Việc đưa những thực trạng của xã hội vào trong phim ảnh hay những câu chuyện để người xem, người nghe có thể hiểu rõ hơn về những thực trạng đó đã không còn là điều quá xa lạ đối với mọi người.
Và manga cũng không ngoại lệ.
Say Hello To Black Jack
Là bộ manga được lấy cảm hứng từ tác phẩm Black Jack của Osamu Tezuka nên nội dung của Say Hello To Black Jack cũng đều xoay quanh những vấn đề liên quan tới y khoa, bác sĩ và bệnh nhân. Từ trước tới nay, hình tượng bác sĩ trong mắt của mọi người thường được xem là một nghề cao quý và luôn hết mình với bệnh nhân. Tuy nhiên, trong Say Hello To Black Jack thì hình tượng bác sĩ đã được tác giả miêu tả bằng chính con mắt trần đầy rẫy hiện thực của mình. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, những học viên luôn có quyết tâm trong tương lai sẽ trở thành 1 bác sĩ đầy y đức, cứu giúp được cho nhiều người bệnh. Thế nhưng, khi chính thức bước chân vào công việc, những bác sĩ tập sự ấy đã phải đón nhận lấy những cú sốc của hiện thực mang lại, liên tiếp vướng phải những tình huống khó xử giữa những khó khăn về tài chính và y đức, cũng như luôn phải đáp ứng đúng với hàng loạt quy tắc được đặt ra trong bệnh viện khiến nhiều bác sĩ mới đã phải nghi ngờ về cái ngành cứu người này.
Điều đặc biệt của bộ manga này là yếu tố khai thác tâm lý của từng nhân vật được triển khai bằng cách kể ra những câu chuyện hư cấu và luôn đưa ra những câu hỏi khó ai có thể trả lời được, kể cả những bác sĩ như “Làm bác sĩ nghĩa là gì?”, “Liệu bạn có sẵn lòng nuôi đứa con khuyết tật của mình?” hay “bạn có dám bán đi căn nhà duy nhất chỉ để có tiền chữa bệnh cho người thân đang bị ung thư giai đoạn cuối?” cũng như những câu hỏi khó khác và những triết lý về sự sống – cái chết của mỗi nhân vật đã khiến nhiều độc giả sau khi đọc xong mỗi một câu chuyện trong tác phẩm đều sẽ rơi vào những mạch cảm xúc khó tả, những suy nghĩ trầm tư về các vấn đề đã được tác giả đưa ra trong câu chuyện. Ngoài ra, Say Hello To Black Jack còn đưa ra những mạch hiện thực về tình trạng rối loạn chức năng của y học Nhật Bản dựa trên những lời khai của các học viên trong môi trường bệnh viện. Chính những điều đó mà bộ manga này đã tác động rất mạnh đến dư luận và khiến cho nước Nhật phải thực hiện hàng loạt cải cách sửa đổi luật y tế.
Koko Wa Ima Kara Rinri Desu
Đây là bộ truyện phản ánh chân thực nhất về các vấn đề hiện trạng của trường học. Ai cũng biết, trường học là một xã hội thu nhỏ, tồn tại mọi loại người và những con người ấy luôn tồn tại những vấn đề của riêng mình như trầm cảm, tự kỷ, tự cao, cô lập, bạo hành cho tới những vấn đề khác. Qua từng chap truyện, tác giả sẽ cho ta thấy được những vấn đề thường thấy trong học đường qua từng học sinh, và tất cả chúng đều được giải quyết êm đẹp thông qua những bài học của thầy giáo bộ môn đạo đức Takayanagi. Những bài học ấy của Takayanagi đã giúp mỗi một nhân vật, kể cả người xem đều học được cách tiếp cận các vấn đề của chính mình từ 1 góc độ khác mà không ai có thể đoán trước được. Koko Wa Ima Kara Rinri Desu mang đầy lý thuyết về những vấn đề đạo đức cơ bản của con người và xã hội, lột tả được hết những vấn đề mà các học sinh đã và đang gặp phải một cách đầy chân thực và tự nhiên.
Ngoài việc phản ánh những góc khuất của trường học, Koko Wa Ima Kara Rinri Desu còn là một bài giảng về cách để làm người, kèm theo đó là những câu nói triết lý đầy nhân văn giúp nhiều người có thể nhận ra được những vấn đề không chỉ của bản thân mà còn của những người khác. Có lẽ vì lý do ấy mà dù hình vẽ của Koko Wa Ima Kara Rinri Desu không được bắt mắt nhưng nó vẫn được đánh giá cao, thậm chí là có số điểm khá cao là 8,33 trên My Anime List.
Get Schooled
Cũng xoay quanh nội dung về các vấn đề của trường học, nhưng lần này là mặt tối của hệ thống giáo dục ở Hàn Quốc. Nếu Koko Wa Ima Kara Rinri Desu lột tả những vấn đề của các học sinh và thông qua đó là những bài giảng về cách làm người một cách nhẹ nhàng, không bạo lực thì Get Schooled lại hoàn toàn ngược lại. Với luật “Cấm trừng phạt thân thể”, các giáo viên không được phép ra lệnh, đụng chạm hay phạt học sinh bằng đòn roi. Chính vì lẽ đó mà nhiều học sinh đã lợi dụng luật lệ này để xâm phạm thẩm quyền giáo dục một cách trầm trọng, bắt nạt thậm chí là uy hiếp luôn giáo viên của mình. Từ đó, cục bảo hộ thẩm quyền giáo dục đã được ra đời với mục đích điều tra và xử lý những vấn đề đang đe dọa tới hệ thống giáo dục, những nhân viên của cục có mọi quyền hạn để xử lý những vấn đề ấy, kể cả là dùng bạo lực.
Theo chân nhân vật chính Hwajin, các mặt tối tại trường học Hàn Quốc đang ngày càng được thể hiện rõ hơn như bạo lực học đường, vấn nạn học sinh bỏ nhà đi bụi hay những vấn đề về việc các phụ huynh quá bao che cho con của mình mà ngược đãi những phụ huynh và học sinh khác, kể cả giáo viên cũng không thoát được vấn nạn này. Qua đó, người xem có thể thấy rõ hơn thực trạng tệ hại của học đường tại Hàn Quốc – một đất nước cứ ngỡ đầy rẫy sự hoàn hảo và xinh đẹp, nhưng ẩn sau đó là những mặt tiêu cực không ai có thể ngờ tới được.
Hitman
Đây là bộ manga lột tả về hiện trạng của ngành biên tập viên – những con người đứng sau sự thành công của các tác giả, các tác phẩm nổi tiếng. Có lẽ ai cũng biết, ngành công nghiệp anime/manga là một ngành vô cùng quan trọng và rất hot ở đất nước Nhật Bản. Và đứng sau sự thành công của mỗi một tác phẩm anime/manga không chỉ là tác giả chính và những người hoạt hoạ, mà còn có công của những biên tập viên – những con người không được ai biết tới khi các tác phẩm ấy nổi tiếng. Qua góc độ của một biên tập viên, tác giả đã cho độc giả thấy rõ hơn về sự quan trọng của những người biên tập, miêu tả về ngành nghề này một cách chi tiết và đầy sự lôi cuốn mà những mangaka khác ít ai có thể làm được.
Nếu giá trị của một mangaka là nhờ vào độ nổi tiếng của tác phẩm, thì giá trị của những biên tập viên được đánh giá thông qua số lượng tác phẩm, tác giả mà họ đang phụ trách xuất bản. Và dù những tác phẩm ấy có nổi thì tên của họ cũng sẽ không được đề cập tới mà thay vào đó sẽ là tên của công ty họ đang làm. Nếu 1 mangaka thường chỉ cần có 1 biên tập viên kèm theo thì ngược lại, 1 biên tập viên thường sẽ phải đảm nhận nhiều mangaka cùng 1 lúc. Công việc của họ không chỉ đơn giản là soạn thảo và phản hồi lại những ý kiến, kiểm duyệt những sai sót trong văn bản, mà họ còn phải lo thêm những công việc phụ như quảng bá, truyền thông cũng như tìm mọi cách để có thể giúp cho tác phẩm được nhiều người chú ý tới hơn.
Không chỉ vậy, đôi khi các biên tập viên còn là người luôn phải đảm bảo cuộc sống của mangaka được ổn định để việc ra mắt các chap truyện mới không bị ảnh hưởng và phải đảm bảo được quyền lợi cho tác giả. Có thể nói, ngành nghề này còn cực khổ hơn cả việc làm quản lý cho một idol vì họ phải đảm bảo cho rất nhiều mangaka chứ không phải 1. Không chỉ vậy, đối với những ngành công nghiệp luôn yêu cầu sự đổi mới như anime/manga nên các biên tập viên luôn phải đối mặt với nguy cơ bị ngừng phát hành bộ truyện. Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn tới mangaka mà cả biên tập viên cũng bị ảnh hưởng không hề nhỏ.
Tokidoki
Tuy chỉ là 1 one shot, nhưng Tokidoki lại khá nổi tiếng và được lòng nhiều khán giả nhờ việc châm biếm về cuộc sống và tuổi thọ. Thông qua căn bệnh giả tưởng của nữ chính, tác giả đã nói lên về khía cạnh bệnh tật lúc bấy giờ. Vì không phải ai cũng có đủ điều kiện để chữa bệnh, hoặc vô tình mắc phải một căn bệnh không thể chữa được.
Không chỉ nói lên được tâm trạng và những nỗi khổ của bệnh nhân, tác giả còn động viên những người bệnh hãy luôn vui vẻ, lạc quan và sống hết mình nếu như không còn nhiều thời gian thay vì cứ trầm mặc và u uất cho tới lúc thời gian của mình kết thúc. Tuy chỉ là một câu chuyện ngắn nhẹ nhàng nhưng lại vô cùng thực tế và đời thường, giúp người xem đặc biệt là những người bệnh có thêm được nhiều động lực hơn trong cuộc sống.
Oshi No Ko
Oshi No Ko là bộ manga lột tả những góc khuất của ngành công nghiệp giải trí. Nó đã miêu tả một cách chi tiết và chân thực về những vấn đề, những vấn nạn và những sự việc đen tối đằng sau ánh hào quang của một idol. Ngoài ra, bộ manga còn muốn nói cho chúng ta biết rằng, idol cũng chỉ là một người bình thường, họ cũng có một cuộc sống riêng, cũng mắc phải những sai lầm tuổi trẻ, cũng có những ước mơ và luôn cố gắng để có thể thực hiện được nó, cũng biết yêu biết hận, biết buồn biết vui, và quan trọng là họ không thể nào hoàn hảo như những gì mà các fan mong muốn được.
Qua đó, giúp người đọc có thể hiểu và thông cảm hơn với những idol của mình thay vì cứ mãi luôn đòi hỏi họ phải thật hoàn hảo và công kích họ mỗi khi biết được sự hoàn hảo ấy chỉ là đồ giả tạo do công ty xây dựng nên cho họ.