Truyền thuyết đô thị Nhật Bản thường gắn với một địa điểm cố định nào đó trong thực tế. Đôi khi, những câu chuyện về các sự kiện truyền cảm hứng từ chính những địa điểm này thậm, chí còn đáng sợ hơn truyền thuyết được thêu dệt lên sau này. Hai trong số những địa điểm như thế là đường hầm hú hét Inunaki và lâu đài hiến tế Maruoka.
Đường hầm Inunaki
Làng Inunaki có thực sự tồn tại hay không cho đến nay vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải. Tin đồn về ngôi làng kỳ lạ này xuất hiện tại Nhật Bản và lan truyền trên Internet từ những năm 1990. Làng Inunaki được cho là nằm sâu trong vùng nông thôn Inunaki thuộc tỉnh Fukuoka trên đảo Kyushu. Theo lời đồn, ngôi làng được nối liền với bên ngoài bằng một lối đi quy nhất qua hầm Inunaki.
Truyền thuyết đô thị về ngôi làng kể rằng tất cả những ai đi vào làng đều phải chịu một cái chết khủng khiếp. Các huyền thoại và câu chuyện xoay quanh ngôi làng thậm chí còn đề cập đến những biển báo với nội dung cảnh báo đáng sợ, nghĩa là tất cả bất kỳ ai bước vào đều phải đối mặt với những nỗi kinh hoàng cũng như các hiện tượng siêu nhiên.
Tuy nhiên, đối với nhiều người, truyền thuyết về làng Inunaki có thể bắt nguồn từ một vụ án có thật từng diễn ra trong đường hầm Inunaki. Đường hầm này có thật ngoài đời, nó là địa điểm hẻo lánh và ít xe cộ qua lại. Vì thế, nhiều băng đảng xem nơi này là điểm đến yêu thích. Vào buổi chiều tháng 12 năm 1988, một nhóm thanh thiếu niên bất hảo đã bắt bóc, cướp và tra tấn chàng thanh niên Umeyama Kouichi, 20 tuổi. Sau đó, chúng thiêu sống chàng thanh niên trong đường hầm.
Mức độ tàn bạo của vụ án đã khiến đường hầm trở thành nỗi ám ảnh với các phương tiện cũng như người dân trong vùng. Ngày nay, đường hầm Inunaki hay Đường hầm chó hú trong tiếng Nhật, được coi là một trong những địa điểm bị ma ám rùng rợn bậc nhất ở Nhật Bản. Bất chấp những khối bê tông lớn chặn lối vào hầm, nhiều người ưa mạo hiểm vẫn tìm cách đi vào trong. Người dân sống gần đường hầm cho biết, các thiết bị điện tử và thậm chí cả ô tô của họ cũng thường xuyên bị hỏng khi đến gần địa điểm này. Không ít người khẳng định họ nghe được cả tiếng chó sủa lẫn tiếng la hét ghê rợn phát ra từ sâu bên trong đường hầm.
Dù không rõ thực hư về ngôi làng lẫn những hiện tượng lạnh gáy trong đường hầm, nhưng truyền thuyết đô thị về địa điểm này đã trở thành nguồn cảm hứng cho bộ phim Howling Village (2020) của Takashi Shimizu.
Lâu đài hiến tế Maruoka
Hitobashira, một hình thức hiến tế con người, đã được thực hiện ở Nhật Bản cho đến tận thế kỷ 16. Tương truyền, các lãnh chúa sẽ nhốt nạn nhân còn sống vào các cột trụ, đập nước và những nền móng khác trong nền nhà để xoa dịu các vị thần - những người bảo vệ cho tòa nhà khỏi bị tấn công và thiên tai. Tục lệ này phổ biến đến mức sau này, nó đã trở thành một thuật ngữ để chỉ các công nhân bị chôn sống.
Lâu đài Maruoka ở Sakai, tỉnh Fukui, là quê hương của một trong những truyền thuyết đô thị nổi tiếng có liên quan đến hình thức hiến tế này. Chuyện kể rằng một trong số các bức tường của lâu đài vẫn tiếp tục đổ nát trong quá trình xây dựng, bất kể nó đã được gia cố bao nhiêu lần. Sau đó, người ta đề nghị lãnh chúa của lâu đài thực hiện lễ hiến tế hitobashira.
Một nữ nông dân bị chột tên Oshizu đã được gọi đến làm tế phẩm. Cô chấp nhận mệnh lệnh, chỉ xin lãnh chúa hãy phong cho các con trai của cô làm samurai sau khi nghi lễ được thực hiện. Lãnh chúa đồng ý với yêu cầu và chôn Oshizu xuống dưới cây cột lớn của lâu đài.
Thật không may, sau khi hoàn tất lễ tế, lãnh chúa của lâu đài đã không giữ lời hứa. Con trai của Oshizu không được phong làm samurai. Vì thế, mỗi mùa xuân về, khi mưa rơi, con hào sẽ tràn nước cho đến tận lúc cắt tảo. Người dân địa phương cho rằng đó là những giọt nước mắt đau buồn của Oshizu tội nghiệp. Họ an ủi cô bằng cách lập lên một ngôi mộ. Đồng thời, qua các thế hệ, người ta truyền nhau câu thơ:
"Cơn mưa rơi khi mùa cắt rong về là cơn mưa gợi lại những giọt nước mắt đau buồn của Oshizu."