Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm là hai bảo vật nổi tiếng trong tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long ký của nhà văn Kim Dung. Võ lâm náo loạn, quần hùng sát phạt nhau cũng chỉ để cướp được hai món vũ khí này. Trong nguyên tác cũng như phần lớn bản phim ảnh chuyển thể, sự quý giá của đao và kiếm được giải thích là vì bí kíp võ công cất giấu. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng trong lần chỉnh sửa cuối cùng, nhà văn Kim Dung đã thay đổi hoàn toàn chi tiết này.
Bộ đôi vũ khí khiến thiên hạ đại loạn
Với các fan yêu thích tiểu thuyết võ hiệp, đặc biệt là Xạ Điêu tam bộ khúc của nhà văn Kim Dung, hẳn không còn xa lạ gì với Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm. Tương truyền, nếu ai sở hữu cả hai món bảo vật này sẽ có thể hiệu triệu thiên hạ, nắm giữ ngôi vị đệ nhất võ lâm. Cũng vì giấc mộng được trở thành minh chủ đứng trên vạn người mà đã có không biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt tranh giành đấu đá nhau, tạo ra vô số những tình thù cừu hận đan xen.
Tuy nhiên, dù có dốc sức tranh giành nhau, trong phần lớn nửa đầu tác phẩm Ỷ Thiên Đồ Long ký, không nhân vật nào lý giải được sự đặc biệt của hai binh khí nổi danh, cũng như việc vì sao sở hữu được sẽ xưng bá võ lâm. Thoạt nhìn, đao và kiếm chẳng khác gì binh khí thường, ngoại trừ việc sắc bén, làm bằng kim loại tốt.
Câu trả lời có lẽ chỉ chưởng môn phái Nga My – Diệt Tuyệt Sư Thái nắm được và phải đến tận lúc gần qua đời bà mới tiết lộ cho đệ tử Chu Chỉ Nhược. Điều khiến Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao quý giá nằm ở pho bí kíp võ công ‘vũ mục di thư’ được giấu trong thân đao và thân kiếm.
Để lấy được bí kíp võ công, người sở hữu cả đao và kiếm cần vận công rồi dùng hai bảo vật chém vào nhau thì mới nhìn thấy bản ghi chép vũ mục di thư mà Quách Tĩnh đã cất giấu. Bí mật này được truyền cho Quách Tương rồi sau đó trở thành thông tin chỉ các chưởng môn kế nhiệm phái Nga My nắm được.
Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao không còn giữ bí kíp nữa?
Ở các phiên bản cũ lý giải Quách Tĩnh vì muốn lưu truyền bí kíp cho hậu thế có thể dùng để chiến đấu chống lại quân Nguyên nên đã rèn ra bảo đao và bảo kiếm để làm chỗ giấu. Tuy nhiên, trong bản chỉnh sửa cuối cùng mà cố nhà văn Kim Dung để lại, chi tiết này không còn nữa. Ông lý giải rằng khi đao kiếm chém nhau sẽ tạo ra tia lửa, nhưng vậy bí kíp có thể bị thiêu rụi, không hợp với logic vật lý thông thường.
Vì vậy, lúc còn sống, nhà văn đã quyết định sửa lại thành Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao khi chém nhau không để lộ bí kíp viết tay nữa mà chỉ để lộ ra hai miếng sắt. Trên hai miếng sắt này có khắc bản đồ dẫn đến Đảo Đào Hoa mà năm xưa Đông Tà Hoàng Dược Sư cư ngụ, đồng thời đây cũng là nơi cất giấu bản thảo viết tay hai bộ võ công thượng thừa là Cửu Âm Bạch Cốt Trảo và Vũ Mục Di Thư.