Trong kỳ trước, chúng ta đã điểm qua 3 cái tên đầu là Mamba đen, rắn chuông và trăn đá châu Phi rồi. Vậy trong bài hôm nay, hãy cùng tìm hiểu tiếp về 3 cái tên cuối cùng nhé.
4. Rắn Taipan nội địa
Loài rắn đến từ Úc này xứng danh là quán quân trong lĩnh vực độc dược trên thế giới. Bạn nghĩ độc của Mamba đen hay rắn chuông đã là quá khủng khiếp? Vậy thì hãy tin tôi, độc của rắn Taipan còn kinh khủng hơn thế rất nhiều.
Được mệnh danh là loài rắn cạn có độc lực mạnh nhất mà thế giới từng biết đến, lượng nọc độc của rắn Taipan trong 1 cú cắn có đủ khả năng để có thể giết chết 100 người, hoặc 200.000 con chuột. Theo tính toán, 1 lượng nhỏ của độc chất này cũng mạnh gấp 10 lần vết cắn của rắn chuông, độc gấp 50 lần so với rắn hổ mang. Bên cạnh đó, nọc độc của loài này còn chứa 1 chất xúc tác, nhằm khiến cơ thể nạn nhân hấp thụ nọc độc nhanh hơn thông thường.
Về cơ bản, người bị cắn gần như sẽ "vô phương cứu chữa" và chết sau khoảng 45 phút. Nhưng tuy nhiên, nếu kịp thời thì nạn nhân có thể được cứu sống nhờ sử dụng các chất chống nọc độc, được điều chế từ chính độc của loài rắn này. Tuy nhiên, những lọ hợp chất không phải lúc nào cũng có, và cũng phải cần tới 3, 4 lọ mới có thể trị được 1 nhát cắn của Taipan. May mắn thay, lũ rắn thích dùng độc của chúng để săn chuột hơn là săn người, vì chúng ta không phải thức ăn của chúng.
Taipan có kỹ năng tấn công cực kỳ nhanh và chính xác, có thể cắn nhiều lần chỉ trong 1 lần tấn công. Vì thế, đừng tỏ ra nguy hiểm khi nhìn thấy chúng, mà hãy chạy nhanh lập tức nếu có thể.
5. Rắn biển Belcher
Không kém cạnh rắn cạn, rắn biển cũng là những sinh vật sở hữu nọc độc vô cùng đáng sợ, đặc biệt là rắn biển Belcher. Rắn Taipan nội địa có thể là loài rắn độc nhất, nhưng đó chỉ là trên cạn mà thôi, vì rắn biển Belcher còn độc gấp 100 lần so với nó. Có nghĩa là, 1 vài miligram nọc độc của nó cũng đủ để sát hại 1000 người.
Về cơ bản, nạn nhân của rắn Taipan có thể kịp cứu sống nếu dùng lượng lớn chất chống nọc độc để đảo ngược hiệu ứng của vết cắn, nhưng nạn nhân của rắn biển Belcher thì không. Khi bị cắn, nạn nhân chỉ có thể sống được trong vòng vài phút mà thôi, thậm chí còn có trường hợp chết trong vòng chưa đầy 1 phút. Chỉ cần bị cắn 1 phát duy nhất, nạn nhân chắc chắn sẽ chết.
Tin tốt duy nhất ở đây là gì? Đó là loài rắn này "tương đối hiền lành", khi chỉ hoạt động kiếm ăn vào ban đêm với mục tiêu là các loài như cá, mực,... và chỉ cắn ngư dân khi họ vô tình quăng lưới kéo nó lên. Dù gì thì đây cũng chỉ là phản xạ của chúng nhằm tự vệ, chứ không phải là hung hãn tấn công như các loài khác. Ngoài ra, đôi khi vết cắn của chúng chỉ gây vết thương vật lý thông thường, vì chúng không phải lúc nào cũng tiêm nọc độc vào cơ thể nạn nhân.
Tuy nhiên, nữ thần may mắn không phải lúc nào cũng ở bên cạnh bạn. Vì thế, hãy cẩn thận trước loài rắn này.
6. Rắn hổ mang phun nọc Ashe
Rắn cắn đã là 1 thứ gì đấy quá đáng sợ rồi, vậy mà những loài hổ mang phun nọc còn có thể phun nọc độc qua 1 cái lỗ trên răng nanh và có thể bắn trúng mục tiêu từ khoảng cách 2,5m. Thông thường, nọc độc này thường vô hại với da, nhưng chúng sẽ gây ra đau đớn khủng khiếp như thiêu đốt nếu trúng phải mắt. Do đó, loài này thường có xu hướng nhằm thẳng mặt kẻ địch mà tấn công, và kẻ địch có thể sẽ chịu mù lòa vĩnh viễn nếu không được chữa trị kịp thời.
Giống như những loài rắn khác, hắn hổ mang phun nọc cũng có thể bơm nọc độc bằng vết cắn. Thông thường, những cú cắn của chúng thường bơm những loại độc thần kinh vào cơ thể, và dĩ nhiên là có thể chữa lành được.
Tuy nhiên, rắn hổ mang phun nọc Ashe, hay còn được gọi dưới cái tên "Naja Ashei" thì lại hoàn toàn khác. Độc của loài rắn hổ mang lớn nhất châu Phi này có thể khiến vết thương chịu hoại tử mạnh, phá hủy các mô tế bào dẫn đến vùng bị thương bị biến dạng. Về cơ bản, những người bị cắn khi không điều trị kịp thời có thể phải cắt cụt đi phần chân, và vì lẽ đó mà loài rắn này nguy hiểm với con người hơn bao giờ hết.