích nhỏ xíu nhnưg cực kỳ nguy hiểm sẽ cắm vào da bạn và tiết ra chất độc. Phải, và chúng sẽ cực kỳ độc và "dai" đấy, dai dẳng đến mức mà xúc tu vẫn có thể tiêm chất độc ngay cả khi bị đứt lìa khỏi cơ thể của sứa.
Ví dụ điển hình nhất thì có thể nhắc tới loài sứa Irukandji, với lượng độc chất thậm chí còn mạnh hơn nọc rắn hổ mang gấp nhiều lần, tức chỉ cần 1 vết chích thôi, dù không đau nhưng cũng đủ để khiến 1 người trưởng thành mất mạng rồi.
Kể cả nếu may mắn sống sót qua lần chạm trán với nó, nạn nhân vẫn phải đối mặt với hội chứng Irukandji sau khoảng 30 phút từ lúc bị chích. Biểu hiện của hội chứng này gồm đau đớn toàn thân, ói mửa, ra mồ hôi, nhức đầu, nhịp tim tăng, áp suất động mạch tăng cao, phù phổi,... và khiến họ hoảng sợ vì cảm giác cận kề cái chết.
Cho đến nay, có khoảng 2000 loài sứa được ghi nhận, trong đó thì có tới hơn 70 loài gây hại, hay thậm chí là gây tử vong cho con người. Và bạn hiểu rồi đó, Irukandji không phải loài sứa có độc chất mạnh nhất đâu. Nhưng ngược lại, cũng có những loài sứa có độc tương đối yếu, cùng lắm chỉ khiến cho những ai động vào nó bị ngứa hoặc mọc mụn. Dù gì thì, nếu rắn cũng có loài chỉ có nọc độc gây tê, thì sứa cũng vậy. Tuy nhiên...
Độc tố đủ để giết hàng chục người, nhưng gặp rùa biển thì... "tắt điện"?
Nếu xét về độ nguy hiểm, thì chắc chắn sứa hộp sẽ vượt xa đứa em họ Irukandji của mình. Những xúc tu của nó dài tới 3m, được vũ trang bằng 5000 ngòi chích chứa chất độc chết người. Nọc độc này tấn công cả tim, da và hệ thần kinh, đủ để giết bạn chỉ trong vòng vài giây. Theo nghiên cứu, chỉ 1 con sứa hộp cũng đủ chất độc để hạ 60 người rồi.
Với độc chất mạnh cỡ đó, sứa hộp dư sức hạ gục mọi thứ từ cá đến người. Nhưng thật đáng tiếc, loài rùa biển hoàn toàn miễn nhiễm trước tác động của loại độc này, và thậm chí còn chủ động tìm sứa hộp để săn đuổi rồi ăn nữa. Quả thật, đây chính là "vỏ quýt dày có móng tay nhọn".