Toriyama Akira hẳn là cái tên không còn xa lạ gì với cộng đồng fan anime/manga trên toàn thế giới. Còn nếu bạn nào chưa biết Toriyama Akira là ai thì ông chính là cha đẻ của Dragon Ball – bộ anime/manga nổi tiếng chứa đựng đầy tuổi thơ của bao người. Toriyama Akira là 1 mangaka tài năng, ông đã in đậm dấu ấn của mình lên dòng chảy của văn hóa đại chúng và cũng là người truyền cảm hứng cho nhiều tác giả theo thể loại Shounen manga như Eiichiro Oda, Masashi Kishimoto hay Hiro Mashima.
Ngoài ra, ông còn là nhà thiết kế cho các tựa game nổi tiếng như Dragon Quest hay Blue Dragon. Tài năng và nổi tiếng thường sẽ dễ bị vướng vào những cuộc drama theo đó là những tin đồn không mấy tốt đẹp, và Toriyama Akira cũng không ngoại lệ, ông đã bị cáo buộc là người phân biệt chủng tộc bởi tạo hình các nhân vật trong những tác phẩm của mình.
Ai cũng biết, trong các tác phẩm của Toriyama Akira có lượng nhân vật vô cùng đồ sộ và đa dạng như động vật biết nói, quái vật, người máy, người ngoài hành tinh, người có siêu năng lực thậm chí là cả khủng long chỉ có ở thời tiền sử cũng được Toriyama đưa vào trong tác phẩm của mình. Tuy nhiên, sự đa dạng ấy không những không giúp cho tác giả tránh khỏi được những rắc rối mà ngược lại nó còn lôi ông vào một cuộc drama đầy căng thẳng về nạn phân biệt chủng tộc bởi thiết kế của những nhân vật da màu.
Điển hình nhất là nhân vật Mr. Popo với làn da đen như than cùng với đôi môi quá to. Nhân vật này được nhiều người xem như là bằng chứng mà Toriyama đã kỳ thị về người da màu trong xã hội thời bấy giờ. Bởi trong truyện, Popo là 1 thần đèn phục vụ cho vị thần hộ mệnh của Trái Đất, điều đó không khác gì nói rằng người da màu kém thông minh, xấu xí và luôn phải phục tùng người da trắng, từ đó dẫn tới việc Mr. Popo được cho là hình ảnh tiêu cực xúc phạm tới công dân gốc phi.
Phản ứng gay gắt và tiêu cực đó đã khiến cho bản anime của Dragon Ball khi chiếu ở Mỹ phải miễn cưỡng thay đổi hình ảnh của Mr. Popo thành màu xanh để tránh nhận phải nhiều chỉ trích. Nhưng trớ trêu thay điều ấy lại phản tác dụng, thậm chí đơn vị phát hành còn bị tố là đang tẩy “xanh” cho nhân vật và tẩy “trắng” cho Toriyama. Vấn đề này luôn bị đưa ra để bàn tán trên các trang mạng xã hội cho tới khi phim chuyển sang phần khác thì dư luận mới được dịu đi.
Chưa dừng lại ở đó, tới năm 2020 thì vụ việc này lại bị đào bới trở lại khi mà có 1 tài khoản trên twitter đã đăng 1 status với nội dung nói về hình tượng cộng đồng người da màu trong từng tác phẩm của Toriyama. Mỗi ngày, chủ nhân của tài khoản này đều đăng hình về cách mà Toriyama đã phác họa những nhân vật da màu rồi để cho mọi người tự đưa ra những ý kiến của bản thân dưới phần bình luận. Điều này đã thúc đẩy nhiều người đi tìm hiểu sâu hơn về những tác phẩm trước đó của Toriyama, thậm chí là từ cái thời mà ông còn làm trợ lý cho mangaka khác.
Mặc dù các nhân vật da màu ấy chỉ là những nhân vật phụ có thời lượng xuất hiện ngắn ngủi nhưng vẫn bị cư dân mạng đào lên và soi mói từ những chi tiết nhỏ nhất, để rồi họ lôi những điều ấy ra để nói rằng Toriyama đang phân biệt chủng tộc thông qua tạo hình nhân vật trong các tác phẩm của mình. Không chỉ vậy, cư dân mạng còn tố vị tác giả tài năng thêm 1 tội nữa là đang phân biệt giới tính thông qua Lady Red – 1 one shot mà Toriyama đã vẽ cho Super Jump vào năm 1987. Tác phẩm này được vẽ ra với tâm thế là dùng để châm biếm hài hước nhưng theo con mắt của cộng đồng mạng thì ông đang hạ thấp phụ nữ và phân biệt chủng tộc.
Mọi thứ đều đang dần lắng xuống thì mới tháng 2 vừa rồi đã xuất hiện thêm 1 bài đăng trên twitter được trích từ 1 bài báo nói về việc Toriyama đã phản pháo cực gắt với những kẻ đã tố buộc ông phân biệt chủng tộc. Bài đăng này đã thu hút hàng nghìn lượt xem và chia cộng đồng mạng ra làm 2 phe đối lập, fans của Toriyama thì cực kỳ hả hê với màn đáp trả cực gay gắt này, phần còn lại thì cực kỳ phẫn nộ và liên tục chỉ trích vị tác giả đang phân biệt chủng tộc dù cho bài báo không hề ghi nguồn thông tin cụ thể và độ đáng tin cậy của nó thì lại vô cùng thấp, thậm chí bên phản đối còn yêu cầu Toei cắt đứt quan hệ với Toriyama.
Dù bị công kích và bị cáo buộc 1 cách vô lý như vậy nhưng vì tính cách hướng nội, sống khá khép kín trước truyền thông và dư luận nên Toriyama vẫn luôn im lặng. Và với lối suy nghĩ “im lặng là nhận tội” của cư dân mạng, nên họ được nước lấn tới, thỏa sức công kích Toriyama trên các diễn đàn.
Tuy nhiên, sau 1 thời gian ngắn thì bài báo vô nguồn kia đã bị cộng đồng mạng khui ra là giả, và những thông tin mà nó đã đưa đều chỉ là bịa đặt. Bởi lẽ Toriyama vốn rất kín tiếng, nhiều khi bên phía công ty phải rất chật vật mới được làm việc trực tiếp với ông và Toriyama cũng rất ít khi nhận lời phỏng vấn, nếu có thì ông sẽ đi cùng với trợ lý của mình, nên việc vị mangaka này có 1 cuộc phỏng vấn liên quan tới chủ đề nhạy cảm như phân biệt chủng tộc là điều bất khả thi.
Thêm nữa, lời văn trong bài báo mang thiên hướng công kích vị tác giả là nhiều chứ không hề mang tính khách quan như của báo chí. Không lâu sau đó, 1 người dùng twitter đã phát hiện ra rằng bài báo đó hoàn toàn là giả mạo và nó đã được can thiệp bởi phần mềm Photoshop, còn về cuộc phỏng vấn thì chưa hề tồn tại. Không rõ mục đích của người làm ra thông tin giả này là muốn công kích Toriyama hay chỉ đơn giản là muốn gây ra tranh cãi trên mạng xã hội và muốn nhận về được nhiều lượt like thông qua vụ lùm xùm này, nhưng với lý do gì đi nữa thì hành động của người đó rõ ràng là sai trái và có thể bị đưa ra toà bởi bên công ty cũng như trợ lý của Toriyama.
Còn về việc cáo buộc Toriyama thì thật sự mà nói tác giả chưa hề phân biệt chủng tộc. Bởi những tác phẩm bấy giờ của ông thuộc về những thập kỷ trước, và vào thời kỳ ấy, những thông tin về dân da màu mà người Nhật được tiếp thu vẫn chưa hoàn toàn chính xác nên những tạo hình về nhân vật da màu của Toriyama trong thời đại đó là phù hợp. Về sau, thời đại tiên tiến và những thông tin về người da màu đã được cập nhập 1 cách chính xác hơn, nên những nhân vật da màu sau này của Toriyama cũng được miêu tả 1 cách chân thực và chuẩn xác hơn.
Sau tất cả, drama này đã kết thúc nhanh chóng mà không một ai giành chiến thắng. Có lẽ kẻ duy nhất hả hê chính là cá nhân đã ngụy tạo thông tin và lừa được rất nhiều người khác chỉ vì họ đã không chịu tìm hiểu kỹ càng về sự việc, cũng như không chọn lọc lấy thông tin chính xác nhất mà đã vội vàng tin vào nó để rồi bị dắt mũi. Hy vọng rằng chuyện này sẽ thật sự được dừng lại và cá nhân kia sẽ phải chịu lấy 1 hình phạt thích đáng với hành vi mà bản thân đã gây ra, để người đó có thể nhận ra được rằng, hành động tưởng chừng như vô hại của mình lại có thể gây ảnh hưởng rất lớn tới nhiều người khác và nó hoàn toàn là 1 hành vi rất sai trái.