Hãy cùng điểm lại top 7 điều mà có thể bạn chưa biết về chúng nhé.
1. Rồng Komodo được coi như loài "thằn lằn khổng lồ ăn thịt người"?
Nghe có vẻ khá kinh dị, nhưng đó là sự thật đấy. Khi đói, rồng Komodo sẽ chén bất cứ thứ gì làm từ thịt mà chúng nhìn thấy, như hươu, lợn, trâu, và dĩ nhiên là cả con người. Mặc dù việc tấn công con người không thường xuyên lắm, nhưng đề cao cảnh giác với chúng vẫn là điều tương đối quan trọng.
2. Thói quen ăn uống của loài này tương đối sạch sẽ?
Ừ thì, rồng Komodo là 1 loài ăn xác thối, nghe thì có vẻ bẩn đấy nhưng... chúng vẫn có điểm tương đối sạch sẽ. Mặc dù rồng Komodo thường chén sạch sành sanh mọi thứ, nhưng vài mẩu phân còn sót lại trong ruột con mồi thì chúng không ham chút nào đâu. Để xử lý, chúng sẽ cắn 1 đầu khúc ruột và lắc tứ tung cho đến khi phân bắn hết ra ngoài thì mới chịu thôi.
3. Rồng Komodo ăn cả đồng loại?
Như đã nói ở trên, là 1 trong những loài bò sát phàm ăn nhất Trái Đất, rồng Komodo sẽ chén bất cứ thứ gì làm từ thịt mà chúng nhìn thấy. Dĩ nhiên, trong số đó thì đồng loại của chúng cũng chẳng hề ngoại lệ. Rồng Komodo trưởng thành khét tiếng với việc ăn thịt những con rồng con ngờ nghệch rời khỏi nơi ẩn náu an toàn của chúng trên tán cây. Phải, mặc dù khi lớn trông đáng sợ là thế, nhưng rồng Komodo non khá là yếu. Chỉ cần bị phát hiện, chúng sẽ bị những con trưởng thành xé xác ngay lập tức.
Vậy làm thế nào mà chúng có thể an toàn mà dạo chơi dưới ánh nắng đây?
Hãy đọc lại điều thứ 2 của bài này: rồng Komodo ngại ăn phải phân. Để đám rồng trưởng thành không tấn công được, rồng con sẽ phóng mình vào thẳng đống phân đó, sau đó lăn lộn chán chê cho đến khi mấy con háu ăn kia phải nản chí rồi không thèm nhìn tới nó nữa.
4. Cú đớp chí tử của rồng Komodo lợi hại là do có nhiều vi khuẩn? Nhầm rồi.
Có thể bạn đã biết câu chuyện về miệng Komodo chứa hàng ngàn loại vi khuẩn, khiến cú cắn của chúng có thể khiến vết thương của con mồi bị hoại tử và chết. Nhưng nếu nói "lý do khiến con mồi của rồng Komodo chắc chắn chết là vi khuẩn" thì tin tôi đi, điều đó sai hoàn toàn. Theo nghiên cứu, nước bọt của chúng có chứa 1 chất độc vô cùng đáng sợ, có thể làm nạn nhân bị giảm áp suất máu, sốc, giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Chỉ với 1 cú cắn, chất độc này sẽ truyền theo đường máu và nạn nhân sẽ gục ngã, tối đa trong vòng 1 hoặc 2 ngày.
Một đặc điểm khiến cho cú cắn của rồng Komodo lợi hại như vậy là cấu tạo của răng. Cụ thể, hàm răng của chúng có những chiếc răng rất sắc nhọn, có khía hình răng cưa như răng cá mập. Với những chiếc răng này, xé thịt con mồi chỉ là chuyện nhỏ.
Dĩ nhiên, chất độc này không ảnh hưởng đến chính bản thân rồng Komodo. Vậy nên khi chiến đấu với nhau, chúng sẽ dựa vào móng vuốt, răng và những vũ khí khác.
5. Rồng Komodo chạy rất nhanh?
Rồng Komodo có thể là 1 loại to lớn, nặng nề, nhưng đừng vì thế mà nghĩ rằng chúng di chuyển chậm. Nhờ có bộ gene đặc biệt mà adenosine triphosphate (ATP) - loại phân tử cao năng được tạo ra từ ty thể trong tế bào - được sản xuất rất nhiều khi chúng cần. Cụ thể, phân tử cao năng này giúp sản sinh ra năng lượng hóa học để cung cấp cho cơ thể, tăng cường khả năng trao đổi chất, giúp chúng có được sức mạnh rất lớn và đạt tới vận tốc 20km/h, mặc dù cấu tạo cơ thể chúng vốn không phù hợp để chạy nhanh.
6. Rồng Komodo là 1 loài cần được bảo vệ
Là loài đặc hữu của đảo Komodo, số lượng của loài bò sát này đang thụt giảm 1 cách nghiêm trọng. Mặc dù không có đối thủ trong tự nhiên, nhưng việc con người xuất hiện đã khiến địa bàn của chúng ngày càng thu hẹp lại. Bên cạnh đó, còn có nhiều lý do khác như sinh trưởng chậm (cần 8, 9 năm để trưởng thành đầy đủ), số lượng con cái có thể sinh sản còn quá ít (khoảng 300 con), cháy rừng và núi lửa hoạt động. Về cơ bản, mặc dù rồng Komodo có thể sinh sản đơn tính, nhưng việc này chỉ khiến số lượng rồng đực tăng lên chứ rồng cái thì không. Do đó, việc thiếu hụt rồng cái cũng là 1 trong những vấn đề rất lớn của loài này.
Theo thống kê, số lượng rồng Komodo hiện nay chỉ còn khoảng 5000 con, được liệt kê vào danh sách sắp nguy cấp bởi IUCN.
7. Chúng là 1 loài tương đối "dễ thương"?
Theo nghiên cứu, rồng Komodo được coi là 1 loài khá dễ thuần dưỡng và quấn quít với chủ nhân. Thậm chí, nhiều nhà khoa học còn cho rằng chúng là loài bò sát thông minh nhất Trái Đất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng dù dễ thương, chúng vẫn là 1 loài sinh vật nguy hiểm. Tức là, điều này sẽ đúng nếu nó được nuôi ở trong khu bảo tồn, chứ đừng dại gì nghĩ đến chuyện nuôi chúng như thú cưng. Bạn biết đấy, nuôi 1 loài sinh vật có thể ăn sống mình chưa bao giờ là 1 ý kiến hay cả.