Trong thế giới ngày nay, trò chơi điện tử càng ngày càng phát triển với tốc độ khủng khiếp. Hiện nay, những tựa game nổi tiếng đã có thể sở hữu cho mình một đồ họa khủng, lối chơi đa dạng. Công nghệ phát triển vượt bật đã kéo theo sự đi lên của ngành công nghiệp game. Tuy nhiên, vẫn còn ở đó những tựa game thời xa xưa còn tồn tại cho đến tận ngày nay.
Đặc biệt hơn cả, những tựa game này đều có một lượng fan hết sức trung thành. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng game ngày xưa “hay” hơn game hiện đại rất nhiều. Tuy rằng có đồ họa bắt mắt, lối chơi đa dạng hơn rất nhiều, nhưng tại sao những tựa game thời hiện đại lại có phần lép vế so với các bậc tiền bối trước đây?
Có rất nhiều lý do để người ta thích thú với những tựa game xưa cũ, nhưng để rút ra nguyên nhân chính thì chỉ có 2 lý do sau đây. Thứ nhất, game không hẳn là thứ duy nhất khiến họ ấn tượng và thích thú. Hầu hết, con người ta có xu hướng hoài niệm về những thứ xưa cũ đã từng gắn bó với tuổi thơ của mình. Và ở trường hợp này thì đó chính là lý do tại sao nhiều người có vẻ luôn có hứng thú với những tựa game xưa cũ hơn.
Những gì mà họ nhớ đến có lẻ chỉ là những khoảng thời gian mà mình từng chơi tựa game đó. Con người là một loài động vật ngộ nghĩnh, rất dễ kích thích sự hoài cổ khi vô tình nghe qua những âm thanh hoặc những cảnh vật quen thuộc. Chúng khiến ta như được trở về với tuổi thơ của mình, nơi gắn liền với những tựa game quá đỗi quen thuộc.
Thuở ấy, có lẽ nỗi lo duy nhất của chúng ta là không biết bao giờ sẽ bị bố mẹ “gank” nữa đây. Được quay trở về tuổi thơ là một trải nghiệm hết sức xúc động, và con đường dễ nhất để có được trải nghiệm đó chính là làm những gì mà quá khứ bạn đã từng làm. Đó là lý do tại sao những tựa game thời thơ ấu của mỗi người luôn được chính họ “thần tượng hóa” đến như vậy!
Về mặt khác, lý do thứ 2 để người ta luôn thần tượng những tựa game cũ đó chính là sự trải nghiệm mới mẻ. Đúng vậy, ở cái thời mà game không quá phát triển như bây giờ, số lượng game có trên thị trường là rất hạn chế. Hầu hết mọi người chơi một tựa game chỉ bởi vì gần như không còn một cái tên nào khác hơn để có thể chơi. Chúng ta có thể thấy sự thống trị của Half-life trong dòng game fps, hay cái cách mà Final Fantasy làm được trong ký ức của bao thanh niên thời bấy giờ.
Lúc ấy, mọi sự trải nghiệm đều rất mới mẻ. Và tất nhiên, chúng sẽ tự khắc in sâu vào tâm trí của mỗi người. Một ví dụ đơn giản chính là cái chết của Aerith trong Final Fantasy 7 (FF7). Nếu đã từng chơi qua FF7, chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên được khoảnh khắc này. Cái chết của Aerithith đã gây sốc và gây ảnh hưởng lớn vì nhiều người không có bất kỳ sự so sánh nào vào thời điểm đó. Có thể ở thời hiện đại, người ta đã quá quen với việc main chết, nhưng ở quá khứ, nó là một cái gì đó rất sốc, rất ấn tượng.
Nếu là một game chủ chính hiệu, ắt hẳn bạn cũng đã từng kinh qua rất rất nhiều tựa game nổi tiếng. Dường như những gì mà game hiện đại mang lại chỉ là đồ họa vượt bật, lối chơi đa dạng. Nhưng sau tất cả, nó không còn đem lại cho bạn một cảm giác mới mẻ, tò mò và phấn khích như cái lần đầu tiên cầm bốn nút đi ăn nấm lượm tiền. Hỏi ai đó về Zelda, Final Fantasy hay Pokemon yêu thích của họ là gì và câu trả lời gần như sẽ luôn là cái tên đầu tiên mà họ chơi.
Cơ bản thì lý do để mọi người thường có xu hướng “thần tượng hóa” những tựa game cũ là vì họ luôn muốn được quay về với tuổi thơ của mình. Nó khơi gợi lại cho họ những phút giây thoải mái nhất trong cuộc đời, không áp lực công việc, không stress, cơm áo gạo tiền,… Và khi chơi chúng, họ luôn có một cảm giác mới mẻ, độc đáo vì không có quá nhiều sự lựa chọn để có thể mang ra so sánh.