Tương lai gần của chiến tranh robot

Việc sử dụng các vũ khí chết người trong chiến đấu chống lại kẻ thù xưa nay luôn được con người quyết định. Nhưng điều này có thể sớm thay đổi.
Tương lai gần của chiến tranh robot - Ảnh 1.

Các tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) bao gồm những công nghệ robot tân tiến, công nghệ nhận dạng bằng silicon đã biến các ý tưởng một thời chỉ xuất hiện trong giấc mơ về các chiến binh robot, những cỗ máy chiến tranh có thể sử dụng các loại vũ khí, tự tìm và diệt quân đối phương, đã trở nên hoàn toàn thực tế.

Trong số các nước chạy đua ở lĩnh vực này, Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách vượt lên với các máy tính xác định mục tiêu, cảm biến được sử dụng phối hợp với robot có năng lực nhận diện hình ảnh, hoạt động bán tự chủ, theo một bài báo trên tờ New York Post.

Anh và Israel hiện đang sử dụng các loại máy bay không người lái, tên lửa có các tính năng tự điều khiển và những loại vũ khí này có thể tấn công radar, xe cộ hay tàu bè của đối phương mà không cần chỉ lệnh của con người.

Công nghệ giúp các hệ thống vũ khí tự động nhận diện và hủy diệt mục tiêu đã ra đời từ nhiều thập kỷ qua. Trong những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, Mỹ đã đưa vào triển khai các tên lửa Harpoon và Tomahawk, có năng lực nhận diện mục tiêu tự động.

Năm 2003, quân đội Mỹ phát triển hệ thống C-RAM có khả năng phát hiện các tên lửa, đạn pháo của đối phương đang bay tới và ra tín hiệu cảnh báo. Hệ thống cho phép chỉ với một nút bấm, khai hỏa các loại vũ khí để hóa giải mối nguy ngay trên không, hạn chế thiệt hại cho dân thường trên mặt đất.

Trong suốt giai đoạn 1947-1991 của cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, hải quân Mỹ đã sử dụng hệ thống vũ khí Phalanx chống lại các tên lửa chống hạm, trực thăng, kết nối cảm biến giữa các tàu chiến, máy bay trong hạm đội để xác định các mối nguy hiểm, tự chủ tấn công chúng mà không cần điều khiển của con người.

Robert Work, một chuyên gia kỳ cựu của Trung tâm An ninh nước Mỹ mới có trụ sở ở Washington, gần đây nói với tờ New York Post rằng một cỗ máy giết chóc tự động có thể được định nghĩa là một loại vũ khí chết người có thể tự ra quyết định, dựa trên lập trình, ai và cái gì cần bị tiêu diệt.

"Có một dạng vũ khí "bắn và quên", tự quyết định mọi hoạt động của nó", ông Work nói. "Loại vũ khí đó có thể bảo: OK, đây là những gì tôi đang thấy trên chiến trường. Và tôi nghĩ tôi sẽ tiêu diệt chiếc xe tăng kia bởi tôi nghĩ đó là xe chỉ huy".

Hiện nay, Cơ quan nghiên cứu Nâng cao của Bộ Quốc phòng Mỹ đang có chương trình phát triển các phần mềm cho phép một nhóm các máy bay không người lái hoạt động theo nhóm, gọi chung là CODE.

Theo Paul Scharre, tác giả cuốn sách "Đội quân không người: vũ khí tự chủ và tương lai của chiến tranh", mục đích của CODE không phải là để phát triển vũ khí tự chủ mà nhằm "thích ứng với một thế giới với các nhóm robot hoạt động phối hợp với nhau dưới bàn tay điều khiển của một người. Việc này giống như hoạt động săn mồi của bầy sói".

Vai trò của những người điều khiển trên nền tảng CODE chỉ đơn giản là theo dõi các máy bay không người lái.

"Ý tưởng ở đây là CODE bám theo các mục tiêu di chuyển hoặc liên tục thay đổi vị trí, khó xác định chính xác địa điểm của mục tiêu từ trước", ông Scharre nói.

"Nó không giống một tên lửa hành trình Tomahawk, khi bạn chỉ lên chương trình và rồi tên lửa bay đi, thực hiện những gì đã lập trình sẵn. Các máy bay không người lái hiện đại còn có thể tìm kiếm trong một vùng nào đó, xác định mục tiêu trong khi bay", ông Scharre nói với New York Times.

Tuy nhiên, một số nhà hoạt động cho rằng sử dụng các robot sát thủ tự chủ là điều sai trái về mặt đạo đức.

"Việc nhận định, lựa chọn mục tiêu và sử dụng vũ lực, dù gây chết người hay không, phải do con người quyết định bởi chỉ con người mới phân biệt được đâu là kẻ thù, đâu chỉ là người qua đường", Mary Wareham, điều phối viên trưởng Chiến dịch Ngăn chặn robot sát thủ, nói với tờ New York Post.

Hồi tháng 6 vừa qua, công ty Google đã ra tuyên bố khẳng định họ và cả công ty mẹ Alphabet, Inc. sẽ không sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển "vũ khí hay các công nghệ khác mà mục đích chính là để gây sát thương đối với con người".