Đây là giải pháp căn cơ để quản lý livestream, lĩnh vực đang phát triển như vũ bão ở thị trường tỷ dân Trung Quốc. Với 700 triệu người xem và tham gia livestream bán hàng, dạy học, biểu diễn…, ngành livestream có doanh số mỗi năm khoảng 30 tỷ USD.
Theo quy định, những người livestream phải đảm bảo nội dung phù hợp với định hướng chính trị, tuyên truyền công cộng, đảm bảo những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội. Đối với những lĩnh vực như y tế, tài chính, luật, giáo dục, người livestream phải có trình độ chuyên môn mới được phát livestream.
Trung Quốc cấm phát những nội dung vi phạm pháp luật, vi phạm trật tự công cộng, quảng bá nội dung sai trái gây ra những hành vi, thói xấu cho xã hội, nhất là trẻ vị thành niên, kích động bạo lực trên không gian mạng. Quy định nêu rõ mức phạt đối với cá nhân và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Hoạt động livestream đang vô cùng phổ biến tại Trung Quốc. (Ảnh: Technode)
Trước đó, cơ quan chức năng Trung Quốc cấm người livestream khoe thân, khoe của, phát ngôn tục tĩu, gây sốc để câu view; không được kêu gọi người hâm mộ tặng quà, tặng tiền; cấm trẻ dưới 16 tuổi livestream; cấm các đơn vị cung cấp dịch vụ livestream sau 22h cho trẻ vị thành niên. Công ty cung cấp dịch vụ chịu trách nhiệm liên đới đối với các trường hợp vi phạm. Những cá nhân vi phạm bị đưa vào danh sách đen và bị cấm lên sóng.
Năm 2021, Trung Quốc đã phạt 4 người livestream nổi tiếng về tội trốn thuế, trong đó nữ hoàng livestream Vy Á bị phạt số tiền kỷ lục 210 triệu USD (hơn 4.800 tỷ đồng).
Các công ty cung cấp dịch vụ cũng tích cực xây dựng đội ngũ kiểm duyệt, công nghệ kiểm duyệt để chặn các hành vi vi phạm. Chính quyền Trung Quốc không muốn đánh đổi tăng trưởng kinh tế bằng những hậu quả xã hội to lớn từ lĩnh vực phát triển quá nóng này.