Kỳ 1: Kiên định với một lời giải thích
Theo tờ The Independent, mới đây, nhà khoa học Australia Karl Kruszelnicki đã khẳng định lý do tại sao rất nhiều tàu và máy bay biến mất không dấu vết ở khu vực giữa Bermuda, Florida, Puerto Rico không liên quan gì đến người ngoài hành tinh hay tinh thể lửa của thành phố Atlantis mất tích.
Ảnh minh họa: Getty Images
Thay vào đó, nhà khoa học Kruszelnicki cho rằng nguyên nhân xảy ra nhiều vụ tàu thuyền, máy bay mất tích ở đây không có gì siêu nhiên, mà chỉ là sai lầm muôn thuở của con người, thời tiết xấu và thực tế là ngay từ đầu, đã có rất nhiều máy bay và tàu thuyền đi vào khu vực đó của Đại Tây Dương.
Ông Kruszelnicki thường xuyên thu hút sự chú ý của dư luận vì đã liên tục đưa ra cùng một suy nghĩ này về Tam giác quỷ Bermuda, lần đầu tiên vào năm 2017, sau đó một lần nữa vào năm 2022 và một lần nữa vào năm 2023. Trong suốt thời gian đó, ông kiên định bám đuổi cùng một ý tưởng: những con số thống kê không biết nói dối.
Từ trước tới nay, nhiều vụ mất tích bí ẩn đã khiến báo chí đặt cho vùng biển này những cái tên câu khách như Biển Hodoo, Tam giác quỷ… Ông Kruszelnicki nói với trang news.com.au rằng Tam giác quỷ Bermuda không chỉ bao phủ một khu vực rộng lớn 700.000 km2 trên đại dương, mà đây cũng là một vùng biển đặc biệt đông đúc. Ông cho biết: “Khu vực này gần Xích đạo, gần khu vực giàu có của thế giới là Mỹ, do đó có rất nhiều luồng giao thông”.
Vì vậy, khi so sánh số vụ mất tích ở Tam giác quỷ Bermuda với số lượng lớn tàu và máy bay đi qua khu vực này, ta sẽ thấy không có gì bất thường. Ông cho biết: “Theo tập đoàn bảo hiểm Lloyd’s of London và Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, số người mất tích ở Tam giác quỷ Bermuda cũng giống như bất kỳ nơi nào trên thế giới tính theo tỷ lệ phần trăm”.
Ông Kruszelnicki cũng cho biết có những lời giải thích đơn giản về một vụ mất tích đã khơi mào cho toàn bộ suy đoán về Tam giác quỷ Bermuda: Đó là vụ mất tích của “Chuyến bay 19”.
Đây là chuyến bay của 5 máy bay ném ngư lôi TBM Avenger của Hải quân Mỹ, khởi hành từ Fort Lauderdale (Florida) vào ngày 5/12/1945 để làm nhiệm vụ huấn luyện thường lệ kéo dài hai giờ trên Đại Tây Dương.
Sau khi mất liên lạc vô tuyến với căn cứ, cả 5 chiếc máy bay đều biến mất. Không tìm thấy dấu vết nào của máy bay cũng như của 14 thành viên phi hành đoàn.
Kỳ lạ hơn nữa, người ta sau đó tuyên bố rằng một chiếc thủy phi cơ PBM-Mariner được phái đi vào đêm hôm đó để tìm kiếm Chuyến bay 19 cũng đã biến mất cùng với 13 thành viên phi hành đoàn.
Do không có kiến thức hoặc không thể kiểm tra thông tin, những suy đoán về Chuyến bay 19 đã bùng nổ, đặc biệt là sau năm 1964, khi tác giả Vincent Gaddis nâng cao giả thuyết của mình trong một bài báo có tựa đề “The Deadly Bermuda Triangle” (tạm dịch: Tam giác quỷ Bermuda chết người). Nhà văn Gaddis viết: “Dù có mối đe dọa nào đang ẩn nấp trong một vùng tam giác bi kịch rất gần ta thì nó cũng chịu trách nhiệm cho bí ẩn khó tin nhất trong lịch sử ngành hàng không: chuyến bay tuần tra mất tích. Khu vực tương đối hạn chế này là hiện trường của những vụ mất tích hoàn toàn nằm ngoài quy luật may rủi. Lịch sử bí ẩn của khu vực bắt nguồn từ ánh sáng bí ẩn, chưa bao giờ giải thích nổi mà Columbus quan sát được khi lần đầu tiên ông cập bến ở Bahamas”.
Ông Kruszelnicki chỉ ra rằng tập đoàn Lloyd's of London sẽ không đồng ý với phân tích thống kê của tác giả Gaddis, đồng thời đưa ra những lời giải thích đơn giản về Chuyến bay 19.
Ảnh minh họa: Getty Images
Đầu tiên, ông Kruszelnicki khẳng định mặc dù tác giả Gaddis cho rằng nhóm máy bay Mỹ đã biến mất trong điều kiện bay lý tưởng, nhưng thời tiết lúc đó không hề tốt, có những con sóng cao 15m. Ông Kruszelnicki nói thêm rằng phi công thực sự có kinh nghiệm duy nhất trong chuyến bay là trưởng nhóm Trung úy Charles Taylor và lỗi do người này gây ra có thể là một phần thảm kịch.
Ông Kruszelnicki cho biết: “Ông ấy tới sau khi say xỉn, bay đi mà không đeo đồng hồ và từng bị lạc và phải bỏ máy bay hai lần trước đó. Ngoài ra, bản chép lại thông tin qua vô tuyến từ trước khi nhóm máy bay tuần tra biến mất cho thấy rõ ràng rằng các thành viên trong Chuyến bay 19 đã không chắc chắn về vị trí của mình”.
Thông tin cho thấy Taylor nghĩ rằng la bàn của mình bị trục trặc và mình đang ở trên Florida Keys - một chuỗi đảo kéo dài về phía Tây Nam của lục địa Mỹ, trong khi thực tế, phân tích sau đó của nhân viên mặt đất cho thấy Taylor đang ở phía Đông Nam, gần một hòn đảo ở Bahamas.
Ông Kruszelnicki cho biết Taylor đã bác bỏ ý kiến của một phi công cấp dưới khi người này nói rằng họ nên rẽ về hướng Tây. Thay vào đó, Taylor nhất quyết yêu cầu đội tuần tra bay về hướng Đông, vô tình đưa họ đi xa hơn vào Đại Tây Dương, trên vùng nước sâu, nơi khó tìm thấy máy bay hoặc thi thể bị chìm hơn.
Theo tác giả Gaddis và những người khác, điều thậm chí còn đáng sợ hơn trong vụ mất tích bí ẩn của Chuyến bay 19 tại Tam giác quỷ Bermuda là số phận của chiếc thủy phi cơ tìm kiếm và cứu nạn khi chính nó cũng đã biến mất. Tuy nhiên, Ông Kruszelnicki nói: “Nó không biến mất mà không để lại dấu vết. Người ta đã nhìn thấy nó nổ tung”.
Có một số nhân chứng nhìn thấy vụ nổ. Có một vết dầu loang và mảnh vỡ. Sau thảm họa, Hải quân Mỹ đã cho ngừng hoạt động tất cả các thủy phi cơ PBM-Mariner khác. Chiếc máy bay này đã có biệt danh đáng lo ngại là “thùng xăng bay”.
Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu nhà khoa học nổi tiếng Kruszelnicki có thành công trong nỗ lực khép lại bí ẩn Tam giác quỷ Bermuda hay không. Trước đây, đã có nhiều người từng nỗ lực như vậy.
Đón đọc kỳ cuối: Nỗ lực bác bỏ các giả thuyết cũ