Vì sao lũ gián luôn nhè mặt con người mà đáp xuống?

Bạn có thường xuyên bị gián bay vào đầu, vào mặt hay không ? Nếu có thì phải trách chúng ta quá nổi bật trong mắt chúng mà thôi.

Không biết từ bao giờ gián và người trở thành hai kẻ thù không đội trời chung. Người trông thấy gián thì cảm thấy ghê sợ, gớm ghiếc. Gián phát hiện người thì bỏ chạy toán loạn, tìm đường thoát thân.

Và khoảnh khắc đứng tim là khi loài côn trùng hôi hám, bẩn thỉu này xòe cánh và bay về phía chúng ta.

Vì sao lũ gián luôn nhè mặt con người mà đáp xuống? - Ảnh 1.

Gián bay - thảm họa không ai muốn gặp phải

Mười lần như một, dù có cố gắng tránh né đến đâu, chúng ta cũng khó ngăn mình trở thành điểm hạ cánh cho loài động vật đáng nguyền rủa này. Trong những cuộc trạm chán đó, đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao loài gián cứ chăm chăm nhắm vào đầu, vào lưng mình mà lao tới chưa?

Nói một chút về gián, thì loài động vật khó ưa này đã xuất hiện trên hành tinh của chúng ta khoảng 320 triệu năm về trước. Tức là, chúng có mặt trước cả khủng long, và vẫn sống dai dẳng sau khi loài động vật khổng lồ này tuyệt diệt.

Vì sao lũ gián luôn nhè mặt con người mà đáp xuống? - Ảnh 2.

Gián đã tồn tại cả triệu năm

Ngày nay, trên khắp thế giới có khoảng 5.000 loài gián, trong đó có 30 loài sống gần con người. Mỗi loài có một đặc tính riêng, song hầu hết gián hoạt động mạnh về ban đêm, còn ban ngày thì tìm nơi tối tăm, ẩm thấp như hốc tường, kẽ cửa, rãnh nước... để trú ẩn. Chẳng trách họ hàng nhà gián và mối có tên khoa học là Blattodea, trong tiếng Latin có nghĩa là "côn trùng xa lánh ánh Mặt trời."

Tuy nhiên, các loài gián ở gần chúng ta lại bị hấp dẫn bởi ánh sáng. Và tưởng như chẳng liên quan, nhưng đây lại là chìa khoá lý giải vì sao chúng luôn nhắm thẳng vào mặt nạn nhân mà đáp như vậy. 

Vì sao lũ gián luôn nhè mặt con người mà đáp xuống? - Ảnh 3.

Gián có khả năng đáp rất chuẩn vào mặt con người ta

Tiến sĩ Coby Schal, chuyên gia côn trùng học từ ĐH Bang Arizonda (Hoa Kỳ) giải thích: "Gián bay tới những vật thể phát sáng. Khi con người đứng ở nơi có nguồn sáng phát ra sau lưng, đầu và mặt chúng ta tạo ra một hào quang, giống như nhật thực hay nguyệt thực vậy." 

"Loài côn trùng này bị thu hút bởi thứ hào quang đó."

Trong khi những côn trùng khác như muỗi, rệp hay bọ chét đánh hơi con người dựa vào khí carbon dioxide mà cơ thể chúng ta thải ra thì gián lại không thể làm việc này.

"Không có nghiên cứu khoa học nào chỉ ra gián tấn công con người do chúng ta phát ra khí CO2." – tiến sĩ Schal khẳng định.

Schal cho biết, gián phương Đông là loài ưa sáng nhất. Chúng cực kỳ thích đèn đường, màn hình tivi và các nguồn sáng tự nhiên khác. Còn ở Việt Nam, loài gián mà chúng ta thường xuyên bắt gặp là gián Mỹ, hay còn được gọi là gián nhà.

Gián nhà không quá mê ánh sáng như gián phương Đông, nhưng chúng rất bạo gan và "thích" sống gần người. Với sải cánh to rộng và rất tích cực bay, việc chúng chọn chúng ta làm nơi hạ cánh là điều không có gì là khó hiểu.