Trên thế giới cho đến nay vẫn có rất nhiều truyền thuyết xoay quanh các loài thủy quái. Một trong số những truyền thuyết nổi tiếng nhất có lẽ là về quái vật hồ Loch Ness, vốn được người đi biển ở Scotland đồn thổi. Tuy nhiên, ít ai biết rằng người Nhật cũng có một phiên bản quái vật hồ Lock Ness của riêng mình, thường được nhắc đến với tên gọi ‘thủy quái đầu trọc Umibozu’ hay ‘Nhà sư đi biển’.
‘Nhà sư đi biển’ hay truyền thuyết về con quái vật khủng khiếp
Trong truyền thuyết Nhật Bản, có một loại hồn ma được gọi là Umibozu. Người ta gọi loài quái vật này bằng cái tên như vậy vì ngoại hình của chúng khá đặc biệt. ‘Umi’ có nghĩa là biển, còn ‘Bozu’ có nghĩa là nhà sư trong tiếng Nhật. Khi ghép hai từ lại, cái tên Umibozu để chỉ ‘nhà sư đi biển’ hay một linh hồn có cái đầu to tròn, nhẵn bóng giống hệt đầu của các nhà sư, thường lang thang trên biển.
Truyền thuyết cũng kể rằng loài thủy quái này chỉ có nửa thân trên, màu xám đen, các chi của nó mềm oặt và buông thõng như vòi bạch tuộc.
Người Nhật có nhiều cách lý giải về nguồn gốc của Umibozu. Có người cho rằng Umibozu là hiện thân của những linh hồn thần tu chết đuối trên biển. Nhưng cũng có nhiều người khác lại tin vào việc chúng là linh hồn của những người chết mà mộ phần không có ai chăm sóc, bị bỏ mặc nên mới mò ra biển để rình rập dịp trả thù loài người.
Tại sao người Nhật lại sợ Umibozu?
Với một đất nước chẳng có gì ngoài biển đảo thì cuộc sống của người dân phần lớn đều phụ thuộc vào nghề đánh cá. Umibozu chính là cơn ác mộng đối với các ngư dân thuở xưa. Thông thường, chúng hay sống trong một vùng nước riêng biệt, gần như vô hại. Song nếu như có ngư dân nào lỡ lạc bước vào địa bàn của Umibozu, hậu quả mà người đó gánh chịu sẽ rất khủng khiếp.
Tương truyền, Umibozu sẽ dùng thân hình to lớn của nó để lật úp con thuyền đi lạc. Không những thế, khi nổi giận, linh hồn này còn đòi hỏi các thủy thủ trên thuyền phải cung cấp cho nó một cái thùng rượu lớn để đổ nước dìm chết họ. Vì vậy, kinh nghiệm dân gian mới truyền lại một mẹo, mách người đi biển nếu chẳng may rơi vào tình cảnh như thế thì nên đưa cho con thủy quái cái thùng không đáy để đánh lừa nó.
Cũng giống như các truyền thuyết xoay quanh quái vật hồ Lockness mà hàng trăm năm này được lưu truyền trên khắp thế giới, nhiều người khẳng định rằng mình đã từng nhìn thấy Umibozu ngoài biển. Trong dân gian Nhật Bản có không ít lời đồn đại như vậy, song chúng hầu như không có bằng chứng xác thực về sự tồn tại của Umibozu.
Umibozu ảnh hưởng thế nào đến văn hóa đại chúng Nhật Bản?
Ngày nay, dẫu người ta vẫn chưa lý giải được Umibozu có thực sự tồn tại hay không, nhưng con quái vật này đã bước ra khỏi truyền thuyết để trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bộ anime – manga nổi tiếng.
Trong series phim về các loài yêu quái Mononoke của hãng phim Toei (vốn là phần tiếp theo của series Ayakashi – một series kết hợp độc đáo giữa truyền thuyết cổ, kịch Kabuki và anime), Umibozu đã được nhắc đến vài lần.
Còn trong bộ phim Yokai Daisenso năm 2005, Umibozu cũng xuất hiện thoáng qua ở nhiều trận đánh kinh điển.
Nổi bật hơn nữa là sự góp mặt của chúng trong hai bộ anime đình đám One Piece (có tên gọi Wadatsumi) và Gintama (nhân vật đầu hói tên Umibozu).
Thậm chí nhân vật Vô Diện trong hoạt hình Ghibli còn có tạo hình na ná với Umibozu trong truyền thuyết.