Vì sao người Nhật lại chế tạo máy bay không người lái từ... bánh gạo?

(Tổ Quốc) - Theo tờ Nikkei, giải pháp này có thể áp dụng trong cả cứu hộ cứu nạn lẫn sản xuất thực phẩm.

Nếu một người bị lạc sâu trong rừng núi mà không mang theo thức ăn còn nơi có được sự trợ giúp gần nhất cách đó nhiều giờ hoặc nhiều ngày đi bộ - làm sao để nhà chức trách có thể hỗ trợ họ sinh tồn cho đến khi được giải cứu?

Đại học Truyền thông Điện tử (UEC) của Nhật Bản đã hợp tác với Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Lausanne (EPFL) để phát triển robot có thể ăn được giúp giải quyết vấn đề nói trên cũng như các tình huống khẩn cấp khác.

Một nguyên mẫu của họ là máy bay không người lái (UAV) có cánh làm bằng bánh gạo - thứ có thể nhanh chóng trở thành một khẩu phần ăn khẩn cấp cho những người gặp nạn nhằm làm tăng cơ hội sống sót của họ.

Vì sao người Nhật lại chế tạo máy bay không người lái từ... bánh gạo? - Ảnh 1.

UAV với cánh làm bằng bánh gạo (Ảnh: Phó Giáo sư Jun Shintake của UEC)

Với chiều dài khoảng 70 cm, cánh của chiếc UAV chứa lượng thực phẩm tương đương 300 calo*.

Nếu tính theo trọng lượng tổng thể, khoảng phân nửa chiếc UAV có thể ăn được - tức là gấp đôi tổng lượng thực phẩm mà một UAV thông thường có thể mang theo. Ngoài ra chiếc UAV cũng có thể mang theo 0,8 lít nước.

Trong các thử nghiệm bay, chiếc UAV có tốc độ di chuyển trung bình khoảng 10 mét/giây (36 km/h) để không ảnh hưởng đến cấu trúc cánh.

Để hướng tới mục tiêu thương mại hóa, nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ cải thiện hơn nữa độ bền và thời gian bay cũng như tham vọng biến toàn bộ kết cấu của chiếc UAV thành thực phẩm.

Bên cạnh các tình huống cần trợ giúp khẩn cấp, ý tưởng về robot có thể ăn được có thể rất hữu ích trong quá trình sản xuất thực phẩm. Các nhà nghiên cứu đã phát triển các ngón tay robot từ gelatin và glycerin, thứ vừa chắc chắn vừa có thể sản xuất dễ dàng.

Vì sao người Nhật lại chế tạo máy bay không người lái từ... bánh gạo? - Ảnh 2.

Ngón tay robot làm từ gelatin và glycerin (Ảnh: Phó Giáo sư Jun Shintake của UEC)

Các ngón tay robot này có thể tham gia vào dây chuyền sản xuất thực phẩm - giúp giảm nguy cơ các mảnh kim loại hay vật liệu nguy hiểm khác lọt vào sản phẩm.

Ngoài ra nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Thụy Sĩ cũng đã phát triển một vật liệu ăn được có từ tính. Họ trộn muối vào gelatin để có thể từ hóa nó.

Công nghệ này được cho là có thể giúp chế tạo những robot ăn được nhỏ hơn nhiều so với hiện tại.

*Ước tính mỗi ngày người trưởng thành cần từ 1.800 đến 2.600 calo còn trẻ nhỏ là từ 1.000 đến 2.000 calo.