Vì sao gói bim bim trông thì to nhưng ở trong chỉ có mỗi tí tẹo?

Ai ăn bim bim hẳn cũng từng thắc mắc vì sao gói trông to như vậy mà mở ra ăn có tẹo là hết.

Bim bim là món khoái khẩu của nhiều người, từ người lớn đến trẻ con. Trời lạnh thế này mà được nằm dài xem phim, tay cầm chút bim bim nhấm nháp thì còn gì bằng nữa chứ. Ấy thế nhưng trông gói bim bim to đẹp là thế, vậy mà bóc ra chỉ được có nửa gói là sao nhỉ? Phải chăng nhà sản xuất cố tình làm vậy để đánh lừa người tiêu dùng, tạo cảm giác gói bim bim đầy đặn, hấp dẫn nhưng thực chất lại chứa 1 phần không khí?

 

Vì sao gói bim bim trông thì to nhưng ở trong chỉ có mỗi tí tẹo? - Ảnh 1.

Nhưng cái gì cũng có lý do của nó cả, và việc gói bim bim chỉ được đong đầy 1 nửa cũng có lý do mang tính khoa học mà ít người hay biết. Thực chất, lượng khí thổi phồng gói bim bim không phải là không khí đơn thuần mà thực chất là nitrogen (ni-tơ). 

Vì sao gói bim bim trông thì to nhưng ở trong chỉ có mỗi tí tẹo? - Ảnh 2.

Sở dĩ khí nitrogen được chọn để "nén" vào gói bim bim là bởi chúng không phản ứng với phân tử khác xung quanh, cũng như không hỗ trợ sự cháy nên không làm mất dầu ăn trong miếng khoai tây. Vì lẽ đó, nitrogen giúp bảo quản các miếng bim bim không bị ỉu, mà vẫn giòn, hoàn hảo hơn.

Vì nitrogen là khí không màu, không mùi, do đó khi ở trong gói bim bim chúng cũng không làm biến dạng mùi vị vốn có của miếng bim bim, mà giữ chúng "y sì nguyên" như thuở ban đầu.

Bên cạnh đó, bao bì đựng bim bim đã được phát minh ra với lớp tráng kim loại để tránh ánh sáng tác động nữa. Trong khi đó, nếu thay thế nitrogen bằng oxy, miếng bim bim của bạn sẽ nhanh chóng bị ỉu và dễ hỏng hơn.

Vì thế mỗi khi mở gói bim bim ra, bạn hãy tận hưởng chúng ngay đi nhé, kẻo độ giòn và hương vị của chúng sẽ biến mất dần khi tiếp xúc với không khí.